Hành trình tuyển chọn phi công quân sự
Để làm chủ được những chiếc máy bay quân sự, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc là ước mơ của nhiều thanh niên Việt Nam. Tuy nhiên, để tuyển chọn được một nam thanh niên đủ sức khỏe, đi đào tạo phi công quân sự là cả một hành trình mà các y, bác sĩ của Đoàn khám tuyển Viện Y học Phòng không - Không quân (PK-KQ), Cục Hậu cần ví như đi “đãi cát tìm vàng”.
Ứng viên khám tuyển phi công quân sự trải qua bài kiểm tra về tiền đình.Gần 2 tháng nay, Đại tá Nguyễn Hải Đăng - Chủ nhiệm Khoa Khám tuyển phi công, Viện Y học PK-KQ cùng đồng đội đi đến các miền quê, bắt đầu hành trình bốn tháng khám tuyển, tạo nguồn tuyển sinh vào đào tạo phi công quân sự năm học 2025-2026. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Hải Đăng cho biết: “Từ trước đến nay, công tác khám tuyển phi công quân sự được những người trong ngành ví như “đãi cát tìm vàng”. Bởi lẽ xuất phát từ điều kiện làm việc đặc thù của phi công trong buồng lái máy bay chịu áp lực rất lớn, nên sức khỏe được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi những ứng viên phải có sức khỏe toàn diện mới có khả năng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Vì vậy, công tác khám tuyển phi công quân sự gặp rất nhiều khó khăn”.
Ngay từ sáng sớm, tại Ban Chỉ huy quân sự thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, đã có nhiều nam thanh niên đến khám tuyển phi công quân sự. Trực tiếp chứng kiến, chúng tôi mới thấy độ khó của các tiêu chuẩn tuyển lựa phi công. Công tác khám tuyển được tổ chức theo quy trình: Vòng 1, các bác sĩ kiểm tra sơ bộ về chiều cao, cân nặng, cột sống, chân tay. Nếu đáp ứng điều kiện về hình thể, ứng viên tiếp tục được khám tai-mũi-họng, răng-hàm-mặt, mắt, nội, thần kinh tâm lý. Vượt qua bước này, các ứng viên sẽ được kiểm tra lại về ngoại khoa, làm điện tim, kiểm tra tâm lý và quay ghế thử chức năng tiền đình.
Ở vòng khám đầu tiên về ngoại hình, tất cả ứng viên được bác sĩ đo chiều cao, chiều dài chân. Các yếu tố như: Ngực lép, chân vòng kiềng, lưng gù, người không cân đối, trên người có vết sẹo to… đều không đạt yêu cầu. Ngoài ra, phi công quân sự còn phải huấn luyện nhảy dù. Vì vậy, nếu gan bàn chân bẹt, khi nhảy dù không có độ nhún, đàn hồi, có thể dẫn đến vỡ gót, chùn cột sống cũng không đạt yêu cầu.
Các ứng viên đáp ứng được điều kiện về ngoại hình, sẽ tiếp tục được khám tai-mũi-họng, răng-hàm- mặt, mắt, nội, thần kinh tâm lý. Bác sĩ nội khoa sẽ kiểm tra mạch, huyết áp, khám lâm sàng về nội tạng, tuần hoàn, hô hấp, nghe tim, phổi... Do điều kiện khí hậu Miền Bắc thay đổi thất thường nên nhiều ứng viên hay bị loại ở vòng này do bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang. Bác sĩ cũng đưa ra bài kiểm tra sự chú ý thông qua bảng viết 12 số không trùng lặp nhau cho các ứng viên xem trong 30 giây. Sau đó, bác sĩ cất bảng, yêu cầu ứng viên viết lại tối thiểu 6 số nhớ được.
Đối với phi công, thị giác là yêu cầu đặc biệt quan trọng. Trong huấn luyện bay, phi công hoạt động trong không gian 3 chiều, điều kiện ánh sáng thay đổi liên tục nếu chức năng thị giác không tốt sẽ không thực hiện được các bài bay. Do vậy, các ứng viên tham gia khám tuyển về mắt phải có thị lực tốt nhìn 10/10, sắc giác chuẩn (cảm giác về màu sắc đúng), điều tiết nhìn xa, gần linh hoạt, vận nhãn nhanh nhạy (nhìn thẳng và liếc 8 hướng tốt). Mắt phải thích ứng với mọi điều kiện không gian, thời gian khác nhau để có thể tham gia những nội dung bay phức tạp. Đây cũng là chuyên ngành khám tuyển khiến nhiều ứng viên phải bỏ cuộc vì không đáp ứng được tiêu chuẩn.
Phần kiểm tra khả năng tiền đình cũng là một thử thách đối với những thanh niên muốn trở thành phi công quân sự. Các ứng viên sẽ được ngồi lên chiếc ghế quay với vận tốc thay đổi. Mỗi ứng viên thường bị quay trong 3 phút, mỗi phút 30 vòng. Sau khi quay, các ứng viên tiếp tục đi thẳng về phía trước được thì mới được lập hồ sơ khám tiếp vòng 2.
Qua vòng 1, các ứng viên được khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng đối với máu, nước tiểu, chức năng gan, thận, mỡ máu, đường máu, miễn dịch viêm gan B, HIV, chẩn đoán chức năng, chụp xoang, cột sống, siêu âm tim, ổ bụng tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh, thành phố nơi các ứng viên đăng kí khám tuyển... Sau đó, các ứng viên về Viện Y học PK-KQ trải qua tất cả các bài kiểm tra ở vòng sơ tuyển ban đầu nhưng với yêu cầu nghiêm ngặt hơn và có thêm một số nội dung đặc thù của y học hàng không như: Thực hiện những bài kiểm tra về độ thích ứng sáng - tối và phân biệt màu sắc. Theo đó, họ phải nhìn vào một bóng đèn sáng cho đồng tử co lại, đèn đột ngột tắt và người kiểm tra đưa ra trước mặt ứng viên một bảng chữ yêu cầu đọc chính xác trong 60 giây. Các ứng viên đủ điều kiện cận lâm sàng sẽ được bác sĩ đưa lên buồng khí áp. Học viên ngồi bên trong, bác sĩ ở ngoài quan sát, trao đổi. Ôxy trong buồng sẽ được rút dần tương đương với độ cao, tốc độ 15m/giây, dần đến độ cao 5.000m trong vòng 30 phút. Quá trình ngồi trong phòng khí áp, các ứng viên phải làm các phép tính nhân bằng bút, yêu cầu viết thẳng hàng để bác sĩ kiểm tra sự minh mẫn. Trong môi trường áp suất thấp, thiếu ôxy như vậy, ứng viên sẽ được kiểm tra chức năng khí áp tai, khí áp xoang, độ nhạy của thính giác, thị giác, khả năng hô hấp của phổi... Sau phần kiểm tra này, bác sĩ tiếp tục khám lại tai, mũi, họng để loại những trường hợp bị xuất huyết màng nhĩ, soi lại mắt xem đáy mắt ứng viên có đáp ứng được sự thay đổi của các điều kiện hay không. Nếu vượt qua được vòng này nghĩa là ứng viên đủ điều kiện sức khỏe.
Dù quá trình tuyển chọn khó khăn như vậy, nhưng phi công quân sự vẫn là ngành được các bạn trẻ yêu thích. Em Nguyễn Nam Phong - Học sinh lớp 12, Trường THPT Sầm Sơn cho biết: “Từ nhỏ em đã ước mơ trở thành phi công. Khi lên cấp 3, em đã tìm hiểu trên mạng và qua người thân được biết hằng năm Quân chủng có tổ chức các đợt khám tuyển tại các tỉnh, thành phố. Em đã đăng ký tham gia ứng tuyển. Mặc dù, em đã qua được vòng 1, nhưng nghe các chú, các bác kể vòng tiếp theo còn nhiều khó khăn, gian nan hơn, em sẽ cố gắng hết sức vượt qua khám sức khỏe vòng 2 để đạt được ước mơ trở thành phi công quân sự”.
Một mùa tuyển sinh phi công mới lại bắt đầu; với sự tâm huyết, trách nhiệm, chuyên môn vững vàng, đội ngũ y, bác sĩ của Viện Y học PK-KQ đã và đang tiếp tục hành trình tuyển chọn những người đủ tiêu chuẩn sức khỏe để đào tạo phi công quân sự, góp phần tìm kiếm “vàng mười” cho lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam.
Bài, ảnh: ÁNH TUYẾT, DƯƠNG TOÀN