Hành trình xây dựng và phát triển của Bộ đội Không quân
Đầu năm 1949, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn quyết liệt, mặc dù chính quyền cách mạng mới chỉ có 2 chiếc máy bay cánh quạt hạng nhẹ do vua Bảo Đại giao nộp khi thoái vị, nhưng với tầm nhìn xa chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Bộ Quốc phòng quyết định thành lập đơn vị Không quân đầu tiên của Quân đội ta với tên gọi “Ban Nghiên cứu Không quân” vào ngày 9-3-1949. Nhiệm vụ của Ban Nghiên cứu Không quân tập trung vào việc vừa từng bước nghiên cứu, làm quen với các hoạt động của Không quân và nghiên cứu về hoạt động, thủ đoạn tác chiến không quân Pháp - một lực lượng hiện đại và hùng mạnh để tìm cách chống lại chúng. Kết quả hoạt động của Ban Nghiên cứu Không quân càng cho thấy sự chỉ đạo của Bác là hết sức sáng suốt, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước và Quân đội ta vào thời điểm đó.

Phi công Trung đoàn 921 sẵn sàng xuất kích chiến đấu. Ảnh tư liệu
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, ngay sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lần lượt các cơ quan, đơn vị Không quân được ra đời, như: Ban Nghiên cứu sân bay, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, Câu lạc bộ hàng không Việt Nam, Trường Hàng không, Cục Không quân, Trung đoàn Không quân vận tải 919, Trường Không quân Việt Nam. Đặc biệt, ngày 22-10-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) trên cơ sở hợp nhất Binh chủng Phòng không và Cục Không quân. Bộ đội Không quân trở thành một lực lượng quan trọng của một Quân chủng lớn, có trang bị vũ khí kỹ thuật hiện đại, tiếp tục phát triển mạnh mẽ và là lực lượng có sức đột kích mạnh trên không của Quân đội ta.
Sứ mệnh vẻ vang của Bộ đội Không quân được Đảng và Quân đội giao cho là mở ra một mặt trận mới chưa từng có trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đó là mặt trận trên không. Đây là một mặt trận hết sức mới mẻ, đối tượng tác chiến là không quân của đế quốc Mỹ - một đội quân nhà nghề, với trang bị vũ khí tối tân, hiện đại. Niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc và ý chí tiêu diệt không quân địch đã tiếp thêm sức mạnh cho những cánh bay của Không quân nhân dân Việt Nam. Ngày 3-4-1965, hai biên đội MiG-17 gồm biên đội tấn công với 4 phi công: Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương và biên đội nghi binh ngay từ lần xuất kích chiến đấu đầu tiên trên bầu trời Hàm Rồng, Thanh Hóa đã bắn cháy 2 máy bay địch, góp phần mở mặt trận trên không thắng lợi, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta. Ngay ngày hôm sau 4-4-1965, Không quân ta tiếp tục xuất kích đánh địch trên vùng trời Thanh Hóa và bắn rơi thêm 2 chiếc F-105D của Mỹ.
Với sự hiểu biết sâu sắc về tương quan lực lượng giữa ta và địch, Bộ đội Không quân đã vận dụng nghệ thuật đánh giặc độc độc đáo của cha ông ta, nêu cao ý chí quyết tâm “không ngại không quân địch hiện đại”, phải “nắm thắt lưng địch mà đánh”; liên tục xuất kích chiến đấu, bắn rơi hàng trăm máy bay hiện đại, gồm nhiều chủng loại của Mỹ. Không quân nhân dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành vượt bậc, làm chủ được vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, cùng toàn dân, toàn quân đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ đối với Miền Bắc. Nghệ thuật tác chiến trên không của Không quân ta đã phát triển tới đỉnh cao, làm cho Không quân Mỹ phải thay đổi tư duy trong nhìn nhận, đánh giá đối thủ mà lúc đầu chúng chỉ coi là thứ “mắt muỗi”. Hầu hết các chủng loại máy bay tham chiến của Mỹ đều bị Không quân ta trừng trị, trừ máy bay trinh sát tầm cao. Giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, trên đường tiến vào sào huyệt cuối cùng của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, Không quân ta chỉ chưa đến 1 tuần chuyển loại đã sử dụng máy bay thu được của địch để đánh địch. Sau ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, Bộ đội Không quân tiếp tục thực hiện có hiệu quả cao trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng do bè lũ Pôn-pốt gây ra.
Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, từ một đơn vị nhỏ bé ban đầu với trang bị vũ khí kỹ thuật còn sơ khai, lạc hậu, Không quân nhân dân Việt Nam đã trở thành một lực lượng hùng mạnh, khai thác sử dụng có hiệu quả nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Trong chiến tranh, Không quân ta đã tỏ rõ là lực lượng đột kích mạnh trên không, có khả năng cơ động cao nhất của Quân đội, lập nhiều chiến công hiển hách. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Bộ đội Không quân tiếp tục giữ vai trò quan trọng, nòng cốt trong nhiều nhiệm vụ. Là một lực lượng có trình độ tổ chức chỉ huy chặt chẽ, nắm vững khoa học kỹ thuật, Bộ đội Không quân còn phát huy tốt tiềm năng và lợi thế trong thực hiện các nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp.
THÁI SƠN