Quyết tâm tiêu diệt máy bay trinh sát tầng thấp bằng pháo phòng không
Tháng 8-1969, vấn đề đánh máy bay trinh sát tầm thấp của pháo phòng không (PPK) trong Sư đoàn PK 365 trở thành nội dung nóng bỏng. Bởi tính từ 31-12-1968 trong Sư đoàn chưa có đơn vị PPK nào bắn rơi được máy bay trinh sát tầm thấp của địch. Mặc dù Sư đoàn đã tổ chức rút kinh nghiệm chiến đấu, đã điều chỉnh lại đội hình, song các đơn vị PPK do nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa của nhiệm vụ đánh máy bay trinh sát tầm thấp của địch, dẫn tới chủ quan, lơ là mất cảnh giác. Trong khi đó, Sư đoàn khẳng định PPK37mm và Súng máy PK 14,5mm đủ khả năng bắn rơi máy bay không người lái tầng thấp của địch.
Khẩu đội pháo Trung đoàn 241 tham gia chiến dịch đường 9, Nam Lào. Ảnh tư liệu
Trước tình hình đó, trung tuần tháng 8-1969, Đảng ủy Sư đoàn PK 365 họp phiên bất thường nhằm kiểm điểm đánh giá chủ trương thực hiện của Đảng bộ và bàn biện pháp lãnh đạo đối với các Đảng bộ trung đoàn PPK trong nhiệm vụ đánh máy bay trinh sát của địch. Sau hội nghị, Sư đoàn tổ chức đợt sinh hoạt chính trị nhằm quán triệt đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ tiêu diệt máy bay trinh sát của địch, đặc biệt là ở các đơn vị PPK.
Từ sự chuyển biến về nhận thức, các đơn vị PPK đã chủ động đề xuất các biện pháp tổ chức chiến đấu như: Bố trí thêm các vọng quan sát, tập trung phát hiện mục tiêu từ xa, chú ý các hướng bay chính, phát huy hiệu quả của các loại khí tài quang học như máy chỉ chỉ huy, máy đo xa, TZK, ống nhòm. Các đơn vị tổ chức các thành phần trực ban tại công sự trận địa ngay trên mâm pháo vào giờ cao điểm, lắp sẵn các phần tử lên máy ngắm, khí tài, chuẩn bị kỹ phương án chiến đấu. Đặc biệt phải nắm chắc quy luật hoạt động trinh sát về thời gian những khi thời tiết tốt.
Cuối tháng 8-1969, Sư đoàn phát động phong trào thi đua “Sẵn sàng chiến đấu cao, huấn luyện giỏi, kiên quyết bắn rơi máy bay trinh sát không người lái của địch” để chào mừng kỷ niệm 24 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Tiểu đoàn PPK 18, Trung đoàn 260 và Tiểu đoàn PPK 216, Trung đoàn 241 là hai đơn vị có phong trào thi đua khá nhất. Đồng thời là hai đơn vị đầu tiên hoàn chỉnh phương án đánh máy bay trinh sát không người lái của địch. Việc tổ chức trực ban sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện được tiến hành rất sôi nổi và khẩn trương. Tất cả đang chờ đón máy bay trinh sát của địch để tiêu diệt.
Thời cơ đã đến, 14 giờ ngày 18-8-1969 các đơn vị của Trung đoàn PPK 241 bắt đầu vào giờ huấn luyện buổi chiều thì sở chỉ huy trung đoàn nhận được lệnh báo động chiến đấu. Trung đoàn trưởng Hoàng Văn Đối nhanh chóng cho các đơn vị vào cấp 1 đánh theo phương án đã quy định. Được thông báo hướng, cự ly, các khẩu đội của từng đơn vị vào vị trí, nạp đạn sẵn sàng. Tất cả các nòng pháo đều quay về hướng Đông Bắc. Vào đến Sơn Động, Lục Ngạn, ngã tư Buộm, chiếc máy bay không người lái của địch hiện ra to dần từ cự ly 9km. Địch vào cách trận địa Tiểu đoàn PPK 216 ở cự ly 5km, Tiểu đoàn trưởng Lê Minh hạ lệnh bắn. Ngay lập tức những khẩu PPK 37mm của Đại đội 1, 2, 5 được bố trí ở đầu Đông sân bay Kép đồng loạt bắn. Bằng hai loạt đạn, chiếc máy bay không người lái tầng thấp loại 147-S bị rơi tại chỗ, cách trận địa Đại đội 1 của Tiểu đoàn 216 khoảng 200m.
Thắng lợi của Tiểu đoàn 216 đã khẳng định PPK 37mm hoàn toàn có khả năng bắn rơi máy bay không người lái tầng thấp của địch. Thành công này là nguồn cổ vũ, động viên lớn cho lực lượng PPK trong toàn Sư đoàn. Từ đây, phong trào thi đua huấn luyện đánh máy bay trinh sát có độ cao thấp, xuất hiện cự ly gần càng sôi nổi hơn, cán bộ, chiến sĩ cũng tự tin hơn. Ngay sau trận đánh, Sư đoàn PK 365 cùng Tiểu đoàn 216, Trung đoàn 241 được Quân chủng viết điện biểu dương: “Quân chủng chúc mừng các đồng chí Sư đoàn 365 đã thành công trong việc sử dụng Pháo 37mm bắn rơi máy bay trinh sát tầng thấp của địch, góp phần đập tan thủ đoạn trinh sát xảo quyệt của đế quốc Mỹ trong ngày 18-8-1969”. Tháng 12-1970 Trung đoàn PKK 241 được bổ sung cho chiến trường Miền Nam.
HOÀNG ANH