Trận đánh khó quên
Tháng 9-1967, Đội Trinh sát nhiễu, gọi tắt là Đội Nhiễu của chúng tôi cùng đoàn chuyên gia nghiên cứu nhiễu của Liên Xô do Đại tá Cô-dô-lốp làm trưởng đoàn được điều động vào Khu 4 tham gia làm nhiệm vụ trinh sát nhiễu và nghiên cứu nhiễu của địch.
Đồng chí La Văn Sàng (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm
với Trưởng đoàn chuyên gia Nhiễu Liên Xô
và nhà báo Xuân Át - Phóng viên Báo PK-KQ tại chiến trường Nghệ An.
Ảnh tư liệu Đội đóng quân ở Nông trường Đông Hiếu thuộc Yên Thành, Phúc Thành, Nghệ An. Sau khi đã ổn định nơi ăn, ở, chúng tôi cùng đoàn chuyên gia Liên Xô xuống các đơn vị tên lửa của ta đang chiến đấu để nghiên cứu nhiễu của địch.
Tình hình nhiễu ở đây rất phức tạp. Cùng lúc không quân địch kết hợp nhiều dạng nhiễu để đối phó lại các lực lượng phòng không, không quân của ta. Thủ đoạn của địch thường là dùng nhiễu xung trả lời, nhiễu mục tiêu giả, nhiễu tạp nhẹ kết hợp với phóng Shrike đánh chế áp vào trận địa tên lửa, trận địa pháo phòng không, ra đa dẫn đường.
Hình thức hoạt động của chúng là dùng các tốp nhỏ, lẻ đánh vào các trọng điểm, nút giao thông, cầu, phà, các khu tập kết chân hàng, khu tập kết các đoàn xe. Đã nhiều đêm, chúng tôi tập trung theo dõi tình hình nhiễu và thủ đoạn nhiễu của địch tại trận địa Côn Cồ, Nghệ An.
Đến tối 29-8-1968, như thường lệ, đoàn chúng tôi gồm có anh Phan Thu, Đại tá Cô-dô-lốp và tôi xuống Tiểu đoàn 67, Trung đoàn 236 theo dõi nắm tình hình nhiễu của địch. Tối hôm đó, kíp chiến đấu xe điều khiển YA có đồng chí Nguyễn Sỹ Lành là Sĩ quan Điều khiển và chỉ huy Tiểu đoàn là đồng chí Nguyễn Duy Biên. Kíp trực luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, song chờ mãi đến nửa đêm vẫn không thấy mục tiêu địch bay vào mà chỉ có vài tốp lượn vòng phía xa ngoài biển. Kíp trực chiến đấu nhận định, có khả năng đêm nay địch không vào đánh phá các mục tiêu của Tiểu đoàn 67 bảo vệ nên Đại tá Cô-dô-lốp ra về trước, còn tôi và anh Phan Thu tiếp tục ở lại bám sát đơn vị.
Không ngờ, đúng 0 giờ 58 phút, kíp trực ban được lệnh chuẩn bị chiến đấu khi phát hiện từ hướng Đông có một tốp mục tiêu xuất hiện đang bay vào. Ngay lập tức, đồng chí chỉ huy lệnh cho các trắc thủ bám sát mục tiêu. Lúc này trên màn hiện sóng của sĩ quan điều khiển và trắc thủ có nhiễu dải nhẹ và nhiễu xung trả lời. Mục tiêu tiếp tục bay thẳng vào đúng cự ly phóng của tên lửa. Ngay tức khắc, chỉ huy ra lệnh phóng 2 quả giãn cách 6 giây.
Khi quả đạn đầu có điều khiển và trắc thủ phát hiện trên màn hiện sóng có tín hiệu Shrike phóng vào đài tên lửa thì anh Phan Thu theo dõi chụp ảnh màn góc tà, còn tôi theo dõi chụp ảnh màn phương vị, và chúng tôi đã kịp thời chụp được những bức ảnh có tín hiệu Shrike.
Khi phát tín hiệu Shrike trên màn hiện sóng, kíp chiến đấu vẫn bình tĩnh bám sát mục tiêu, điều khiển đạn nổ chính xác, tiêu diệt mục tiêu. Ngay lập tức, sĩ quan điều khiển cho hạ cao áp, đồng thời cho quay ăng ten phương vị về một hướng khác, thì tiếp đó là những giây phút căng thẳng, hồi hộp chờ đợi... và một tiếng nổ lớn của Shrike nổ cách đài điều khiển khoảng 100m. Không ai bảo ai, cả kíp điều khiển đều òa lên hô to “Thắng rồi!”. Tất cả kíp chiến đấu đều an toàn.
Sau trận đánh, Tiểu đoàn 67 đã tổ chức rút ra kinh nghiệm chiến đấu. Còn chúng tôi - những người theo dõi diễn biến từ đầu tới cuối trận đánh đã kịp thời chụp được những tấm ảnh có tín hiệu Shrike trên nền nhiễu nhẹ của màn hiện sóng tên lửa để tiếp tục bổ sung cho phương án xạ kích tên lửa đánh địch trong điều kiện địch phóng Shrike vào đài điều khiển để Quân chủng rút kinh nghiệm.
Có thể nói, đây là trận đánh khó quên bởi chúng tôi đã học được rất nhiều kinh nghiệm, nhất là tôi luyện bản lĩnh của các trắc thủ trong chiến đấu. Và dẫu năm tháng qua đi, song mỗi khi nhớ lại trận đánh đêm 29-8-1968, tôi rất tự hào về tinh thần chiến đấu của đồng đội mình. Trong những điều kiện khắc nghiệt, những người lính ra đa luôn tự tin, bản lĩnh, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm.
NGÔ TIẾN MẠNH
(Ghi theo lời kể của ông La Văn Sàng -
Trưởng Ban liên lạc Hội tình nghĩa Trinh sát Nhiễu - Trinh sát Kỹ thuật 127)