Viện Kỹ thuật Phòng không-Không quân:
Nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả khoa học - công nghệ vào sản xuất và phục vụ chiến đấu
Những năm qua, Viện Kỹ thuật PK-KQ đã triển khai toàn diện, đồng bộ và có hiệu quả nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) trong các lĩnh vực: Khai thác vũ khí trang bị mới, nghiên cứu công nghệ sửa chữa, hồi phục thiết bị phụ tùng, nâng cấp cải tiến vũ khí trang bị, chế tạo các thiết bị, vũ khí trang bị kỹ thuật, công nghệ sản xuất vật tư kỹ thuật, vật liệu bảo quản và công nghệ niêm cất VKTBKT... Viện luôn được đánh giá là một trong các đơn vị tiêu biểu, đi đầu trong toàn quân về nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất và phục vụ chiến đấu.
Ra đa RV-02, sản phẩm do Viện Kỹ thuật PK-KQ thiết kế, chế tạo. Ảnh: HẢI ANTrong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, cùng với các định hướng nghiên cứu trọng tâm khác nhau, Viện đã tập trung nghiên cứu, nắm bắt, làm chủ và ứng dụng hiệu quả các kỹ thuật và công nghệ mới như: Công nghệ thông tin, kỹ thuật vi xử lý, kỹ thuật số, công nghệ ASIC, FPGA, PSOC, kỹ thuật siêu cao tần, xử lý số tín hiệu, kỹ thuật đo lường và điều khiển số, công nghệ mô phỏng, công nghệ vật liệu mới… vào nghiên cứu KHCN. Bằng nội lực về cán bộ nghiên cứu, trang thiết bị công nghệ của đơn vị và vật tư, phụ tùng chủ yếu từ trong nước, Viện đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các bộ Ra đa RV-02 với tính năng hoàn thiện hơn so với Ra đa RV-01 trước đó. Đặc biệt, trong các năm 2015, 2016, Viện đã được Bộ Quốc phòng và Quân chủng tin tưởng giao nhiệm vụ “Thiết kế, chế tạo hệ thống phân biệt địch ta IFF-VN”. Sau hơn một năm nghiên cứu, nhiệm vụ chế tạo hệ thống IFF-VN đã hoàn thành, các sản phẩm của hệ thống bao gồm: Máy hỏi MH-VN1, MH-VN3, máy trả lời MTL-VN2, MTL-VN3 và thiết bị mã mật 6110VN đã được thử nghiệm thành công trên các đài Ra đa phòng không và trên các loại máy bay của Quân chủng. Một số sản phẩm của hệ thống IFF-VN đã được Bộ Quốc phòng nghiệm thu đánh giá cao, hiện đã được biên chế trong trang bị của Quân chủng.
Trong lĩnh vực nghiên cứu thiết kế, chế tạo trang thiết bị mô phỏng phục vụ huấn luyện, Viện đã thiết kế, chế tạo thành công buồng tập lái máy bay dùng để huấn luyện phi công các loại máy bay: Su-22M, Su-22 M4, L-39, IaK-52, Mi-8. Đặc biệt, với sự thành công trong phục hồi và sản xuất nhiên liệu tên lửa lỏng O, G đã chứng tỏ khả năng có thể chế tạo được nhiên liệu tên lửa lỏng O và G ở trong nước. Và hiện nay, công nghệ chế tạo nhiên liệu O và G đã được áp dụng vào dây chuyền sản xuất trong Quân chủng.
Cùng với đó, Viện đã nghiên cứu, sản xuất các loại mục tiêu mặt đất, mục tiêu trên biển và đặc biệt là các loại máy bay không người lái đa năng bay tự động theo chương trình phục vụ cho huấn luyện, bắn đạn thật hàng năm của các lực lượng PK-KQ và phát triển ứng dụng cho các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh khác. Các năm 2015, 2016, Viện đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công Tổ hợp máy bay không người lái
UAV-01, UAV-02, UAV-03 với nhiều tính năng vượt trội về tốc độ, độ cao bay, cự ly điều khiển, thời gian bay trên không và có khả năng cất hạ cánh trên các địa hình khác nhau. Tổ hợp máy bay không người lái này còn có thể sử dụng làm mục tiêu trên không để huấn luyện cho Tổ hợp tên lửa S-300PMU1 và máy bay Su-30MK2 tập luyện ngắm, bắn.
Trong lĩnh vực vật liệu, Viện đã chế tạo thành công và đưa vào sử dụng hàng trăm bộ lốp máy bay Su-22 và L-39 với giá thành chỉ bằng 2/3 nhập ngoại. Đặc biệt, Viện đã nghiên cứu, chế tạo thành công lốp máy bay bơm hơi không có săm. Trong đó, Đề tài “Chế tạo lốp bơm hơi không có săm dùng cho cho máy bay L-39” đã đạt giải nhất giải thưởng “Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ XIII” (VIFOTEC 2016) và Huy chương vàng tại Triển lãm Quốc tế SOUNL Hàn Quốc “SIIP-2016”. Đề tài này cũng mở ra khả năng tiếp tục chế tạo lốp máy bay bơm hơi không săm dùng cho máy bay Su-27, Su-30 mà Viện đang thực hiện. Ngoài ra, Viện đã chế tạo và cung cấp cho các đơn vị hàng trăm bộ đệm nắp buồng lái máy bay Su-22, Su-27 và Su-30, hàng trăm loại đệm cao su bịt kín cho các hệ thống thủy lực, khí nén, nhiên liệu trên máy bay.
Mặt khác, Viện đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sửa chữa, cải tiến và chế tạo mới thành công nhiều trang thiết bị, hệ thống như: Máy tính dẫn đường A-313, hệ thống ECRAN trên Su-27, thiết bị hỗ trợ dẫn đường vệ tinh VT-05, hệ thống kiểm tra khách quan (hộp đen) KQ-SAP trang bị trên hầu hết các loại máy bay của Quân chủng, Ra đa thời tiết KONTUR-10 trên trực thăng, một số Modul của máy tính trung tâm 40U6 Tên lửa S-300PMU1, các khối chức năng của các đài ra đa Phòng không 96 L6.E, P-19, P-37, P-18, các trang thiết bị kiểm tra phục vụ sửa chữa Kỹ thuật hàng không và Tổ hợp tên lửa S-300PMU1…
Ngoài ra, nhiều dự án, đề tài, nhiệm vụ KHCN khác do Viện thực hiện đã được nghiệm thu và góp phần không nhỏ vào công tác bảo đảm kỹ thuật của Quân chủng. Bên cạnh đó, Viện còn tham gia vào nhiều dự án, đề tài KHCN của các đơn vị, nhà máy trong Quân chủng PK-KQ, Quân chủng Hải quân, Tổng cục CNQP, Tổng cục Kỹ thuật… qua đó góp phần không nhỏ vào việc nâng cao năng lực và chất lượng sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật trong Quân chủng và các đơn vị khác trong toàn quân.
Ngày 8-5 tới đây là ngày kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Viện Kỹ thuật PK-KQ (8-5-1978/8-5-2017). Những thành tích trên đây là sự kế thừa và phát huy sáng tạo truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh đi trước. Các thế hệ cán bộ, nhân viên của Viện hôm nay đã thể hiện tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, năng động sáng tạo, đột phá vào lĩnh vực mới và khó của khoa học, công nghệ, mang lại hiệu quả, có ý nghĩa về quốc phòng - an ninh, nâng cao khả năng SSCĐ của các loại vũ khí trang bị và sức mạnh quân sự của đất nước trong tình hình mới. Chỉ còn 1 năm nữa là đến dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, toàn thể cán bộ, QNCN, CNVQP của Viện đã và đang nỗ lực phấn đấu, lập thành tích cao nhất để chào mừng sự kiện trên. Đồng thời, đây cũng là dịp để Viện tổng kết 10 năm hoạt động nghiên cứu KHCN, bổ sung thành tích vào lịch sử, truyền thống 40 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, rút ra những bài học bổ ích, nhằm đưa Viện tiến kịp với yêu cầu đổi mới của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực KHCN, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đại tá, TS NGUYỄN HỮU ĐOÀN
Viện trưởng Viện Kỹ thuật PK-KQ