10 giờ:16 phút Thứ ba, ngày 5 tháng 4 , 2016

Chuyện những người làm công tác khen thưởng

Kỳ cuối: Nỗi niềm bên những tập hồ sơ

Thượng tá Nguyễn Văn Thảo - Trợ lí Phòng Chính sách, Cục Chính trị Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ), người đã từng có nhiều năm gắn bó với nhiệm vụ làm khen thưởng niên hạn chia sẻ với chúng tôi, công việc vất vả thật nhưng tận mắt chứng kiến sự phấn khởi, quý trọng của bộ đội với những danh hiệu được Nhà nước ghi nhận, anh cũng vui lây.

 Thượng tá Nguyễn Văn Thảo kể, năm 2005, một cựu chiến  binh  đã  đến  tuổi  xưa  nay hiếm từ tận Hà Tĩnh lặn lội ra Quân chủng PK-KQ. Ông trình bày với cơ quan chức năng về việc ông đã từng 3 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ nhưng chưa  được nhận  Huy chương Chiến sĩ vẻ vang. Chỉ 3 năm thôi mà ắp đầy những  kỷ niệm, ông coi đó là dấu ấn một thời quân ngũ, đồng thời, giáo dục cho con cháu về truyền thống Bộ đội Cụ Hồ. Hồ sơ lưu trữ về công tác khen thưởng không còn, Thượng tá Nguyễn Văn Thảo đành động viên ông và cấp giấy xác nhận về việc chưa được cấp Huy chương để ông về kê khai tại địa phương. Anh  chia sẻ: Nhiều  khi công việc cứ cuốn mình đi trong cái vòng bận rộn của những chồng hồ sơ, chỉ đến khi trực tiếp chứng kiến và giải quyết việc này, mới thấy thật cảm động và càng tăng thêm  trách  nhiệm  của  mình  với công việc.

Nghe anh kể, tôi bất chợt nhớ lại chuyện của chính mình. Vài năm  trước,  tôi  được  nhận  Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba và hạng Nhì. Mẹ từ quê lên chơi, trông thấy thì quý lắm. Mẹ  nhất mực đòi đem về treo trang trọng trên tường  nhà, bên cạnh những tấm bằng khen, giấy khen mà chị em tôi đạt được. Bà con chòm xóm ai đến cũng khoe…

Trái  ngược  với  dòng  chảy chung đó, trên thực tế những người làm khen thưởng vẫn phải đối diện với không ít bất cập trong thực hiện nhiệm vụ, xuất phát từ ý thức của bộ đội ta với việc khen thưởng. Trước đây, trong kháng chiến, không ít trường hợp cán bộ khi đến niên hạn rất thờ ơ hoặc không kê khai khen thưởng.  Chỉ đến khi đi họp cựu chiến binh, thấy đồng đội trên ngực lấp lánh những cuống huy chương mới giật mình  tiếc nuối. Lại có những trường hợp đã được nhận Huy chương nhưng do cẩu thả nên hỏng, rách; rồi do hỏa hoạn nên bị cháy, do thuyên chuyển nhà cửa, đơn vị nên  thất lạc… Lí do của việc quên, sai thì rất nhiều nhưng đều giống nhau ở chỗ, khi đề nghị làm lại, việc này đã lấy đi không ít công sức của cánbộ  chuyên  trách  và  tiền  bạc  của Nhà nước.

Đó là chuyện của… ngày xưa. Hiện tại, việc làm khen thưởng cũng gặp không ít bất cập khi đến nay Bộ phận Thi đua - Khen thưởng vẫn chưa áp dụng  được phần mềm lưu trữ vào việc quản lí danh sách khen thưởng hàng năm nên hiện tượng trùng khen vẫn có thể xảy ra. Thứ nữa, thi đua, khen thưởng là công việc cần nhiều đến kinh nghiệm song đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng ở đơn vị thì luân chuyển liên tục do yêu cầu phát triển; nhiều  người, chưa quen việc đã lại đảm nhiệm một công việc khác nên việc hướng dẫn kê khai hồ sơ và xử lí, giải quyết các tình huống liên quan đến quyền lợi của bộ đội còn khá… non tay.  Đơn cử  như  việc hướng dẫn kê khai hồ sơ khen thưởng. Mỗi đợt khen thưởng, đơn vị đều nhận được các thông tư, hướng dẫn, thậm chí được trang bị cả bản  kê  khai  mẫu. Tuy  nhiên,chuyện sai sót vẫn thường  xuyên xảy ra, một phần là bởi cán bộ phụ trách công tác chính sách và khen thưởng thiếu năng lực và kinh nghiệm.

Trung  tá  Đoàn  Đình Trường tâm sự, nếu từ cơ sở, hồ sơ được khai đúng, bản thân cá nhân được khen thưởng chịu khó tìm hiểu, nắm được những thay đổi về đơn vị hành chính của địa phương hoặc sự kiểm soát của những người làm  công tác thi đua, khen thưởng cấp cơ sở chặt chẽ hơn thì đã giảm thiểu được gánh nặng về công việc cho cơ quan chức năng cấp trên. Cũng do chưa  ý  thức được hết ý nghĩa, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng, ở một số cơ quan, đơn vị lâu nay đã tồn tại tình trạng khen cao hơn thành tích thực. Khen, nếu đúng người, đúng việc, sẽ có tác dụng lớn trong việc cổ vũ, nhân rộng điển  hình, và ngược lại. Thứ  nữa, thay vì làm đúng quan điểm khen thưởng phải hướng về cơ sở, người trực  tiếp thực hiện nhiệm vụ  thì ở  một  số đơn vị, số lượng cán bộ được khen thưởng chiếm tỉ lệ quá cao…

Khen thưởng, là một biện pháp nhằm đánh giá đúng thành tích, kết quả lãnh  đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua, đúc rút ra những kinh nghiệm hay, lựa  chọn  được  những  tập  thể,  cá nhân tiêu biểu để nhân rộng điển hình;  là  sự  ghi  nhận  của  Đảng, Nhà  nước,  Quân  đội  đối  với  sự cống hiến của các tập thể, cá nhân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  Để  làm  tốt  công  tác  thi đua, khen  thưởng,  Đại  tá  Phạm Đức  Dũng  - Trưởng  Phòng  Tuyên huấn  khẳng  định, phải phối hợp đồng bộ nhiều  biện pháp, từ việc lãnh đạo, chỉ  huy  các cấp phải thường xuyên quan tâm đúng mức đến công tác thi đua, khen thưởng, việc phối hợp giữa cơ quan Tuyên huấn với đơn vị trong việc kịp thời quán triệt các chỉ thị, thông tư, nghị định, hướng  dẫn, đến  việc  bồi dưỡng và tự học tập để nâng cao năng lực, kinh nghiệm cho những người làm công tác thi đua, khen thưởng. Có như vậy, công  tác  thi đua, khen thưởng mới kịp thời phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi cán bộ, quân nhân, thúc đẩy phong trào thi đua trong toàn Quân chủng.

HỒNG LINH

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website