Những ngày được gặp Bác Hồ
Tôi gặp ông Nguyễn Quang Thuận, nguyên là pháo thủ số 2, thuộc Khẩu đội 2, Đại đội 815, Tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367 trong một dịp về xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng công tác. Ông chính là người trực tiếp đạp cò, bắn rơi chiếc máy bay Pháp đầu tiên khi quân ta vừa mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ và là đơn vị bắn rơi nhiều máy bay địch nhất trong Chiến dịch này. Ông là một trong 5 chiến sĩ xuất sắc, tiêu biểu cho các đơn vị chiến đấu ở Điện Biên Phủ, về báo cáo thành tích với Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ, đúng dịp kỷ niệm 64 năm Ngày sinh của Bác.
Ngày 14-3-1954, Đại đội 815, Tiểu đoàn 383 bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên
trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ảnh: Tư liệu.
Ông kể: Chiều 19-5-1954, 5 chiến sĩ chúng tôi từ Điện Biên Phủ về tới căn cứ kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ ta tại Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Đồng chí Trường Chinh đang chờ ở nhà khách, ân cần thăm hỏi sức khỏe rồi nhắc chúng tôi tranh thủ tắm rửa, ăn uống và nghỉ ngơi cho lại sức, để sáng mai vào gặp Bác Hồ.
Nghe nói được gặp Bác Hồ, chúng tôi đều run lên vì sung sướng. Sau bữa cơm chiều, chúng tôi ngồi bàn luận tới 10 giờ đêm vẫn chưa muốn đi nghỉ. Đúng lúc đó, bỗng Bác đến. Chúng tôi đều sững sờ, thảng thốt. Tôi ấp úng:
- Thưa Bác! Chúng cháu chào Bác ạ!
Bác trìu mến nhìn chúng tôi, giọng Bác ân cần:
- Bác bận việc, bây giờ mới đến thăm các cháu được. Các cháu đi đường xa có mệt không?
Chúng tôi đều đồng thanh:
- Thưa Bác, chúng cháu khỏe lắm ạ!
Bác lại hỏi:
- Các cháu về chậm một ngày, Bác mong lắm! Bây giờ thấy các cháu khỏe mạnh, Bác yên tâm. Thôi, Bác về để các cháu nghỉ...
Bác về rồi, nhưng chúng tôi vẫn đứng lặng, ngỡ ngàng như trong mơ. Và trong giấc ngủ đêm hôm đó, tôi vẫn mơ thấy Bác...
Sáng hôm sau, vì tôi lớn tuổi hơn cả, nên được chỉ định phụ trách chung anh em vào gặp Bác. 5 chúng tôi ngồi quây quần trước mặt Bác. Các đồng chí Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái đều ngồi bên Bác. Bác rất vui, Bác nêu câu hỏi:
- Đơn vị cháu nào bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên và bắn rơi nhiều máy bay nhất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ?
Tôi mạnh dạn đứng lên: Thưa Bác, đơn vị cháu ạ!
Bác cho phép chúng tôi cứ ngồi, giơ tay rồi nói cũng được. Bác lại hỏi:
- Cháu tên là Thuận, đã lấy mũ sắt của mình đậy lên kính ngắm khẩu pháo, khi máy bay địch ném bom phải không?
Tôi thấy nghẹn ngào xúc động, vì Bác bận trăm công ngàn việc mà một hành động nhỏ của chiến sĩ ngoài mặt trận, Bác cũng biết đến. Tôi rụt rè đáp: Thưa Bác, đúng ạ!
Bác lại hỏi: Thế cháu nào dẫn đầu đơn vị bắt sống tướng Đờ Cát?
Đồng chí Hoàng Đăng Vinh, chiến sĩ nhỏ tuổi nhất Đoàn, lúng túng giơ tay: Thưa Bác, cháu cùng với anh Luật, anh Nhỏ và một số anh nữa ạ!
Bác khen: “Cháu Vinh khá lắm!”... Rồi Bác nói, đại ý: Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng là nhờ sự cố gắng chung của đồng bào cả nước, nhưng trước hết là nhờ công lao và sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ ngoài mặt trận... Các cháu là những chiến sĩ tiêu biểu của một nhân dân anh hùng, một quân đội anh hùng. Bác, Trung ương Đảng và Chính phủ rất vui và có lời khen ngợi các cháu. Chính phủ quyết định tặng thưởng các cháu Huân chương Chiến công hạng Nhất. Các cháu chớ đừng vì thắng lợi mà kiêu, chớ chủ quan thỏa mãn, phải luôn luôn khiêm tốn học tập, cố gắng làm tròn mọi nhiệm vụ...
Tôi thay mặt anh em đứng lên mừng thọ Bác, kính chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu và hứa với Bác, với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn luôn ghi nhớ và thực hiện tốt những lời Bác dạy. Tiếp đó, chúng tôi cùng đứng lên, dàn hàng ngang trước mặt Bác.
Bác nói: Hôm nay, Bác thay mặt Đảng và Chính phủ trao cho các chiến sĩ lập công xuất sắc nhất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ Huân chương Chiến công. Riêng Bác còn tặng thêm mỗi cháu một ngôi sao đỏ và một tấm huy hiệu.
Chúng tôi lần lượt đưa tay lên mũ chào Bác, khi Bác gắn Huân chương cho mình. Phía sau Bác là các phóng viên Việt Nam, Liên Xô... tranh thủ chụp ảnh, quay phim.
Sau buổi gặp Bác không thể nào quên ấy, chúng tôi được cử đi kể chuyện chiến đấu thắng lợi ở Điện Biên Phủ tại các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ. Ngày 10-6-1954, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi lại có niềm vui không ngờ nữa là được ăn bữa cơm thân mật với Bác.
Mở đầu bữa ăn, Bác nói vui: Đây là bữa cơm riêng Bác mời các cháu chứ không phải Nhà nước mời đâu. Toàn cây nhà, lá vườn cả, nhưng các cháu phải ăn no. Các cháu ăn nhiều, Bác sẽ vui, sẽ khỏe...
Bữa cơm hôm đó, tôi ghi nhớ suốt đời. Tôi nghĩ rằng, vinh dự này không phải Bác chỉ dành riêng cho 5 chiến sĩ chúng tôi. Mà đây là vinh dự lớn mà Bác dành cho toàn quân, cho tất cả cán bộ, chiến sĩ đã góp sức làm nên chiến thắng...
VŨ LƯƠNG