Nga phát triển khinh khí cầu chống tên lửa
Theo Sputniknews, các kỹ sư Nga đang thiết kế một loại khinh khí cầu tiên tiến có khả năng chống lại các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo.
Khinh khí cầu Atlant-30 mà Nga đang phát triển. Ảnh: Sputniknews.com
Loại khinh khí cầu đa chức năng này được gọi là Atlant-30, dự kiến sẽ bay thử nghiệm lần đầu vào năm 2018. Khinh khí cầu Atlant-30 có tải trọng 170 tấn, có thể hoạt động ở độ cao đến 10.000m, giúp nó có thể phát hiện đầu đạn tên lửa của đối phương đang trong giai đoạn bay tích cực và ở chặng cuối của quỹ đạo bay. Thêm vào đó, khinh khí cầu này còn có khả năng vận chuyển 3 xe tăng T-90 với đầy đủ trang bị hoặc 8 xe chiến đấu bộ binh BMP-3, biến nó trở thành một máy bay vận tải thực thụ.
Trước đó, vào năm 2015, Vla-đi-mia Mi-khê-ép (Vladimir Mikheev), Cố vấn cấp cao của Tập đoàn Công nghệ vô tuyến điện tử (KRET) đã tiết lộ về kế hoạch chế tạo một loại khinh khí cầu mới có thể trở thành một tổ hợp hoàn chỉnh tham gia vào hệ thống cảnh báo sớm hiện có của Nga.
Được biết, ngoài các nhiệm vụ như chụp ảnh, giám sát hay liên lạc, khinh khí cầu này còn có thể được triển khai vì mục đích quân sự như trong tác chiến điện tử hoặc sử dụng để chỉ định mục tiêu hay phòng không. Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn RIA Novosti, ông Vla-đi-mia Mi-khê-ép cho biết: “Một lợi thế riêng của các khinh khí cầu là diện tích bề mặt lớn, qua đó cho phép các kỹ sư lắp đặt các hệ thống ăng-ten định vị. Các ăng-ten này có thể lần theo dấu vết của tên lửa đạn đạo liên lục địa và xác định quỹ đạo bay của chúng. Hiện KRET đang phát triển một hệ thống vận tải điện tử mới, trong khi khinh khí cầu này là do Trung tâm Hàng không Augur thiết kế”.
Theo các chuyên gia, một khinh khí cầu nhỏ bay ở độ cao 20km có thể cho phạm vi liên lạc với bán kính lên đến 750km. Đáng chú ý, khinh khí cầu hoàn toàn có thể trở thành công cụ thay thế tiết kiệm và hiệu quả cho các vệ tinh liên lạc trong các hoạt động dân sự hay quân sự.
Theo qdnd.vn