16 giờ:42 phút Thứ năm, ngày 7 tháng 4 , 2016

Chuyển đào tạo trên nền máy bay MiG sang nền máy bay họ Su ở Trường Sĩ quan Không quân:

Kỳ 1: Xây dựng lực lượng: Đi trước đón đầu

Cùng với việc những chiếc máy bay MiG được đưa vào niêm cất, Trường Sĩ quan Không quân đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án: “Xây dựng lực lượng và cơ sở vật chất kỹ thuật cho đào tạo phi công, nhân viên chuyên môn kỹ thuật trên nền máy bay họ Su”. Thiếu tướng Nguyễn Duy Cường - Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân khẳng định, vừa chú trọng vào công tác xây dựng lực lượng, chuyển loại cho đội ngũ cán bộ, giảng viên; đầu tư trang bị cho Trung tâm Huấn luyện thực hành; vừa quan tâm đến việc xây dựng giáo án, giáo trình, Trường SQKQ đang thực hiện Đề án bằng những bước đi khá vững chắc…

 Theo Đại tá Nguyễn Tiến Học - Trưởng Phòng Đào tạo, căn cứ vào niên hạn sử dụng của máy bay MiG, từ hàng chục năm trước, để xây dựng lực lượng chuẩn bị cho việc chuyển đổi đào tạo sang nền máy bay họ Su, Trường Sĩ quan Không quân đã chủ động cử cán bộ kỹ thuật, giảng viên của Nhà trường đi chuyển loại tại một số đơn vị được trang bị máy bay Su.

Đồng chí Trưởng Phòng Đào tạo khẳng định, với nhiệm vụ mang tính đột phá này, Nhà trường hoàn toàn có thể thực hiện tốt bởi Trường Sĩ quan Không quân đã được nâng cấp đào tạo bậc đại học cho đối tượng phi công quân sự. Thứ nữa, đội ngũ giảng viên đã có sự trưởng thành vượt bậc với 100% có trình độ đại học, trên 30% sau đại học; nhiều đồng chí đã được đào tạo cơ bản ở Nga và các nước Đông Âu khác nay vẫn đang còn công tác.

Thượng tá Đinh Phúc Hưng - Giảng viên Khoa Máy bay động cơ, nguyên Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện thực hành (HLTH) từng được cử làm đoàn trưởng đoàn cán bộ công tác của Trường Sĩ quan Không quân gồm 9 người, bao gồm giảng viên các khoa Kỹ thuật hàng không và nhân viên kỹ thuật của Trung tâm HLTH về Trung đoàn 937 (Sư đoàn 370) chuyển loại từ máy bay MiG sang Su-22M4 năm 2004. Anh cho biết: Nhà trường đã xác định đối tượng liên quan trực tiếp đến việc chuyển đổi này chính là các giảng viên và nhân viên kỹ thuật làm công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật cho việc đào tạo nên đã kịp thời tổ chức các lớp bổ túc. Việc bổ túc kiến thức có thể được thực hiện bằng các hình thức truyền thống như mở lớp chuyển loại, đi thực tế đơn vị hoặc bằng cách tự nghiên cứu tài liệu gốc rồi đối chứng với thực tế khai thác sử dụng ở đơn vị. Trên cơ sở đó, các giảng viên và cán bộ, nhân viên kỹ thuật có thể tiến hành biên dịch, biên soạn các giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo và bảo đảm tốt trang bị phục vụ cho đào tạo...

Kỳ 1: Xây dựng lực lượng: Đi trước đón đầu

Giờ học thực hành của các học viên Trường Sĩ quan Không quân.

Là một trong 9 cán bộ của đoàn công tác ngày đó, Thiếu tá Hoàng Ngọc Ánh - Giảng viên Khoa Vũ khí Hàng không cho biết, đó là quãng thời gian anh và các cán bộ kỹ thuật của Trung đoàn 937 hoán đổi vị trí. Những con người ấy, chỉ mươi năm trước đã từng là học viên của anh, giờ lại làm “thầy” khi họ đang khai thác thành thạo loại máy bay khá mới mẻ với nhà trường.

Thiếu tá Hoàng Ngọc Ánh chiêm nghiệm: “Trong thực hiện nhiệm vụ kỹ thuật, khái niệm “thầy - trò” chỉ mang ý nghĩa tương đối. Và đôi khi, trước một vấn đề mới, cả giảng viên và học viên đều là “trò” cả. Chuyện vui của anh bỗng khơi gợi trong tôi thật nhiều điều về lối sống, về nền nếp tác phong của một cán bộ, giảng viên. Thiết nghĩ, sự cầu thị, không câu nệ vị trí, chức vụ trong công việc chính là chìa khóa của sự phát triển. Chính vì vậy, chỉ qua một thời gian ngắn dồn tâm huyết vào việc nghiên cứu tài liệu và tiếp cận, khai thác máy bay, cán bộ, giảng viên Nhà trường đã cơ bản làm chủ được công nghệ sử dụng các trang thiết bị họ Su.

Khi chiếc Su-22M4 đầu tiên mang số hiệu 5851 của Trung đoàn 937 được chuyển về Trường Sĩ quan Không quân năm 2004, Nhà trường đã có thể khai thác sử dụng và từng bước tổ chức giảng dạy trên loại máy bay này. Anh Ánh chia sẻ, Su-22M4 là loại máy bay có tính chất cầu nối giữa thế hệ máy bay cũ và thế hệ máy bay mới hiện đại, không khác biệt nhiều về kiến thức cơ sở nên không gây đột biến lớn về khối lượng kiến thức cũng như không tạo nên những “trục trặc” trong tư duy lôgic của đội ngũ cán bộ, giảng viên của Nhà trường. Nhiều năm qua, cán bộ, giảng viên đã thực hiện tốt việc giảng dạy trên máy bay MiG, đó là cơ sở thuận lợi để tiếp tục làm tốt công tác giảng dạy trên máy bay Su. Cùng với đó, các giảng viên cũng có thuận lợi khi nguồn tài liệu và phương tiện, dụng cụ đồng bộ của Su-22M4 ở các đơn vị hiện nay tương đối đầy đủ; một số loại phương tiện, dụng cụ thông dụng Nhà trường có thể cải tiến hoặc tự nghiên cứu chế tạo được.

Tuy nhiên, so với máy bay MiG, máy bay Su các thế hệ càng về sau càng được tích hợp kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nên càng phức tạp trong việc nghiên cứu giảng dạy và sửa chữa hỏng hóc. Để chuẩn bị dài hơi cho việc tổ chức đào tạo trên các loại máy bay hiện đại, Trường Sĩ quan Không quân đã tiếp tục cử các đoàn công tác gồm các thành phần liên quan tham gia các lớp chuyển loại Su-27 và Su-30.

Để theo sát và đồng hành với đơn vị thì trọng trách đặt lên vai những người trực tiếp chuyển đổi là đội ngũ giảng viên và cán bộ, nhân viên kỹ thuật ngày càng lớn. Đặc biệt, với những người thầy, làm sao để chạy đua với thời gian, đảm bảo đúng tiến độ để có được những trang giáo án, giáo trình mới đạt chuẩn, nhất là việc chuyển đổi về cơ sở chuyên ngành và lý thuyết chuyên ngành, là một thách thức không nhỏ.

HỒNG LINH

>>> Kỳ 2: Giáo trình: Lật sang trang mới

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website