8 giờ:40 phút Thứ hai, ngày 18 tháng 4 , 2022

Nâng cao năng lực sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật tại Nhà máy A29

Bài 2: Củng cố mặt bằng công nghệ, đầu tư trang thiết bị hiện đại

Những năm gần đây, Nhà máy rất coi trọng việc xây dựng, củng cố mặt bằng công nghệ; đẩy mạnh ứng dụng trang thiết bị công nghệ mới trên dây chuyền sửa chữa, coi đây là một trong những yếu tố cơ bản nâng cao năng lực sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT).

Bài 2: Củng cố mặt bằng công nghệ, đầu tư trang thiết bị hiện đại
Kỹ sư Nhà máy A29 vận hành Thiết bị Tự động chẩn đoán và tìm kiếm hỏng hóc ATK-RTK1.

Được biết, thực hiện phương châm “đi trước đón đầu”, Nhà máy đã tích cực huy động các nguồn lực, triển khai nhiều dự án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa trang bị, phương tiện, đổi mới công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Thông qua các dự án đầu tư chiều sâu công nghệ, Nhà máy đã tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống nhà xưởng, mua sắm nhiều trang thiết bị phụ trợ công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao nhiệm vụ sửa chữa, bảo đảm VKTBKT nói chung và VKTBKT thế hệ mới nói riêng.

Đại tá Đỗ Văn Huy - Giám đốc Nhà máy cho biết, từ năm 2015 đến nay, Nhà máy đã đầu tư xây mới, củng cố, sửa chữa trên 7.000m2 nhà xưởng với các hạng mục nâng cấp mặt bằng công nghệ; đồng bộ trang thiết bị như: Máy điều hòa, bàn công nghệ, tủ, giá kệ kê, hệ thống thông gió, chiếu sáng; củng cố hệ thống cấp nước sạch và thoát nước. Đến nay, tất cả các phân xưởng trong Nhà máy đều bảo đảm mặt bằng phục vụ công tác sửa chữa VKTBKT. Ngoài ra, Nhà máy còn đầu tư xây mới 1 sân bãi thử nghiệm khí tài rộng 12.000m2, xây mới kho để vật tư vô tuyến rộng 300m2... Cùng với việc đầu tư xây dựng, củng cố cơ sở vật chất, mặt bằng công nghệ phục vụ nhiệm vụ sửa chữa, nghiên cứu khoa học, Nhà máy cũng đẩy mạnh xây dựng chính quy ngành kỹ thuật, tập trung vào việc quy hoạch, sắp xếp mặt bằng công nghệ theo đúng quy chuẩn của các khâu, các bước thực hiện nhiệm vụ; xây dựng con người có tác phong lao động chính quy, khoa học; duy trì thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả mô hình “5S”.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng của trang thiết bị hiện đại trong công tác sửa chữa VKTBKT thế hệ mới, Nhà máy đã kịp thời nghiên cứu, đề xuất với cấp trên về chủ trương đầu tư công nghệ sửa chữa mới. Từ đề xuất của Nhà máy, năm 2014, cấp trên đã phê duyệt triển khai Dự án “Đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực sửa chữa tổng hợp các loại vũ khí, khí tài phòng không - giai đoạn 1”. Thời gian thực hiện Dự án kéo dài từ 2014 đến hết năm 2018 với tổng mức đầu tư trên 85 tỷ đồng. Theo Đại tá Trương Đắc Tuấn - Phó Giám đốc Nhà máy, thực hiện chương trình Dự án, Nhà máy từng bước trang bị các dây chuyền công nghệ mới, trang thiết bị hiện đại để chẩn đoán hỏng hóc, sửa chữa và sản xuất các mô đun, mảng mạch điện tử, nhằm đáp ứng yêu cầu sửa chữa các loại VKTBKT phòng không thế hệ mới như: Thiết bị tự động chẩn đoán và tìm kiếm hỏng hóc ATK-RTK1; ATK-MINI 96/M; Trạm bảo dưỡng kỹ thuật ra đa 36D6 (MTO); các phương tiện đo kiểm các tham số của khí tài mới… Từ năm 2019 đến nay, Nhà máy tiếp tục đầu tư mua sắm nhiều phương tiện đo, kiểm hỏng; các thiết bị kiểm tra chẩn đoán hỏng hóc mảng mạch cao tần; các trang thiết bị sửa chữa cơ động với tổng mức đầu tư hơn 36 tỷ đồng. Ngoài ra, Nhà máy còn được trên cấp các trang thiết bị chẩn đoán hỏng hóc hiện đại như: VECTOR M16; Pinpoint II R System...

Cùng chúng tôi đi tham quan hoạt động tại các phân xưởng, Thiếu tá Phan Thanh Đức - Trưởng Phòng Kỹ thuật Nhà máy giới thiệu về một trong những trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác sửa chữa tại Nhà máy hiện nay là Thiết bị Tự động chẩn đoán và tìm kiếm hỏng hóc (ATK-RTK1). ATK-RTK1 cung cấp cho người dùng một môi trường làm việc rất tiện nghi, phần mềm ứng dụng kiểm tra được lập trình bằng ngôn ngữ bậc cao; giao diện trực quan rất thuận tiện cho người sử dụng. Thiết bị có chế độ làm việc đa kênh song song nên tốc độ xử lý công việc rất nhanh chóng và chính xác. Bên cạnh đó, hệ thống nguồn của thiết bị cũng được lập trình tùy theo ý định của người dùng; nó cũng cung cấp các phương tiện đo, kiểm tra hoạt động ở tần số phổ biến, bao trùm tần số làm việc của các loại khí tài thế hệ mới được trang bị trong Quân đội ta hiện nay. Hoặc như thiết bị Pinpoint II R System có khả năng tự động chuẩn đoán, tìm kiếm hỏng hóc và vẽ lại sơ đồ nguyên lý, kiểm tra đặc tuyến V-I mà không cần cấp điện cho linh kiện điện tử… “Hiện nay, các trang thiết bị được đầu tư tại Nhà máy đã phát huy hiệu quả trong quá trình sửa chữa VKTBKT; đội ngũ kỹ sư, nhân viên kỹ thuật của Nhà máy đã nắm vững, làm chủ quy trình công nghệ sửa chữa một số trang bị khí tài mới, cải tiến, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao” - Thiếu tá Phan Thanh Đức khẳng định.

Với sự đầu tư về thiết bị công nghệ, cơ sở vật chất, trong những năm qua, năng lực sửa chữa VKTBKT thế hệ mới của Nhà máy A29 đã được nâng lên một cách rõ rệt. Hiện nay, Nhà máy đã và đang tiếp nhận, sửa chữa tất cả các loại vũ khí phòng không thế hệ mới của các đơn vị trong Quân chủng đóng quân từ phía Nam đèo Hải Vân trở vào. Các loại VKTBKT thế hệ mới sau khi hoàn thành sửa chữa tại Nhà máy, hoặc do Nhà máy cơ động sửa chữa đều có chất lượng tốt, đáp ứng tốt yêu cầu thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ.

>>> Bài cuối: Đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật

CÔNG GIANG, ĐỨC LƯU
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website