16 giờ:45 phút Thứ năm, ngày 7 tháng 4 , 2016

Chuyển đào tạo trên nền máy bay MiG sang nền máy bay họ Su ở Trường Sĩ quan Không quân:

Kỳ 2: Giáo trình: Lật sang trang mới

Với những giảng viên chuyên ngành kỹ thuật hàng không, khi Trường Sĩ quan không quân triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng lực lượng và cơ sở vật chất kỹ thuật cho đào tạo phi công, nhân viên chuyên môn kỹ thuật trên nền máy bay họ Su” là khi hệ thống giáo án, giáo trình được lật sang một trang mới. Cái mới ở đây được xác định cụ thể là trên ba phương diện: Cơ sở chuyên ngành, lý thuyết chuyên ngành và thực hành tay nghề.

 Kỳ 1: Xây dựng lực lượng: Đi trước đón đầu
Với việc chuyển đổi cơ sở chuyên ngành, Thiếu tá Hoàng Ngọc Ánh - Giảng viên Khoa Vũ khí Hàng không cho hay, là việc nghiên cứu các loại tài liệu của máy bay Su-22M4 nói riêng và các máy bay họ Su nói chung để tìm ra các vấn đề chung nhất về các giải pháp kỹ thuật trong thiết kế, chế tạo máy bay, động cơ và các hệ thống thiết bị trên nó. Mảng này tuy rộng nhưng không phải khó đối với các giảng viên vì hầu hết lượng kiến thức đều nằm trong các quy luật, nguyên tắc chung của ngành hàng không, vấn đề khác biệt đối với loại máy bay này không quá lớn. Còn chuyển đổi về lý thuyết chuyên ngành, đó là một thách thức lớn vì nó đòi hỏi khả năng tiếp cận sâu trên trang bị. Kiến thức của mảng này tập trung vào phần kết cấu và nguyên lý hoạt động của máy bay, động cơ và các hệ thống thiết bị của loại của máy bay Su-22M4 có sự liên hệ mở rộng với các chủng loại khác.
Kỳ 2: Giáo trình: Lật sang trang mới

Nghiệm thu và đưa vào sử dụng phòng học chuyên dùng Máy bay Su-30MK2. (Ảnh: KHÁNH NHÃ)

Bên cạnh đó, Thượng tá Đinh Phúc Hưng - Giảng viên Khoa Máy bay Động cơ cũng khẳng định, trong soạn thảo giáo án, giáo trình khi chuyển đổi, phải bảo đảm tính “chuẩn” của tài liệu. Cụ thể là chuẩn về kiến thức của giáo trình, bài giảng, tài liệu. Về mặt ngôn ngữ, ở những tài liệu kỹ thuật thông thường, nhất là những tài liệu biên dịch, chúng ta có thể chấp nhận việc sử dụng các thuật ngữ một cách cảm tính nhưng trong giáo trình, tài liệu dùng cho giảng dạy các thuật ngữ này nhất thiết phải chuẩn theo từ điển khoa học và phải đảm bảo sự thống nhất trong mọi tài liệu.

Về mặt ý nghĩa, các nội dung được nêu trong giáo trình, bài giảng, tài liệu nhất thiết phải có cơ sở khoa học và đã được kiểm chứng trong thực tiễn khai thác sử dụng. Đối với các giáo trình, bài giảng, tài liệu khai thác sử dụng, tính chuẩn được hiểu là đúng với quy trình công nghệ và những quy định sử dụng hiện hành. Song song với đó, là tính “mới” của phương pháp. Việc chuyển đổi trang bị cơ sở cũng đã mang ý nghĩa về sự đổi mới phương pháp giáo dục đào tạo của Nhà trường theo hướng sát hơn với thực tiễn. Do đó nội dung của sự chuyển đổi phải phản ánh thật rõ nét sự đổi mới này.

Trao đổi với Trung tá, Tiến sĩ Nguyễn Trường Thành - Phó Chủ nhiệm Khoa Máy bay động cơ, được biết, từ nhiều năm trước, song song với giảng dạy trên máy bay MiG, đội ngũ giảng viên các chuyên ngành kỹ thuật hàng không, bằng nhiều hình thức, đã chuyển loại sang máy bay Su. Do yêu cầu công việc không về đơn vị chuyển loại, anh và nhiều đồng nghiệp đã tự chuyển loại tại trường. Mỗi giảng viên đều rất tích cực nghiên cứu tài liệu để nắm được hướng dẫn sử dụng, thuyết minh kỹ thuật, quy trình sửa chữa, bảo dưỡng.

Cùng với đó, các khoa đều tiến hành thảo luận về nội dung chương trình, việc soạn thảo giáo án, giáo trình, cách thức tổ chức tiến hành giảng dạy trên máy bay họ Su. Những bài giảng mới về máy bay Su lúc đầu còn đan xen với những bài giảng về MiG, đến năm 2014, 100% chương trình học đã chuyển đổi hẳn sang Su. Giảng viên các khoa đều bàn bạc, trao đổi, thống nhất chắt lọc nội dung xây dựng giáo án để vừa đảm bảo hàm lượng kiến thức, vừa phù hợp với thời gian giảng dạy.

Cùng với những trang giáo án thì hệ thống tài liệu, tranh vẽ, phần mềm mô phỏng máy bay Su cũng gấp rút được hoàn thiện. Nhiều phương thức mô phỏng đã được áp dụng, từ sử dụng kỹ thuật máy tính mô phỏng bằng hình ảnh đến sử dụng các thiết bị gần với nó để mô phỏng. Cùng với đó, Nhà trường cũng đã thành lập Trung tâm mô phỏng, cử cán bộ đi các nước học hỏi các phương pháp mô phỏng. Khi đi vào hoạt động trong một vài năm tới, Trung tâm sẽ hỗ trợ đắc lực và hiệu quả cho công tác giảng dạy.

Năm học 2014 - 2015, khóa học viên cao đẳng kỹ thuật hàng không đầu tiên được đào tạo trên nền máy bay họ Su vừa tốt nghiệp. Với đối tượng học viên phi công, từ năm 2010, Trường Sĩ quan Không quân cũng đã chuyển loại lý thuyết cho 6 khóa sang máy bay Su-22M4, 3 khóa sang Su-30 sau khi học viên tốt nghiệp máy bay L-39. Thực hiện công tác giảng dạy trên những trang giáo án về máy bay họ Su, lịch sử của Trường Sĩ quan Không quân đã lật sang trang mới.

Nhìn lại quá trình nỗ lực vượt bậc để viết những dòng đầu tiên trên một trang sử mới của Trường Sĩ quan Không quân, Đại tá Nguyễn Tiến Học cho biết, hoàn thiện được hệ thống giáo án, giáo trình là khâu then chốt để thực hiện Đề án. Tuy nhiên, hiện tại, cái khó nhất khi thực hiện Đề án hiện nay vẫn là vấn đề bảo đảm nguồn bổ sung máy bay và các loại trang thiết bị bảo đảm, dụng cụ, khí tài vật tư cho thực hành tay nghề của học viên. 

HỒNG LINH

>>> Kỳ cuối: Trung tâm Huấn luyện thực hành: Diện mạo và những yêu cầu mới.

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website