5 giờ:35 phút Thứ sáu, ngày 8 tháng 4 , 2016

Ngoại ngữ "Chìa khóa" để khai thác và làm chủ khí tài hiện đại

Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) là một trong những lực lượng được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng đầu tư trang bị các loại vũ khí trang bị khí tài (VKTBKT) mới, hiện đại, nhằm phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc Việt Nam XHCN. Để thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp thu, làm chủ các VKTBKT đó, cùng với việc không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì việc học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ là rất quan trọng. Bởi vì, ngoại ngữ chính là “chìa khóa” để mở cánh cửa tri thức, giúp cho cán bộ, chiến sĩ khai thác và làm chủ VKTBKT.

 Tăng cường các các khóa đào tạo ngoại ngữ tập trung

Những năm qua, để phục vụ cho việc tiếp nhận, khai thác, sử dụng và làm chủ các VKTBKT mới, hiện đại, Quân chủng đã cử các đoàn cán bộ, nhân viên kỹ thuật (NVKT) tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về ngoại ngữ trước khi đi chuyển loại khí tài ở nước ngoài. Đội ngũ này là lực lượng nòng cốt trực tiếp tiếp nhận, khai thác và sử dụng khí tài, đồng thời tham gia huấn luyện, chuyển loại cho lực lượng còn lại ở các đơn vị.

Tuy nhiên, để khai thác và phát huy hiệu quả khí tài rất cần sự tiếp tục học tập, nghiên cứu, tìm tòi của đội ngũ cán bộ, QNCN, trong đó có việc đào tạo, bồi dưỡng về ngoại ngữ, nhất là đối với những đối tượng trực tiếp khai thác, sử dụng khí tài. Những năm qua, cùng với các khóa đào tạo tập trung do Quân chủng tổ chức, các cơ quan, đơn vị cũng đã tự tổ chức được các lớp học ngoại ngữ cho cán bộ, nhân viên, nhằm phục vụ cho việc huấn luyện, SSCĐ ở đơn vị.

Ngoại ngữ

    Giờ học ngoại ngữ của các học viên Học viện Phòng không-Không quân. Ảnh: ĐỨC LƯU

Có thể nói, trong Quân chủng PK-KQ, Sư đoàn 370 là một trong những đầu mối thường xuyên làm công tác huấn luyện chuyển loại khí tài cho các đơn vị, trong đó có các loại máy bay mới được trang bị, hiện đại. Những năm qua, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhiều cán bộ, NVKT của Sư đoàn đã tham gia các khóa học tập, bồi dưỡng tiếng Nga tập trung. Lực lượng này cùng với đội ngũ cán bộ, phi công, kỹ sư đã từng có thời gian học tập ở nước ngoài trở thành lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ chuyển loại khí tài mới; vừa trực tiếp tham gia huấn luyện, SSCĐ tại đơn vị, vừa làm nhiệm vụ huấn luyện chuyển loại cho các thành phần khác trong Quân chủng.

Nói về vai trò của tiếng Nga trong việc khai thác và làm chủ khí tài ở Trung đoàn 64 (Sư đoàn 361) - đơn vị được trang bị tổ hợp Tên lửa phòng không hiện đại S-300PMU1, Thượng tá Bùi Đức Hiền - Phó Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 361 cho biết: “Ngày mới tiếp nhận khí tài hiện đại về đơn vị, không ít cán bộ, nhân viên bỡ ngỡ, lúng túng vì trình độ tiếng Nga còn hạn chế. Nhằm tháo gỡ khó khăn đó, cấp trên đã tạo điều kiện để các quân nhân của đơn vị tham gia các khóa học tiếng Nga tại Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga. Nhờ đó mà trình độ tiếng Nga của cán bộ, kỹ thuật viên đã được nâng lên rõ rệt, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong quá trình khai thác, làm chủ khí tài”.

Đại úy Nguyễn Thanh Nguyện - Trạm trưởng Trạm Hiện hình luyện tập, Phân đội Điều khiển vô tuyến (Trung đoàn 64) tâm sự: “Sau khi được Trung đoàn tạo điều kiện cho đi bồi dưỡng tiếng Nga ở Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, cộng thêm quá trình tự học, tự nghiên cứu nên đến thời điểm này tuy chưa “đọc thông, viết thạo” nhưng tôi đã nắm tương đối vững các tham số bằng tiếng Nga trên khí tài. Trong những lần chuyên gia Nga sang kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ khí tài tại đơn vị tôi có thể tranh thủ học hỏi thêm kiến thức từ họ”.

Cũng là đơn vị vừa được trang bị một số máy bay mới nên vấn đề đào tạo và bồi dưỡng ngoại ngữ của Lữ đoàn 918 luôn được chú trọng. Đại tá Lê Kiêm Toàn - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918 cho biết: “Các loại máy bay mà Lữ đoàn mới được trang bị đều do hãng Airbus sản xuất nên từ công tác huấn luyện chuyển giao đến các tài liệu đi kèm đều bằng tiếng Anh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển loại, bắt buộc các cán bộ, phi công, NVKT phải biết tiếng Anh. Trước khi sang nước ngoài chuyển loại, đội ngũ cán bộ, nhân viên Lữ đoàn phải trải qua một năm rưỡi để học tiếng Anh. Nhờ vậy mà đội ngũ này đã đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, trở thành lực lượng chủ công trong huấn luyện, khai thác, làm chủ khí tài mới và tham gia chuyển loại cho các lực lượng còn lại ở đơn vị”.

 
 

Ngày 16/12/2015, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng PK-KQ đã có Chỉ thị số 90-CT/ĐU về việc đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ cho cán bộ QNCN, CNVQP trong Quân chủng giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Chỉ thị nêu rõ: Cấp ủy đảng, người chỉ huy các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ đề cao trách nhiệm, gương mẫu, chủ động tham gia học tập, tự học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo cương vị chức trách được giao.

 

 Phát huy tinh thần tự học ngoại ngữ của cá nhân

Vì điều kiện ngân sách còn có hạn nên không phải thành phần nào cũng được tham gia các khóa đào tạo ngoại ngữ dài hạn, tập trung ở trong nước và nước ngoài. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, đòi hỏi mỗi đơn vị, mỗi cá nhân phải tự nỗ lực học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ. Tìm hiểu thực tế các đơn vị chúng tôi thấy rằng, ở các đơn vị đã và đang khai thác và sử dụng VKTBKT mới, bắt buộc các cán bộ, QNCN phải trang bị ngoại ngữ cho mình nếu như bản thân không muốn tự đào thải. Để góp phần tháo gỡ những khó khăn này, nhiều đơn vị đã tổ chức các lớp học ngoại ngữ tập trung, mời các giáo viên ngoại ngữ, các chuyên gia cùng lĩnh vực có trình độ ngoại ngữ tốt vào giảng dạy, hướng dẫn. Bên cạnh đó, bản thân từng cán bộ, nhân viên kỹ thuật cũng tìm tòi các phương thức học ngoại ngữ riêng để trau dồi kỹ năng ngoại ngữ của mình phục vụ cho quá trình học tập và công tác tại đơn vị.

Trung đoàn 923 (Sư đoàn 371) là một trong những đơn vị của Quân chủng được trang bị máy bay Su-30MK2. Phần lớn các cán bộ, QNCN của Trung đoàn đều tham gia huấn luyện chuyển loại ở trong nước nên khả năng ngoại ngữ có những hạn chế nhất định. Tuy nhiên, bằng nỗ lực phấn đấu của mình, cán bộ, nhân viên đơn vị đã không ngừng học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ, khai thác, làm chủ VKTBKT, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Trung tá Nguyễn Huy Tuấn - Chính ủy Trung đoàn cho biết: “Trung đoàn luôn coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng về tiếng Nga cho bộ đội. Cùng với việc tham gia các lớp học tiếng Nga tập trung, các quân nhân của đơn vị còn có các hình thức học ngoại ngữ khác để đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn. Chẳng hạn như các phi công, kỹ sư hàng không thành thạo về vi tính và công nghệ thông tin thì tự học tiếng Nga qua mạng internet, qua các phần mềm ứng dụng; còn đội ngũ nhân viên kỹ thuật thì tăng cường học nhóm dưới sự hướng dẫn của những cán bộ, kỹ sư có trình độ tiếng Nga tốt”. Còn Đại úy, phi công Đỗ Trung Dũng - Chính trị viên Phi đội 1 cho hay: “Chỉ với những chiếc láp tốp, ipad, smartphone kết nối internet, chúng tôi có thể học tiếng Nga ở mọi lúc, mọi nơi…”.

Khi nói về vấn đề tự học ngoại ngữ của cán bộ, nhân viên tại đơn vị mình, Đại tá Lê Kiêm Toàn - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918 cho rằng: “Sự khác biệt của việc khai thác, vận hành khí tài do Liên xô sản xuất trước đây và khí tài của các nước tư bản hiện nay không chỉ ở tính năng, kỹ thuật, chiến thuật của khí tài mà còn là sự khác biệt về ngôn ngữ. Do vậy, việc học tiếng Anh là điều bắt buộc đối với những người trực tiếp tham gia khai thác, sử dụng khí tài mới. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Lữ đoàn ưu tiên sử dụng những người có trình độ ngoại ngữ tốt vào việc khai thác, vận hành khí tài, do đó đã tạo ra được phong trào học tập ngoại ngữ tự giác, rộng khắp trong đơn vị”.

Thiếu tá Ngô Minh Vương - Chủ nhiệm Kỹ thuật Trung đoàn 93 (Sư đoàn 367) cho biết: “Để nâng cao trình độ ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng khí tài, trong những năm qua, đơn vị đã đưa nội dung, chương trình huấn luyện tiếng Nga vào kế hoạch huấn luyện với thời lượng 4 giờ/1 tuần; thành lập tổ giáo viên gồm những cán bộ giỏi tiếng Nga trực tiếp giảng dạy và lên khí tài giúp đỡ cán bộ, kỹ thuật viên trực tiếp khai thác, sử dụng khí tài đọc tài liệu hướng dẫn, sơ đồ nguyên lý, các khối, các mảng máy, mặt máy, giúp họ làm quen dần với ngoại ngữ chuyên ngành. Đối với những cán bộ, QNCN mới ra trường, đơn vị tăng cường huấn luyện về tiếng Nga chuyên ngành, các hướng dẫn, chỉ dẫn, những bài tham số tuần; đối với đối tượng đã công tác tại đơn vị từ 2 - 3 năm trở lên, đơn vị coi trọng huấn luyện tiếng Nga chuyên ngành gắn với các hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Nga, đồng thời đi sâu bồi dưỡng về các quy trình định kỳ tháng, định kỳ mùa đối với tổ hợp S-300PMU1 và ZSU23-4.

Ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh, tiếng Nga nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng trong nhiệm vụ của Bộ đội PK-KQ, nhất là đối với các đơn vị được trang bị các loại VKTBKT mới, hiện đại. Thời gian qua, mặc dù các đơn vị đã tổ chức được nhiều lớp bồi dưỡng tiếng Nga và mời các giáo viên bên ngoài vào đơn vị giảng dạy, nhưng chất lượng đạt được một số nơi chưa cao do phương pháp giảng dạy của giáo viên ngoài chưa phù hợp với đặc thù chuyên ngành quân sự và việc duy trì hoạt động này cũng chỉ trong thời gian ngắn do điều kiện kinh phí hạn hẹp. Bên cạnh đó, việc học tập, bồi dưỡng ngoại ngữ ở một số đơn vị chủ yếu là việc truyền thụ giữa các thế hệ cán bộ, NVKT, giữa người có trình độ cao với người có trình độ còn hạn chế nên hiệu quả thực hiện nhiệm vụ có nơi vẫn còn mức độ.

Thiết nghĩ, cũng như những chuyên ngành khác, để tinh thông, thuần thục cần phải có quá trình học tập, rèn luyện lâu dài. Do đó, một mặt các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, thiết kế các khóa đào tạo ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; mặt khác bản thân mỗi quân nhân phải nêu cao ý thức tự giác học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, trong đó có ngoại ngữ, có như vậy mới thực hiện tốt nhiệm vụ khai thác, sử dụng và làm chủ VKTBKT, xứng đáng với niềm tin cậy, yêu mến của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

THÀNH TRUNG - GIANG HÒA

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website