Tản mạn về nghề báo
Tôi hoàn toàn đồng ý với quan niệm của một nhà báo khi anh cho rằng: Làng báo là nơi lúc nào cũng sẵn sàng mở rộng cánh cửa để đón tất thảy mọi người. Từ người đọc, người viết, đến người khen, người chê… Chỉ cần thấy thích thì dường như bất kỳ ai cũng có thể tham gia viết báo. Tuy nhiên, để có được tác phẩm báo chí hay thì lại khó vô cùng.
Các phóng viên và cộng tác viên tác nghiệp tại Lễ mít tinh hưởng ứng
“Tháng hành động về ATVSLĐ-PCCN lần thứ nhất, năm 2017”. Ảnh: NHƯ NGỌCLàm nghề báo cũng không hề nhàn hạ. Nếu chỉ ngồi trong phòng máy lạnh và múa bàn phím, chúng ta chỉ có thể cho ra đời những tác phẩm èo uột, nhạt nhẽo, chắp vá. Muốn có một tác phẩm đứng được trong lòng công chúng, nhà báo phải luôn luôn sẵn sàng “khăn gói quả mướp” để lên đường tác nghiệp. Đôi khi phải lặn lội đường xa, dặm thẳm, hoặc đến những nơi đầu sóng, ngọn gió... để hòa nhập, trải nghiệm rồi mới viết. Cùng với niềm đam mê, say nghề, người làm báo đòi hỏi phải có phông văn hóa rộng, vốn từ nhiều và phải am hiểu về các lĩnh vực. Bên cạnh đó, nhà báo còn phải có những kiến thức chuyên ngành về các lĩnh vực được phân công phụ trách.
Ai cũng biết, báo chí mang một tầm vóc quan trọng trong xã hội. Trách nhiệm của báo chí là thông tin phải nhanh nhạy và trung thực. Tuy nhiên, có thực sự tâm đắc với nghề mới thấy, để thực hiện được tôn chỉ này thật không dễ chút nào. Trong một khoảnh khắc, phóng viên phải cập nhật chi tiết sự kiện vừa xảy ra nhưng không thuần túy là tường thuật sự kiện, mà bằng cách này hay cách khác phải dẫn giải thông tin và trình bày ý nghĩa của sự kiện mà mình muốn đăng tải. Làm báo là vậy đấy. Vinh dự càng nhiều thì áp lực càng lớn, nhất là khi chúng ta làm báo trong thời đại công nghệ số. Chỉ chậm chân một chút, thì thông tin đưa ra đã mất đi tính thời sự.
Đối với tòa soạn Báo PK-KQ, có tới 3/4 phóng viên đến với nghề khá muộn. Hầu hết họ đều trưởng thành từ cơ sở. Và chính cái sự ‘muộn” này mà vốn liếng thực tế của họ thường dày hơn các bạn mới ra trường. Đã từng lăn lộn trong thực tế, đã có sẵn trải nghiệm từ cơ sở nên khi bước vào nghề là họ bắt nhịp được ngay. Thậm chí, cùng một lúc họ đóng được khá nhiều vai: Vừa quay phim, vừa chụp ảnh, vừa viết tin, vừa làm phóng sự. Làm báo trong thời đại công nghệ số, phóng viên cùng lúc vừa làm báo hình, báo in còn kiêm luôn cả phát thanh viên… Không riêng gì Báo PK-KQ, nhiều báo, đài khác cũng cần lắm cái sự đa năng này. Chúng tôi thường bảo nhau, nghề báo là nghề khá độc đáo. Nó mang lại cho người viết nhiều trải nghiệm, sự hiểu biết và những vốn sống quý giá, mà nếu không làm báo thì có lẽ không thể có được. Vất vả đấy, áp lực đấy nhưng mỗi khi nhận được những phản hồi tích cực từ phía bạn đọc, ta lại thấy vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Và, ý nghĩa hơn là sau mỗi lần tác nghiệp, chúng tôi thường có thêm nhiều mối quan hệ mới, những người bạn mới. Với riêng cá nhân tôi, mỗi chuyến đi thật sự là một sự trải nhiệm thú vị. Cứ xách “ba lô” về cơ sở, ở đó đề tài và chất liệu báo chí luôn vô tận.
Giá trị của một con người không nằm ở sự lựa chọn nghề nghiệp. Làm báo cũng thế, cần lắm một cái tâm trong sáng. Chúng ta không thể làm nghề báo với sự cẩu thả, hời hợt, vô trách nhiệm. Phía sau mỗi tác phẩm báo chí, là rất nhiều nỗi vất vả gian truân của người cầm bút. Trân trọng nghề nghiệp của mình, chúng tôi, những người đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành với nghề báo, luôn coi đó là một niềm vinh dự lớn lao. Và vì niềm vinh dự ấy, chúng tôi sẵn sàng vượt qua tất cả mọi khó khăn thử thách để sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí có sức lan tỏa rộng, được công chúng nhiệt tình đón nhận; góp phần làm nên thương hiệu của Báo PK-KQ với bề dày hơn 50 năm truyền thống.
QUỲNH VÂN