Bốn mươi năm trọn nghĩa, vẹn tình
Tôi gặp Đại tá Nguyễn Quý Trung - Nguyên Phó trưởng Phòng Tác chiến (Bộ Tham mưu Quân chủng) tại Bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội). Đáp lại lời thăm hỏi của tôi, anh hóm hỉnh: Không phải anh ốm mà là “một nửa” của anh bị sốt vi rút. Đưa ánh mắt vời vợi yêu thương về phía chị Hòa, anh bộc bạch: Vợ chồng mình vừa kỷ niệm 40 năm ngày cưới đấy, cũng là 40 năm sống với nhau trọn nghĩa, vẹn tình.
Anh Trung sinh ra và lớn lên ở miền quê Trung du đất Tổ, đúng vào thời điểm Chiến dịch Điện Biên Phủ đang bước vào giai đoạn cam go khốc liệt nhất. Mới 3 tuổi anh đã mất cha, chỉ còn có tình yêu của mẹ bao bọc. Năm 1971, tốt nghiệp lớp 10, chưa kịp nhận giấy báo vào trường đại học anh đã tình nguyện lên đường tòng quân. Trong đội hình Sư đoàn Phòng không Hà Nội, anh từng tham gia Chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội tháng 12/1972, được kết nạp Đảng rồi được cử đi học sĩ quan Pháo Phòng không.
Gia đình Đại tá Nguyễn Quý Trung.
Những đêm dài ôm súng canh gác ở trận địa với cái rét căm căm của vùng đất Ba Vì, anh bỗng thấy nhớ nhà, nhớ mẹ da diết. Nhớ cả cô bé nhà hàng xóm có chiếc lúm đồng tiền xinh xắn tên Hòa. Thật ra, Hòa học sau anh 3 lớp, chơi rất thân với 2 cô em họ của anh. Bây giờ chắc Hòa đã lớn bổng lên, bội phần xinh đẹp, có khi nào cô nhớ đến anh không nhỉ? Anh đã mạnh dạn viết thư cho Hòa, lòng tràn trề hy vọng. Lá thư đầu tiên anh nhận được, phảng phất nỗi nhớ niềm thương rụt rè, kín đáo. Thư qua, thư lại, họ yêu nhau bao giờ chính anh cũng không biết nữa. Sau Lễ duyệt binh năm 1975, anh được về phép và trong thời điểm này họ đã chính thức nên vợ, thành chồng.
Cưới nhau xong, anh lại đi biền biệt. Hết đi Chiến dịch Biên giới Tây Nam lại sang giúp nước bạn Cam pu chia diệt tàn quân Pôn Pốt. Công việc đồng áng nặng nhọc và chăm sóc mẹ già, con dại, một tay chị Hòa lo toan tần tảo. Tháng 3 năm 1979, anh ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Cũng thời điểm này, mẹ anh trở bệnh nặng. Cũng lại một tay chị Hòa sớm hôm nâng giấc. Rồi bà đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng ôm của cô con dâu vén khéo, thảo hiền, anh cũng không thể trở về để chịu tang mẹ.
Cứ như vậy, lúc anh đi xa, khi anh về gần, họ luôn sẻ chia với nhau tất cả mọi nỗi buồn vui, khổ đau cũng như hạnh phúc. Từ những tháng năm cuộc sống người lính còn bộn bề thiếu thốn, đến khi gia đình anh được Quân chủng cấp đất, có nhà cửa ổn định; từ niềm vui vỡ òa khi họ đón đứa con đầu lòng đến hạnh phúc tột cùng trước sự thành đạt, phương trưởng của mỗi thành viên; họ đã đồng hành cùng nhau tròn 40 năm.
Các con của anh chị hiện đã ổn định công việc và cuộc sống, vợ chồng anh giờ mới có điều kiện cùng nhau đi đây, đi đó. Anh bảo, có chăm vợ ốm thế này, mình mới thấm thía hết những đận cô ấy phải một mình vừa chăm con dại, vừa lo mẹ già nay ốm mai đau để mình yên tâm công tác. Chỉ nghĩ đến cái tình, cái nghĩa ấy thôi, mình đã thấy cuộc đời này đáng sống lắm rồi.
QUỲNH VÂN