11 giờ:9 phút Thứ năm, ngày 14 tháng 9 , 2017

Phía sau ánh đèn sân khấu văn nghệ quần chúng:

Kỳ 2: Tìm hạt nhân như “đãi cát tìm vàng”

Đã từng được xem, được trực tiếp tham gia các liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng từ năm 1998. Đến nay, sau gần 20 năm, tôi vẫn thấy trên sân khấu văn nghệ quần chúng từ cấp Quân chủng đến các cấp ở cơ sở vẫn đa phần là những khuôn mặt, giọng ca quen thuộc. Qua tìm hiểu được biết, nhiều đơn vị cũng muốn đổi mới, nhưng tìm hạt nhân văn nghệ như “đãi cát tìm vàng”.

Kỳ 2: Tìm hạt nhân như “đãi cát tìm vàng”
Diễn viên Đội văn nghệ quần chúng Sư đoàn 365
trao đổi trước khi ra sân khấu biểu diễn.

Để bắt đầu cho câu chuyện tìm hạt nhân văn nghệ quần chúng ở đơn vị, tôi đã có cuộc trò chuyện với Trung tá Nguyễn Như Khoát - Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 371. Theo anh, đối với Sư đoàn 371, việc tìm hạt nhân văn nghệ nhiều năm nay rất khó khăn. Những hạt nhân cũ thì mỗi ngày một già đi và trở nên quá quen thuộc. Đôi khi, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Sư đoàn cũng muốn đổi mới để “thay đổi không khí sân khấu” văn nghệ quần chúng, nhưng thực tiễn, tìm hạt nhân chẳng khác nào “đãi cát tìm vàng”.

Theo như lý giải của Trung tá Nguyễn Như Khoát, cái khó nhất vẫn là sự hiếm hoi người có năng khiếu để nuôi dưỡng trở thành hạt nhân dù các cấp đã rất chú trọng. Bởi thực tế, chuyên môn về mảng văn nghệ của cán bộ, nhất là cán bộ chính trị ở cơ sở cũng còn nhiều hạn chế. Có năm, có mùa, cấp ủy, chỉ huy các cấp tiến hành tổ chức Hội diễn văn nghệ quần chúng từ cấp Tiểu đoàn để mong tìm được hạt nhân mới, nhưng hiệu quả cũng không mấy khả quan. Chủ yếu vẫn là các hạt nhân cũ, khó thay thế và đương nhiên, cũng rất khó để thay đổi được. Nhiều đơn vị có huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên đơn vị kết nghĩa, nhưng cũng rất khó khăn, ít ỏi.

Đồng tình với những khó khăn mà Trung tá Nguyễn Như Khoát đưa ra, Thượng tá Lê Văn Trị - Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 363 còn bày tỏ lo lắng, không biết đến những mùa liên hoan, hội diễn tới đây mà Quân chủng tổ chức, nếu có một số hạt nhân cũ đến tuổi nghỉ hưu thì lấy đâu ra hạt nhân mới để thay thế.

Tìm hiểu về việc phát hiện, bồi dưỡng hạt nhân văn nghệ quần chúng ở Sư đoàn 377, chúng tôi cũng nhận được những phản hồi chẳng mấy khả quan từ Đại tá Hàn Anh Truyền - Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 377. Theo như Đại tá Hàn Anh Truyền thì nhu cầu thưởng thức văn nghệ quần chúng của bộ đội là rất lớn. Bởi đa phần các tiết mục văn nghệ ở đơn vị cơ sở luôn phản ánh thực tiễn sinh động đời sống huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và lao động ở đơn vị nên thu hút được người xem. Tuy nhiên để có được những hạt nhân mới có khả năng lại là câu chuyện khác.

Làm sao để giải quyết các khó khăn trên là câu hỏi chúng tôi đặt ra với Đại tá Hàn Anh Truyền, Thượng tá Lê Văn Trị và Trung tá Nguyễn Như Khoát, chúng tôi nhận được phản hồi chung nhất đó là trong thời gian tới, các cơ quan có chuyên môn như Nhà văn hóa; Đoàn Văn công Quân chủng... cần tăng cường tham mưu, đưa ra một “chiến lược” lâu dài hơn, hợp lý hơn như tăng cường tập huấn, hướng dẫn theo chuyên môn đối với đơn vị cơ sở để bồi dưỡng hạt nhân… làm sống động đời sống văn nghệ quần chúng ở đơn vị.  Biết đâu, thông qua việc tìm hiểu những kiến thức cơ bản về loại hình nghệ thuật biểu diễn sân khấu; tổ chức và biểu diễn các hoạt động giao lưu, hội thi, hội diễn văn nghệ cơ sở; những kỹ năng cơ bản về việc dẫn chương trình văn nghệ; kỹ năng sân khấu; biên đạo múa, kỹ năng diễn xuất, biểu diễn sẽ giúp các đơn vị tìm được hạt nhân mới để “gỡ bí” cho đơn vị.

Tôi nhớ lại câu chuyện cách đây 5 năm ở xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Chuyện là xã có tổ chức Hội diễn văn nghệ quần chúng cấp xã, yêu cầu các khu hành chính tham gia ít nhất 3 tiết mục. Tuy nhiên, trong hội diễn năm ấy, ngược với mong đợi của Ban tổ chức, đến với Hội diễn, các tiết mục chủ yếu là đơn ca theo kiểu “hát karaoke”. Sau hội diễn có phần “khiên cưỡng”, từ Đảng ủy xã và các cấp ủy đã họp bàn và thống nhất kêu gọi Phòng Văn hóa huyện; Sở Văn hóa tỉnh “gỡ bí”. Ngay sau đó, đã có một đợt tập huấn bài bản, đa dạng, thu hút được nhiều người tham gia. Trước tiên là khâu chọn hạt nhân. Bên cạnh những hạt nhân có năng khiếu về múa, hát, dàn dựng, địa phương còn chọn cả những người có uy tín, năng khiếu tuyên truyền để thường xuyên tuyên truyền cho người dân thông qua hệ thống phát thanh thôn, xã. Trên hệ thống phát thanh thôn xã, thay vì giới thiệu các ca khúc do các sĩ chuyên nghiệp biểu diễn, địa phương liên tiếp giới thiệu các giọng ca ở chính địa phương. Trong chuyên mục dân ta hát, làng ta nghe trên hệ thống truyền thanh xã có xen lẫn nội dung phỏng vấn có định hướng thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ nên từ đó, phong trào văn nghệ quần chúng ở Cao Xá đã trở nên lớn mạnh, thu hút được toàn dân tham gia. Dĩ nhiên, hạt nhân cũng sinh sôi, nảy nở rất nhiều.

Từ câu chuyện ở xã Cao Xá, hay việc làm thực tế là mạnh dạn đề xuất cấp có thẩm quyền tuyển chọn, bổ sung lực lượng các học viên mới ra trường được đào tạo bài bản từ Đại học VHNT Quân đội như ở Sư đoàn 361; Lữ đoàn 28 và những khó khăn ở các đơn vị trong Quân chủng, chúng tôi cho rằng, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nghiêm túc đánh giá những tác động từ việc thiếu hụt hạt nhân ở đơn vị để có những biện pháp tích cực làm cho “món ăn tinh thần” này ngày càng nhiều hơn. Để mỗi mùa liên hoan, hội diễn, những người đứng ra tổ chức thực hiện không còn phải “đãi cát tìm vàng” trong lo lắng mà hiệu quả lại chưa cao như hiện nay.

NGÔ TIẾN MẠNH

>>> Kỳ cuối: Cần quan tâm hơn đến hoạt động văn nghệ quần chúng

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website