Như chúng ta đã biết, cuộc kháng chiến chống Mỹ là cuộc chiến tranh cứu nước dài ngày, ác liệt và phức tạp nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam; đã trải qua 5 giai đoạn chiến lược; mỗi giai đoạn có nội dung chiến lược riêng, phản ánh sự phát triển của cuộc kháng chiến, đánh dấu sự chuyển biến về chất của cục diện chiến tranh, để cuối cùng thực hiện bước quyết định giành thắng lợi hoàn toàn.
Đội hình hành quân của Trung đoàn 280 tham gia
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, năm 1975. Ảnh tư liệuTrước hết, đó là đánh thắng chiến lược “Chiến tranh đơn phương” của Mỹ giai đoạn 1954 - 1960. Đây là chiến lược mới của chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là Mỹ. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Mỹ đề ra chính sách bành trướng chủ nghĩa thực dân mới, nằm trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của Mỹ, nhằm chống lại các trào lưu cách mạng, đàn áp, phá hoại phong trào độc lập dân tộc, kìm giữ các nước trong quỹ đạo tư bản chủ nghĩa, ngăn chặn và phá bỏ chủ nghĩa xã hội. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của ta giành thắng lợi năm 1954, Mỹ đã không ký tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ “Thừa nhận về nguyên tắc sự độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”, mà nhanh chóng xâm nhập miền Nam thay thế Pháp xâm chiếm miền Nam Việt Nam bằng chính sách thực dân mới. Với việc lập lên chính phủ bù nhìn Ngô Đình Diệm, Mỹ âm mưu tiêu diệt bằng được phong trào yêu nước và cách mạng Việt Nam, chia cắt Việt Nam lâu dài, biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự làm bàn đạp tiến công miền Bắc và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Chính quyền Mỹ - Diệm đã đàn áp dã man phong trào yêu nước ở miền Nam, tiến hành chiến tranh tâm lý và hoạt động chính trị phản động, chống lại hiệp thương Tổng tuyển cử, thẳng tay thi hành cái gọi là “Quốc sách tố cộng, diệt cộng”, thi hành Luật 10/59 lê máy chém khắp miền Nam. Trước tình hình đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Trung ương lần thứ 15 đã xác định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam và chỉ rõ mục tiêu, phương pháp cách mạng, mối quan hệ chiến lược giữa cách mạng hai miền Nam - Bắc, giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Nghị quyết Hội nghị khẳng định: Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng là giải phóng miền Nam, nhiệm vụ trước mắt là đập tan tập đoàn thống trị độc tài, tay sai Ngô Đình Diệm. Phương pháp cách mạng và phương pháp đấu tranh là sử dụng bạo lực cách mạng, từ đấu tranh chính trị lên kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; dự kiến xu hướng phát triển từ khởi nghĩa của nhân dân có thể tiến lên cuộc đấu trang vũ trang trường kỳ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng nhân dân có sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang cách mạng đã vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền ở nhiều vùng nông thôn như: Trà Bồng - Quảng Ngãi; Mỏ Cày, Minh Tân, Thạch Phú - Bến Tre và nhanh chóng lan rộng ra nhiều tỉnh Nam Bộ, Khu 5, Tây Nguyên đẩy ngụy quân, ngụy quyền vào thế lúng túng, chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn sang thế tiến công mạnh mẽ, liên tục; các lực lượng vũ trang, chính trị được thành lập; các căn cứ địa cách mạng tại chỗ được khôi phục và mở rộng; các con đường tiếp tế, chi viện từ miền Bắc được hình thành. Cách mạng miền Nam đã được khởi động độc đáo, khéo léo, phù hợp, gây bất ngờ cho địch, làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đơn phương” của đế quốc Mỹ.
Thất bại của chiến lược “Chiến tranh đơn phương”, đế quốc Mỹ cay cú chuyển sang chiến lược “Chiến trang đặc biệt”. Đây là chiến lược đầu tiên trong ba loại chiến tranh nằm trong chiến lược quân sự toàn cầu “Phản ứng linh hoạt” của đế quốc Mỹ. Nội dung cơ bản của chiến lược này là càn quét, dồn dân vào ấp chiến lược quy mô lớn, theo chiến thuật “Tát nước bắt cá”, tách lực lượng cách mạng ra khỏi dân, tăng cường bắn pháo, ném bom, rải chất độc hóa học diệt sự sống trên mặt đất, ra sức càn quét với các chiến thuật “Bủa lưới phóng lao”; “Trên đe, dưới búa”; “Phượng hoàng vồ mồi”… nhằm thanh lọc, tiêu diệt lực lượng của ta, gây cho ta muôn vàn khó khăn. Trước tình hình đó, Đảng ta chủ trương chuyển cách mạng miền Nam lên giai đoạn mới, các cuộc khởi nghĩa từng phần phát triển lên thành cuộc chiến tranh cách mạng toàn miền. Nhân dân miền Nam đã sáng tạo ra hình thức tiến công “Hai chân (quân sự, chính trị); ba mũi (quân sự, chính trị, binh vận); ba vùng (rừng núi, đồng bằng, thành thị)”. Bằng ba mũi giáp công, nhân dân ta đã bẻ gẫy các cuộc hành quân càn quét, khủng bố của địch, hỗ trợ phong trào quần chúng đang đấu tranh diễn ra sôi nổi, rầm rộ ở cả đô thị và cả vùng dân bị địch gom, làm cho bọn xâm lược, tay sai lúng túng, lung lay ý chí. Nhân dân ta vừa đấu tranh, vừa chú trọng xây dựng lực lượng, mở rộng căn cứ, phát triển chiến tranh du kích, đánh phá các căn cứ quân sự xung yếu của địch, tiêu diệt sinh lực địch, đánh bại hoàn toàn các chiến thuật “Thiết xa vận”, “Trực thăng vận” trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Ngụy, buộc Mỹ phải “thay ngựa giữa dòng” bằng việc phế bỏ Diệm - Nhu, làm cho nền chính trị tay sai lâm vào khủng hoảng, liên tiếp xảy ra đảo chính. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Namara đã phải báo cáo Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ: “Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã không còn đủ sức chiến đấu, chế độ Sài Gòn đã thất bại”. Như vậy, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Ngụy đã thất bại.
Không thể áp đặt được ý đồ bằng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”: sử dụng quân Mỹ làm lực lượng cơ động, chủ yếu để tiêu diệt lực lượng bộ đội chủ lực của ta; quân ngụy làm lực lượng chiếm đóng, bình định, kìm kẹp nhân dân hòng đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25 - 30 tháng (từ giữa năm 1965 đến 1967). Hơn nửa triệu quân Mỹ và quân đội một số nước chư hầu đã được huy động, địch sử dụng không quân mở chiến dich “Sấm rền”, với mưu đồ “Đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá”, ngăn chặn chi viện từ miền Bắc và các nước xã hội chủ nghĩa vào miền Nam, leo thang, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân hạ quyết tâm, động viên lực lượng, giữ vững chiến lược tiến công, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế, kiên quyết đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi lịch sử, khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, nhiều phong trào thi đua hành động cách mạng đã diễn ra như: “Thanh niên: Ba sẵn sàng”; “Phụ nữ: Ba đảm đang”; “Thiếu nhi: Nghìn việc tốt”; “Công nhân: Tay búa, tay súng”; “Nông dân: Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người; Tay cầy, tay súng; Xe chưa qua, nhà không tiếc”; “Trí thức: Ba quyết tâm”… Với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” đã tạo ra ý chí mới, sức mạnh mới trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Các phong trào: “Dũng sĩ diệt Mỹ”; “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”; “Bắm thắt lưng địch mà đánh”; “Căng địch ra mà đánh, vây chúng lại mà diệt”… đã nổ ra ở khắp các chiến trường miền Nam, ta giành được nhiều thắng lợi lớn, đập tan hai cuộc phản công chiến lược mùa khô (1965-1966; 1966-1967) của Mỹ, đẩy chúng vào thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta mở cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, giáng một đòn quyết liệt vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, là một “Đòn sét đánh” đối với bọn trùm xâm lược Mỹ, làm choáng váng cả nước Mỹ và chấn động dư luận thế giới, Tổng chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam bị cách chức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phải từ chức, Tổng thống Mỹ phải đưa ra tuyên bố 4 điểm: Chấm dứt việc đưa quân Mỹ vào miền Nam, trao dần vai trò chiến đấu cho quân đội Sài Gòn; đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri; không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai. Đây là sự thừa nhận đầy đủ nhất về sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.
Thất bại thảm hại của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, cùng với sự sa lầy, không lối thoát của Mỹ tại chiến trường miền Nam Việt Nam làm cho nền chính trị của Mỹ chao đảo. Ních-Xơn lên làm tổng thống thay Giôn-xơn, vội vã thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Bản chất của chiến lược phản động này là: “Đổi màu da trên xác chết”; “Dùng người Việt giết người Việt”; “Dùng người Đông Dương giết người Đông Dương” bằng vũ khí của Mỹ và do Mỹ chỉ huy. Mỹ mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương. Đảng ta nhận định: Đông Dương đã trở thành một chiến trường thống nhất, kẻ thù chung của ba nước Đông Dương lúc này là đế quốc Mỹ. Quân và dân ba nước Đông Dương đã đoàn kết đánh địch trên khắp các chiến trường, làm cho Mỹ thất bại nặng nề. Cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam của ta năm 1972 tiếp tục giáng cho Mỹ - ngụy những đòn sấm sét, làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, thay đổi cục diện chiến tranh ở miền Nam, dồn Mỹ - Ngụy vào thế yếu trầm trọng hơn. Trước nguy cơ đổ vỡ của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Ních-Xơn trắng trợn mở lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Quân, dân miền Bắc đã nhanh chóng chuyển mọi hoạt động vào thời chiến, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo đánh cho địch thiệt hại trầm trọng, làm nên nhiều thắng lợi quan trọng trên mặt trận quân sự, tạo sức mạnh và cơ sở cho đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, buộc Mỹ phải đồng ý với “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Tuy nhiên, ngay sau đó, Mỹ lại tráo trở trì hoãn ký Hiệp định, đòi sửa nhiều nội dung quan trọng, đồng thời liều lĩnh tiến hành nấc thang chiến tranh mới cực kỳ tàn bạo. Ních-xơn đã điên cuồng ra lệnh mở cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn nhất vào miền Bắc, dùng máy bay chiến lược B-52, chiến thuật hiện đại nhất F-111 cùng nhiều khí tài hiện đại khác ồ ạt tấn công các khu đông dân cư ở Hà Nội, Hải Phòng và một số khu vực khác ở miền Bắc. Quân dân miền Bắc một lần nữa lại chiến đấu anh dũng, mưu trí, kiên cường, trừng trị thích đáng ý đồ phá hoại của Mỹ. Bằng trí tuệ và sức mạnh Việt Nam, “Uy thế không lực Hoa Kỳ” đã bị đập tan tành, buộc Mỹ phải tuyên bố ngừng nóm bom miền Bắc, nối lại cuộc đàm phán, cuối cùng phải ký kết “Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam”, cam kết tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chấm dứt dính níu về quân sự, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu khỏi miền Nam, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đấu tranh cách mạng của quân và dân ta, ta đã hoàn thành giai đoạn “Đánh cho Mỹ cút”, tiến tới thực hiện “Đánh cho ngụy nhào”.
Bị thất bại ê chề nhưng Mỹ vẫn không chịu từ bỏ âm mưu duy trì chế độ thực dân mới để chia cắt nước ta lâu dài. Mỹ tăng cường viện trợ quân sự và chỉ huy, thao túng chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu mở các cuộc hành quân “Tràn ngập lãnh thổ” lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Đảng ta xác định: Con đường giành thắng lợi của cách mạng miền Nam vẫn là bạo lực cách mạng, nắm vững thời cơ trong mọi tình huống, giữ vững chiến lược tiến công, chỉ đạo linh hoạt, kiên quyết, đấu tranh trên ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao tiến lên giành toàn thắng. Ta đã chuẩn bị và xây dựng lực lượng quân sự mạnh, có tổ chức chặt chẽ, quy mô lớn, trang bị nhiều vũ khí kỹ thuật đủ khả năng mở các chiến dịch lớn trên các hướng tiến công chiến lược. Trong hai năm 1973 - 1974, quân và dân ta liên tiếp mở các đợt tiến công và giành thắng lợi quan trọng trên các chiến trường, cục diện chiến tranh liên tục thay đổi có lợi cho ta, từ đó càng củng cố thêm quyết tâm của Bộ Chính trị lãnh đạo quân và dân ta thực hiện giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Đầu năm 1975, trên cơ sở đánh giá so sánh lực lượng giữa ta và địch, nắm bắt thời cơ lịch sử, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm chiến lược, giải phóng miền Nam, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh thực dân mới của Mỹ bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975. Mở đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi vang dội, làm cho địch hoang mang, co cụm, rút vào phòng thủ chiến lược, tạo điều kiện cho ta tiếp tục xốc tới đánh tan rã nhiều đơn vị và lực lượng của địch, giải phóng và làm chủ nhiều địa bàn chiến lược như: Thừa Thiên - Huế; Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, các tỉnh Trung Nam bộ, các đảo thuộc quần đảo Trường Sa… Trước khí thế vũ bão của quân và dân ta, địch đứng trước tình thế sụp đổ, tan rã, chuyển về co cụm, lập tuyến phòng thủ cửa ngõ Đông - Đông Bắc Sài Gòn, hô hào tử thủ, hình thành “cánh cửa thép” ngăn chặn sức tiến công của ta, giữ lực lượng, chờ cơ hội phản công. Đang trên đà thắng lợi lớn, ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định và giải phóng miền Nam. Với tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, các đơn vị bộ đội chủ lực của ta chia làm năm hướng chiến lược thần tốc, đồng loạt tiến về giải phóng Sài Gòn. Bằng sức mạnh và sức tiến công mạnh mẽ của 5 cánh quân chủ lực, Tổng thống ngụy Trần Văn Hương vội vã từ chức nhường cho Dương Văn Minh lên thay. Nắm vững thời cơ lịch sử, ngày 26-4-1975 các lực lượng của ta trên cả 5 hướng chiến dịch đều nổ súng tiến công, ta dùng máy bay và pháo binh bắn phá làm tê liệt sự chống trả của địch, buộc Mỹ phải tổ chức chiến dịch di tản “Người liều mạng” bằng máy bay lên thẳng. Ngày 29-4-1975, quân ta tiến hành tiến công trên toàn mặt trận, đánh chiếm các địa bàn quan trọng làm cho quân định hoang mang, tan rã, đầu hàng, rút chạy tán loạn, tranh nhau di tản, chỉ huy của địch hoàn toàn bị rối loạn. Ngày 30-4-1975, ta đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu của địch ở nội thành như: Sân bay Tân Sơn Nhất; Bộ tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh biệt khu Thủ đô, căn cứ Hải quân, Cảng Bạch Đằng, Đài Phát thanh, Tổng Nha cảnh sát Trung ương ngụy. Địch chống trả quyết liệt, song trước sức mạnh như vũ bão của quân ta, các đơn vị chủ lực của Ngụy đã nhanh chóng bị tiêu diệt và tan rã hoàn toàn, 10 giờ 45 phút ngày 30-4-1975, quân ta đã chiếm được Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ chính quyền ngụy, buộc chúng đầu hàng vô điều kiện, 11 giờ 30 phút, cờ giải phóng tung bay trước tòa nhà chính của Dinh Độc Lập và khắp các phố phường, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng.
Như vậy, trải qua hơn 20 năm chiến đấu kiên cường, qua 5 giai đoạn chiến lược, nhân dân ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh thực dân mới, quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, ác liệt nhất và dã man nhất từ sau thế chiến thứ 2 do đế quốc Mỹ gây ra, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã đánh dấu bước ngoặt cơ bản, quyết định con đường cánh mạng mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra trong Chính cương vắn tắt 1930, đó là con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì độc lập, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; thắng lợi cũng đã đánh dấu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới, làm sáng tỏ tính hiện thực, tính phổ biến của xu thế phát triển tiến bộ; chứng minh rõ chân lý thời đại: dưới sự lãnh đạo của Đảng Mác - Lêninnít, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nhất định sẽ đánh bại mọi thế lực xâm lược phản cách mạng. Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 tiếp tục là nguồn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiến lên giành những thắng lợi mới, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra, đưa đất nước và dân tộc lên vị thế mới trong khu vực và trên thế giới.
DƯƠNG QUỐC CHIẾN