KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG SƯ ĐOÀN 375 (14-2-1968 / 14-2-2018):
Nửa thế kỷ bảo vệ bầu trời Tổ quốc
Ra đời trong những năm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Sư đoàn 375 đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần tích cực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trải qua nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Sư đoàn luôn khẳng định vị trí quan trọng trong đội hình chiến đấu của Quân chủng PK-KQ và trong lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam.
Báo động SSCĐ ở Tiểu đoàn 177, Trung đoàn 282, Sư đoàn 375 Ảnh: CTVNhững năm 1966-1967, Mỹ gặp thất bại lớn trên cả 2 chiến trường miền Bắc và miền Nam. Đứng trước tình hình đó, quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lên bước phát triển cao, tiến hành tổng tiến công và nổi dậy để giành thắng lợi quyết định. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Quân chủng đã điều một số trung đoàn pháo phòng không tăng cường cho Quân khu 4. Tháng 6-1966, Bộ Tư lệnh Phòng không của Quân khu 4 được thành lập. Quán triệt sâu sắc quyết tâm chiến lược của Đảng, nhận rõ vị trí quan trọng của địa bàn chiến lược Quảng Bình - Vĩnh Linh và theo đề nghị của Quân chủng PK-KQ, Quân khu 4; tháng 1-1968, Bộ Quốc phòng quyết định chuyển Bộ Tư lệnh Phòng không, Quân khu 4 thành Bộ Tư lệnh Phòng không Nam sông Gianh lấy phiên hiệu là Sư đoàn PK 375 trực thuộc Quân khu 4. Sư đoàn PK 375 có nhiệm vụ chỉ huy tác chiến tập trung các lực lượng có trong biên chế, đồng thời kiêm nhiệm Bộ Tư lệnh Phòng không quân khu để chỉ đạo phối hợp tác chiến các lực lượng phòng không ba thứ quân trong khu vực. Ngày 7-2-1968, tại chân núi Đại Huệ, xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, Sư đoàn 375 làm lễ công bố quyết định thành lập. Chỉ sau 1 tuần tập kết, triển khai đội hình chiến đấu, ngày 14-2-1968, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn Pháo PK 214 của Sư đoàn đã bắn rơi tại chỗ 1 máy bay A-6A tại thôn Khương Hà, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, xây dựng nên truyền thống ra quân đánh thắng trận đầu của Sư đoàn.
Để ghi nhận chiến công đó, ngày 15-1- 1992, Tư lệnh Quân chủng Phòng không ký Quyết định số 48/QĐ-PK, lấy ngày 14 tháng 2 là ngày truyền thống của Sư đoàn PK 375.
Chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Sư đoàn là sự tiếp nối qua ba giai đoạn lịch sử: Giai đoạn thứ nhất từ đầu năm 1968 đến giữa năm 1969, Sư đoàn triển khai chiến đấu trên địa bàn chiến lược Quảng Bình, Vĩnh Linh, thực hiện ba nhiệm vụ tác chiến chiến lược của Quân chủng là bảo vệ hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, bảo vệ giao thông vận chuyển và tác chiến trong đội hình quân binh chủng hợp thành. Giai đoạn thứ hai từ tháng 5 năm 1972 đến cuối năm 1977, Sư đoàn thành lập lần thứ hai, triển khai chiến đấu bảo vệ giao thông vận chuyển trên tuyến đường số 1 Bắc, tham gia Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12-1972 và các chiến dịch lớn giải phóng Huế, Đà Nẵng, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, mùa Xuân năm 1975. Giai đoạn thứ ba, từ cuối năm 1978 đến nay, Sư đoàn thành lập lần thứ ba, triển khai sẵn sàng chiến đấu bảo vệ địa bàn chiến lược miền Trung, Tây Nguyên.
Ra đời trong giai đoạn lịch sử hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, Sư đoàn là lực lượng cơ động chiến đấu của Bộ, đã cơ động chiến đấu hàng vạn ki-lô-mét, đánh 3.654 trận, bắn rơi 492 máy bay Mỹ, trong đó có 5 chiếc B- 52 và 3 chiếc AC-130. Giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Sư đoàn được Quân chủng giao nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời miền Trung, Tây Nguyên. Đây là vị trí hết sức quan trọng, địa bàn trải dài trên 1000km cả trên đất liền và một phần biển Đông, có nhiều đường bay, hoạt động bay, mật độ bay ngày càng dày đặc. Các đơn vị của Sư đoàn đóng quân phân tán trên các địa bàn phức tạp, nhạy cảm, còn gặp nhiều khó khăn về nơi ăn, ở, sinh hoạt; khí tài, trang bị nhiều chủng loại qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp trong khi tình hình thế giới, khu vực nhất là biển Đông có những diễn biến phức tạp khó lường... Sư đoàn được trên đầu tư, trang bị thêm nhiều vũ khí, trang bị, khí tài (VKTBKT) mới, cải tiến tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu như: Khí tài Tên lửa C125-2TM, hệ thống quản lý vùng trời quốc gia VQ1-M, các loại ra đa (P18M, 36D6, Kacta, VRS- 2DM...). Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ trong Sư đoàn thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, nghiệp vụ, làm chủ VKTBKT, luôn sẵn sàng chiến đấu; tổ chức huấn luyện và tham gia các hội thi, hội thao, diễn tập đều đạt điểm giỏi, có giải, đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, Sư đoàn luôn chú trọng đẩy mạnh xây dựng chính quy, quản lý, rèn luyện kỷ luật; thường xuyên chú trọng, nâng cao chất lượng công tác đảm bảo kỹ thuật và hậu cần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Cùng với đó, hoạt động CTĐ, CTCT luôn được lãnh đạo, chỉ huy các cấp quan tâm, tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh chính trị, tư tưởng và tổ chức. Củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ. Giữ vững mối quan hệ với cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn đóng quân. Là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác dân vận của Quân chủng PK-KQ.
Với bề dày thành tích, những chiến công trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, ngày 1-2-2002, Sư đoàn 375 vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Sư đoàn còn có 10 đơn vị và 6 cá nhân được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu AHLLVT. Toàn Sư đoàn được tặng thưởng 16 Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì, Ba; 594 Huân chương Chiến công các hạng, Huân chương Chiến công giải phóng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Các năm 2015, 2016, 2017 Sư đoàn được Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Ban Dân vận Trung ương tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua dân vận khéo, xây dựng đơn vị dân vận tốt giai đoạn 2011-2016.
Đại tá NGUYỄN VĂN NHẠC - Sư đoàn trưởng, Sư đoàn 375