20 giờ:52 phút Thứ tư, ngày 25 tháng 4 , 2018

Kinh nghiệm chuyển loại, làm chủ máy bay thế hệ mới ở Đoàn không quân Lam Sơn

Bài 2: Chuẩn bị chu đáo từ mặt đất

Chuẩn bị bay, thực hành bay, giảng bình bay là 3 giai đoạn quan trọng trong tổ chức hoạt động bay ở các đơn vị không quân. Trong đó, giai đoạn chuẩn bị bay là khoảng thời gian để các thành phần, từ tổ chức chỉ huy, phi công, đến các thành phần bảo đảm thực hiện những điều kiện “cần và đủ” để có thể thực hành bay. Do đó, Trung đoàn không quân 927 luôn xác định phải chuẩn bị chu đáo từ mặt đất để tổ chức bay an toàn, thắng lợi…

 Từ buồng tập đến buồng lái

Chúng tôi đến Trung đoàn không quân 927 vào tuần thứ 2 của tháng Tư. Đầu tuần, trung đoàn tổ chức hội nghị ra chỉ thị bay và chuẩn bị mặt đất cho ban bay hôm sau. Tại hội nghị ra chỉ thị bay, Thượng tá, phi công cấp 1 Nguyễn Thế Huỳnh, Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 927 cùng lãnh đạo, chỉ huy trung đoàn lắng nghe đại diện các đầu mối, như cơ quan Chính trị, Tham mưu, Quân huấn và các ngành bảo đảm như Hậu cần, Kỹ thuật hàng không (KTHK), Thông tin-ra đa-ánh sáng, báo cáo các nội dung như: Xu hướng diễn biến khí tượng trong tuần; thực lực phi công và máy bay, trang bị bảo đảm…Trên cơ sở công tác bảo đảm các mặt của đơn vị và sự chỉ đạo của cấp trên, Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 927 quyết định tuần này đơn vị sẽ tổ chức một ban bay ngày và một ban bay đêm trong điều kiện khí tượng phức tạp.

“Hội nghị ra chỉ thị bay tuần luôn giữ vai trò quan trọng, có tính định hướng cho hoạt động bay trong cả tuần. Trên cơ sở quyết định được đưa ra từ hội nghị này, phi công, cơ quan và các thành phần bảo đảm sẽ tiến hành làm công tác chuẩn bị mặt đất chu đáo nhất, làm cơ sở để thực hành bay hiệu quả, an toàn”, Thượng tá Nguyễn Thế Huỳnh nhấn mạnh.

Bài 2: Chuẩn bị chu đáo từ mặt đất
Máy bay SU-30MK2 của Đoàn Không quân Lam Sơn trong một ban bay huấn luyện.

Sau khi kế hoạch ban bay được phê chuẩn, các phi công và lực lượng làm công tác dẫn đường tiến hành chuẩn bị mặt đất, xác định số liệu bài bay; tổ chức hiệp đồng giữa phi công với chỉ huy bay và kíp dẫn đường; hiệp đồng giữa buồng trước và buồng sau, giữa các số trong biên đội…Đặc biệt, trong giai đoạn này, phi công còn phải biểu diễn mặt đất trên mặt sân có sơ đồ hóa địa hình địa vật, đường bay, không vực hoạt động, sân bay dự bị… Đây là thời điểm phi công tuần tự thực hiện bài bay giả định, nhằm hệ thống hóa những khẩu lệnh, động tác mà mình sẽ phải thực hiện khi thực hành bay vào hôm sau.

Trung tá Nguyễn Quang Hải, Phó trung đoàn trưởng Quân huấn Trung đoàn không quân 927 cho biết: Trong giai đoạn chuẩn bị bay, các phi công mới, phi công trẻ còn được giáo viên kèm cặp, hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, tất cả phi công còn phải ôn luyện các tình huống xử lý bất trắc đồng thời phải bay buồng tập, luyện tập buồng lái. Chỉ khi nào những nội dung trên đều đạt kết quả tốt, phi công mới được tham gia thực hành bay trên máy bay SU-30MK2.

Nếu biểu diễn mặt đất giúp phi công sơ bộ hệ thống hóa trình tự thực hiện bài bay, thì bay buồng tập sẽ giúp phi công được “bay như thật” trong không gian 3 chiều, từ giai đoạn cất cánh đến hạ cánh, đồng thời có thể xử lý nhiều tình huống bất trắc theo giả định. Trong khi đó, việc luyện tập buồng lái sẽ giúp phi công sử dụng thuần thục các thiết bị buồng lái, trước chuyến bay của ban bay hôm sau.

Từ đó có thể thấy được rằng, để có thể thực hành bay an toàn, chất lượng, phi công và các thành phần tổ chức chỉ huy phải trải qua giai đoạn chuẩn bị bay với những quy định mang tính chuẩn mực và rất khắt khe. Thực hiện tốt các nội dung trong giai đoạn này là tiền đề để giai đoạn thực hành bay đạt kết quả tốt…

Bài 2: Chuẩn bị chu đáo từ mặt đất
SU-30MK2 cất cánh huấn luyện bay trong điều kiện ngày khí tượng phức tạp.

Máy bay, đài trạm luôn sẵn sàng

Những người làm công tác bảo đảm KTHK cho hoạt động bay luôn là những người “đi trước, về sau”. Bởi trong ngày chuẩn bị trước ban bay, lực lượng KTHK phải ra sân bay sớm nhất, làm công tác chuẩn bị máy bay, bảo đảm đủ số lượng, có chất lượng tốt nhất phục vụ bay. Trong ngày bay, họ cũng là lực lượng ra sân bay trước các thành phần tổ chức chỉ huy, phi công, để chuẩn bị trực tiếp trước khi bay; tiếp đến là chuẩn bị giữa các chuyến bay. Và khi kết thúc ban bay, KTHK lại là lực lượng rời sân bay muộn nhất, bởi phải tiếp nhận, kiểm tra máy bay sau ban bay.

Thiếu tá QNCN Lê Văn Quân, Kỹ thuật trưởng máy bay động cơ, Tiểu đoàn KTHK (Trung đoàn không quân 927), cho biết: SU-30MK2 là máy bay tiêm kích thế hệ mới, được trang bị nhiều hệ thống máy tính hiện đại, trong khi thời tiết miền Bắc diễn biến thất thường, có giai đoạn độ ẩm không khí cao nên tác động không nhỏ đến các hệ thống này. Thêm nữa, máy bay đưa vào khai thác chưa lâu, kinh nghiệm sử dụng vẫn đang trong quá trình tích lũy, nên công tác chuẩn bị bay được chúng tôi đặc biệt chú trọng, bảo đảm máy bay có chất lượng tốt nhất.

Nhờ chấp hành nghiêm các nguyên tắc, quy định trong các giai đoạn chuẩn bị trước ngày bay, trước khi bay, giữa các chuyến bay và sau khi bay; thực hiện đúng quy trình công nghệ trong quá trình làm việc; làm tốt công tác dự báo, phòng ngừa những hỏng hóc có thể phát sinh để hạn chế đến mức thấp nhất hỏng hóc phát sinh trên không, nên trong những năm qua, Trung đoàn không quân 927 luôn là một trong những đơn vị không quân bảo đảm tốt nhất số đầu máy bay cho huấn luyện, với hệ số bảo đảm bằng 0,9.

Tại khu vực để máy bay, các chuyên ngành thiết bị hàng không, vô tuyến điện tử, vũ khí hàng không, máy bay động cơ hoạt động nhịp nhàng, ăn ý. Việc kiểm tra quá trình chuẩn bị được thực hiện đúng thứ tự, từ kiểm tra tổng hợp bên ngoài, bên trong bằng mắt thường sau đó thông điện kiểm tra. Công tác kiểm tra còn được thực hiện theo phân cấp, với phương pháp nhân viên sơ cấp làm, sau đó lần lượt cấp tổ, trung đội, đại đội, tiểu đoàn kiểm tra.

Sau khi kiểm tra công tác chuẩn bị bay của đơn vị, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thanh, Chủ nhiệm Kỹ thuật Trung đoàn không quân 927 chia sẻ: Một trong những yêu cầu quan trọng trong công tác chuẩn bị bay của ngành KTHK là phải làm tốt công tác bảo đảm trang thiết bị phục vụ quá trình này, từ dụng cụ theo mỗi chuyên ngành, đến nguồn điện, nguồn điều hòa, xăng dầu…

Bài 2: Chuẩn bị chu đáo từ mặt đất
Nhân viên Tiểu đoàn Thông tin- ra đa- ánh sáng phục vụ hay huấn luyện.

So với giai đoạn sử dụng máy bay Mig-21, số lượng đài, trạm bảo đảm cho hoạt động của máy bay SU-30MK2 ở Trung đoàn không quân 927 hiện nay nhiều hơn, hiện đại và đồng bộ với máy bay. Cùng với các thành phần bảo đảm khác, Tiểu đoàn Thông tin- ra đa- ánh sáng luôn nỗ lực bảo đảm và khai thác hiệu quả các phương tiện, trang bị kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, dẫn dắt máy bay. Để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, cán bộ của Tiểu đoàn đã được đưa đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ ở nước ngoài. Cùng với đó, Tiểu đoàn chú trọng tổ chức lực lượng tham gia các đợt tập huấn chuyển loại khí tài mới do Quân chủng PK-KQ và Sư đoàn 371 tổ chức, đồng thời thường xuyên tiến hành huấn luyện tại chỗ cho các thành phần. “Nhờ làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời được khai thác phương tiện, trang bị kỹ thuật có tính trực quan, kịp thời, chính xác, vững chắc, độ tin cậy cao, nên Tiểu đoàn luôn bảo đảm phục vụ tốt cho hoạt động bay trong mọi điều kiện thời tiết từ giản đơn đến phức tạp, trong điều kiện ban ngày cũng như đêm”, Trung tá Trần Công Hoan, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Thông tin- ra đa- ánh sáng (Trung đoàn không quân 927) khẳng định.

Theo qdnd.vn

>>> Bài 3: Chủ động, linh hoạt, chú trọng công tác hiệp đồng

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website