15 giờ:43 phút Thứ bảy, ngày 30 tháng 4 , 2016

Đường tới hạnh phúc

Con đường để có được hạnh phúc ngọt ngào của Thiếu tá QNCN Nguyễn Kiều Chinh - Nhân viên Bảo tàng Phòng không-Không quân (PK-KQ) bắt đầu từ hình ảnh cô học trò quê Nam Định vừa tốt nghiệp PTTH vào sống cùng chị gái ở Đoàn Văn công Hương Sen trên đất Nghệ. Tiếng hát đằm thắm, tự nhiên của cô đã đánh thức trong ông Đoàn trưởng Đoàn Hương Sen về một giọng ca triển vọng. Theo chủ trương của Đoàn, năm 1994 cô được cử đi học lớp sơ cấp 6 tháng, chuyên ngành Thanh nhạc tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

“Thuyền theo lái”

Mối nhân duyên của cô với chàng Thiếu úy Nguyễn Văn Diếm - Nhân viên Tiểu đoàn 463, Bộ Tham mưu (Quân đoàn 2) cũng nảy nở trong những ngày hai người cùng học. Sau 6 tháng, Kiều Chinh trở về Nghệ An, gắn bó với Đoàn Hương Sen. Còn Văn Diếm trở lại đơn vị đứng chân trên mảnh đất Bắc Giang. Dù xa cách, tình cảm của đôi trẻ vẫn được nối dài bằng những cánh thư. Hơn một năm sau, khi quyết định gắn bó với nhau cả đời, nhờ việc PR về giọng ca của bạn gái, Nguyễn Văn Diếm đã thuyết phục được thủ trưởng nhận Kiều Chinh về làm việc ở Bảo tàng Quân đoàn 2. Và dù rất luyến lưu cái nơi đã tạo dựng cho mình sự khởi nghiệp, Kiều Chinh vẫn quyết định thuyền theo lái, bỏ lại hào quang của ánh đèn sân khấu.

Đường tới hạnh phúc

Gia đình Thiếu tá QNCN Nguyễn Kiều Chinh. Ảnh do nhân vật cung cấp

Bắt đầu cuộc sống từ hai bàn tay trắng, với họ, gian nhà nhỏ tuềnh toàng mượn được ở Khu tập thể đơn vị cũng là một may mắn lớn. Trong căn hộ nhỏ bé ấy, tình yêu đã giúp họ thăng hoa để hai năm sau, bé Nguyễn Thục Linh ra đời. Chứng kiến và dường như hiểu được sự khốn khó của bố mẹ, Thục Linh ngoan hiền nhất mực. Và khi chị gái Thục Linh đã sắp thành một thiếu nữ, bé Nguyễn Thục Anh được chào đón trong niềm mong đợi của cả gia đình. Kháu khỉnh, bụ bẫm, thông minh, bé Thục Anh đã giúp cho bố mẹ mình viết tiếp những giai điệu hay nhất cho bản tình ca đẹp của một gia đình quân nhân. Nói về 20 năm thuyền theo lái, Kiều Chinh thốt lên tự đáy lòng: “Chúng tôi đã thực sự hiểu nhau và cùng nhìn về một hướng, cả khi là bạn đời và là bạn diễn”.

Quả thực, đã biết về đôi trai tài, gái sắc ấy, ai cũng nghĩ đó là một cặp trời sinh. Kiều Chinh, từ khi vào quân ngũ, liên tục tham gia các Hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quân, chị đã giành rất nhiều thành tích cao; có năm, có chương trình chị tham gia 5 tiết mục thì cả 5 đều đạt Huy chương Vàng. Đó là chưa kể những giải nhì chị giành được khi tham gia Liên hoan tiếng hát truyền hình tỉnh Bắc Giang năm 1999. Chị cũng có mặt ở vòng chung kết Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc, khu vực phía Bắc tổ chức tại Hà Nội năm 1999 cùng các ca sĩ Anh Thơ, Trọng Tấn. Giọng hát của Kiều Chinh đã đủ để làm nên một dấu ấn riêng trong lòng các thành viên Ban Giám khảo.

Hình ảnh cô ca sĩ không chuyên dịu dàng có giọng hát trữ tình, đằm thắm làm rung động lòng người thật vừa lứa, xứng đôi với chàng nhạc công tài hoa mặc áo lính, vừa chơi tốt ooc-gan, ghi ta, vừa có khả năng biên đạo múa. Ngay cả trên sân đấu thể thao, hai người cũng là một cặp bài trùng. Đi thi môn cầu lông đôi nam - nữ, Chinh - Diếm đã nhiều lần làm nên bất ngờ cho nhiều mùa giải. 4 năm anh, chị đạt giải nhất, 2 năm đạt giải nhì ở giải cầu lông gia đình tỉnh Bắc Giang. Năm 2011, tham gia Hội thao toàn quân đội nữ tại Miếu Môn, Kiều Chinh đã cùng bạn đấu đạt Huy chương Vàng môn cầu lông. Lần gần đây nhất, Kiều Chinh cũng đạt giải nhì đôi nam - nữ trong giải cầu lông Quân chủng PK-KQ năm 2013… 

Sớm bén duyên cùng lính canh trời        

Từ khi mới cưới nhau, còn công tác ở Quân đoàn 2, vợ chồng Kiều Chinh đã bén duyên với lính canh trời. Ấy là vào những mùa hội diễn văn nghệ quần chúng. Vợ chồng chị đã được đông đảo cán bộ, chiến sĩ ghi nhận và tin mến từ hàng chục năm nay khi đã đảm nhận thành công việc dàn dựng chương trình cho Trung đoàn 228 và Trung đoàn 267 tham gia hội diễn NTQC Sư đoàn 365. Nhớ lại những ngày lăn lộn với công việc, Chinh chia sẻ: “Muốn chương trình thành công, bản thân người dàn dựng  phải nắm rõ đặc thù của đơn vị. Chúng tôi đã gần gũi với cán bộ, chiến sĩ để hiểu về công việc của họ, thậm chí, nghiên cứu cả lịch sử đơn vị nữa”. Kết quả của sự dày công đó, là những tiết mục vừa mang đậm nét hào hùng của truyền thống, vừa phản ánh được tâm tư và những nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ hôm nay.

Nói về công việc của một nhân viên Bảo tàng, Kiều chinh tâm sự, cái khiếu văn nghệ đã hỗ trợ rất nhiều cho chị. Chất giọng truyền cảm của một ca sĩ và ánh đèn sân khấu đã giúp chị tự tin hơn khi làm thuyết minh tại Bảo tàng Quân đoàn 2, và giờ đây là Bảo tàng PK-KQ. Chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống và công việc hiện tại, dù cuộc sống vẫn còn nhiều gian nan phía trước, Kiều Chinh đã thực sự hạnh phúc trong vai trò của người vợ hiền, người mẹ đảm, của một nhân viên Bảo tàng có trách nhiệm và một ca sĩ không chuyên đầy nhiệt huyết.

HỒNG LINH
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website