21 giờ:37 phút Thứ sáu, ngày 7 tháng 9 , 2018

Chuyện về “Nông trường thí nghiệm”

“Giống như một hạt giống gieo xuống đất, khi mới nảy mầm chỉ là một chồi non nhỏ yếu, nhưng nếu không có cái chồi non yếu ớt đó cũng không thể có những cây cổ thụ hoa lá sum suê” - Đó là lời ví von, so sánh đầy hình tượng, nhưng cũng rất hợp lý của ông Hà Đổng - nguyên Trưởng Ban Nghiên cứu sân bay về sự hình thành, quá trình hoạt động và sự phát triển của Ban Nghiên cứu không quân.

Chuyện về “Nông trường thí nghiệm” 
Cán bộ, chiến sĩ Ban Nghiên cứu Không quân
bên chiếc máy bay Morane tại Soi đúng năm 1949.
                                                                     Ảnh tư liệu

Tuy chỉ tồn tại, hoạt động trong 3 năm ngắn ngủi, nhưng đó là khoảng thời gian với những hoạt động đầu tiên vô cùng quan trọng của Ban Nghiên cứu Không quân. Vào ngày 9-3-1949, chấp hành Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký quyết định thành lập Ban Nghiên cứu Không quân (mật danh “Nông trường Thí nghiệm”) với những nhiệm vụ: Tìm hiểu hoạt động của Không quân Pháp để phòng chống lại chúng; chuẩn bị cơ sở vật chất, tài liệu huấn luyện cán bộ, hình thành dần từng bước các điều kiện để tiếp thu, đón thời cơ triển khai hoạt động. Đồng chí Hà Đổng (Nguyên thư ký của Bộ trưởng Tạ Quang Bửu), được bổ nhiệm làm Trưởng ban, đồng chí Đoàn Mạnh Nghi được giao nhiệm vụ phụ trách mảng hoạt động CTĐ, CTCT. Đơn vị đóng tại Sơn Dương, đây là nơi gần đường bộ, đường thủy nhưng tương đối kín đáo, thuận tiện cho việc liên lạc với trên và gần Nha Nghiên cứu kỹ thuật quân giới.

 Khi mới thành lập và đi vào hoạt động, các thành viên của Ban đã tự lực xây dựng các lán trại. Khu nhà ở, chỗ học tập, giảng đường, kho xưởng, cơ quan và xưởng sửa chữa cơ khí… tất cả là những lán trại bằng tre, nứa do chính tay những thành viên của Ban dựng nên. Trong Xưởng cơ khí đã được trang bị một số máy động lực, máy gọt, hàn, sản xuất gia công cơ khí, phục vụ mô hình học tập, sửa chữa máy móc và phục vụ sinh hoạt. Ban Nghiên cứu Không quân cũng đã cử một số đồng chí tốt nghiệp khóa 1 chuyên ngành Hoa tiêu đến những nơi máy bay Pháp bị bắn rơi để nhặt các linh kiện về làm học cụ phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập.

Các chuyên ngành đào tạo cũng khá hoàn chỉnh từ hoa tiêu, khí tượng, thợ máy… thời gian đào tạo trong 6 tháng. Đội ngũ giáo viên là các cán bộ có hiểu biết về lĩnh vực khoa học hàng không và một số nhân viên được lựa chọn từ các hàng binh Quân đội Pháp là người Đức, Nhật.

Các giáo trình hầu hết đều được biên soạn bằng tiếng Việt. Ban cũng tiến hành thu nhập, sử dụng, nghiên cứu các tài liệu nhằm tìm hiểu về khoa học hàng không nói chung và lực lượng không quân Pháp sử dụng trên chiến trường Đông Dương nói riêng.

“Tài sản” quý giá nhất của Ban Nghiên cứu Không quân là 2 chiếc máy bay De Havilland Tiger Moth và Morane thuộc sở hữu riêng của cố vấn Vĩnh Thụy tặng cho chính phủ Việt Nam cộng hòa vào cuối năm 1945. Khi đó, Hồ Chủ Tịch đã chỉ đạo Chính phủ ta kết hợp với cố vấn Vĩnh Thụy tổ chức thành lập Câu lạc bộ Hàng không để thanh niên Việt Nam có điều kiện làm quen và tiếp cận với việc sử dụng máy bay, làm nền tảng cho việc thành lập ngành hàng không nước nhà.

Với mục đích đó, hai chiếc máy bay trên đã được Bộ Quốc phòng bí mật tháo rời, chuyên chở bằng tàu hỏa ra Bắc và cất giấu ở Sân bay Kim Đái (tỉnh Sơn Tây cũ). Sau đó lại được di chuyển lên Tuyên Quang. Vào khoảng tháng 3-1947, khi đang được cất giấu tại chùa Hang - Tuyên Quang, chiếc Tiger Moth bị 4 chiến đấu cơ của Pháp bắn phá. Cánh máy bay bị rách toạc, cánh quạt bị hỏng. Nhưng may mắn động cơ vẫn không bị hỏng và còn một cánh quạt dự trữ. Vị trí máy bay đã bị lộ, nên ngay trong tháng 4-1947, Cục Quân huấn tổ chức chỉ đạo lực lượng tháo rời 2 máy bay đưa lên 3 thuyền ngược dòng sông Gâm đến Soi Đúng, Chiêm Hóa - Tuyên Quang. Bãi để hai máy bay là một bãi trồng ngô tương đối bằng phẳng, có chiều rộng khoảng 80m, dài 500m có thể đủ điều kiện làm một sân bay đất nện nhỏ. Các thành viên trong đoàn đã tích cực lắp ráp và tiến hành sửa chữa lại 2 máy bay. Sau nhiều lần thử động cơ, kết quả máy bay vẫn hoạt động tốt, hệ thống điện bảo đảm an toàn, duy chỉ có 3 đồng hồ chỉ độ cao và báo xăng dầu là không tháo ra và kiểm tra được vì không có cán bộ chuyên trách.

Ngày 13-9-1949, Bộ Quốc phòng cử đồng chí Hà Đổng và phi công hàng binh người Đức có tên Việt Nam do Bác Hồ đặt cho là Nguyễn Đức Việt lên kế hoạch tổ chức bay thử chiếc Tiger Moth. Qua  kiểm tra và làm công tác chuẩn bị, chuyến bay được quyết định tiến hành vào ngày 14-9-1949. Phi công Nguyễn Đức Việt cùng bay với đồng chí Nguyễn Văn Đống - Trưởng Ban Cơ khí của đơn vị. Hai người chỉ mang 2 cặp kính bảo vệ mắt và không có dù. Máy bay nổ máy chạy đà khoảng 250m thì cất cánh bay ở độ cao 100m lượn về phía Nam và sau đó hạ thấp độ cao. Phi công Nguyễn Đức Việt có ý định men theo dòng sông Gâm trở về sân bay, nhưng vì máy bay xuống quá thấp, cánh bên trái đã chạm mặt nước nên cả người và máy bay đều lao xuống sông. May mắn là cả phi công, thợ máy vẫn an toàn.

Tuy chuyến bay đầu tiên của lực lượng Không quân Việt Nam chưa thực sự thành công, song đây là một chuyến bay hết sức quan trọng, lần đầu tiên chiếc máy bay mang cờ đỏ Việt Nam đã bay trên bầu trời Tổ quốc.

HẢI ANH
(Ghi Theo lời kể của đồng chí Hà Đổng - nguyên Trưởng Ban Nghiên cứu Không quân)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website