13 giờ:43 phút Thứ hai, ngày 20 tháng 3 , 2023

Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống bộ đội cao xạ ( 1-4-1953 / 1-4-2023)

Trận đánh xuất sắc của Tiểu đoàn 18 tại trận địa Đáp Cầu

Tháng 5 năm 1965, tôi nhập ngũ vào Quân chủng Phòng không - Không quân và được huấn luyện trở thành một chiến sĩ trắc thủ máy đo xa. Trải qua nhiều trận chiến đấu nhưng có lẽ tôi nhớ nhất là trận đánh của Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 365, Quân chủng Phòng không - Không quân tại trận địa khu vực Đáp Cầu và Thị Cầu ngày 17 tháng 10 năm 1967.

 Ngày đó, đơn vị chúng tôi được giao nhiệm vụ bảo vệ khu vực phía bắc Thủ đô Hà Nội gồm Bắc Giang và Bắc Ninh. Tiểu đoàn 18 chúng tôi được nhận nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các tuyến giao thông vận tải, đặc biệt là cầu Đáp Cầu, vì đây là cây cầu có vị trí rất quan trọng trong tuyến đường vận tải phía bắc Thủ đô. Tuyến đường vừa vận chuyển vũ khí, hàng hóa, phương tiện, hàng viện trợ của các nước bạn, vừa là đường chuyển quân của bộ đội ta từ phía Bắc vào phía Nam. Vì vậy, cây cầu cũng là mục tiêu phá hoại của không quân Mỹ. Tuy rất nhiều lần cho máy bay trinh sát, ném bom, bắn tên lửa, hòng phá hoại cây cầu nhưng chúng đều vấp phải sự đánh trả quyết liệt của quân và dân ta, nhất là tinh thần chiến đấu quả cảm của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 365, đang đứng chân tại trận địa Đáp Cầu.
Trận đánh xuất sắc của Tiểu đoàn 18 tại trận địa Đáp Cầu
Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 365 bảo vệ cầu Đáp Cầu, lập công xuất sắc.
Ảnh tư liệu

Đến nay, tuy đã hơn 55 năm, nhưng tôi nhớ rất rõ hôm ấy là ngày 17 tháng 10 năm 1967, vào khoảng hơn 10 giờ sáng, đã gần đến giờ ăn trưa, đơn vị nhận được điện từ Sở chỉ huy Tiểu đoàn thông báo: Máy bay địch có khả năng đánh vào khu vực cầu Đáp Cầu. Ngay lập tức, toàn đơn vị báo động, Đại đội 9, Đại đội 10 chúng tôi đóng quân trên đồi Cổ Mễ gần Đền Bà Chúa Kho cùng Đại đội 34 và Đại đội 36 khẩn trương vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Chỉ huy đơn vị nhắc lại bài tập phối hợp đánh trả máy bay Mỹ trong tình huống chúng bổ nhào xuống trận địa để cắt bom, bắn tên lửa vào cầu Đáp Cầu.

Trận đánh xuất sắc của Tiểu đoàn 18 tại trận địa Đáp Cầu
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Hùng.

Là một trắc thủ, nhiệm vụ của tôi là phải thông báo cự ly, tầm ngắm, ra khẩu lệnh chính xác theo đúng hiệp đồng của tình huống. Sau khi vào vị trí, tôi quan sát bầu trời hôm đó trong xanh, không một gợn mây, lệnh của chỉ huy Tiểu đoàn truyền xuống và chỉ thị cho trinh sát tập trung quan sát đường bay từ hướng 2-12 và hướng 14-34. Tôi đưa máy quan sát nhưng vẫn không thấy máy bay và thầm nghĩ: “Chắc chúng nó chỉ cho trinh sát rồi sau đó bỏ đi, chúng tôi sẽ yên trí được ăn cơm trưa”. Chưa dứt suy nghĩ thì chỉ huy Tiểu đoàn điện báo máy bay địch có nhiều tốp đang bay vào khu vực Đáp Cầu, các đồng chí theo dõi mục tiêu, tất cả vào báo động cấp 1 sẵn sàng chiến đấu. Tiếng kẻng vừa dứt thì trinh sát Tiểu đoàn báo xuống: Máy bay địch cách trận địa 70km, đang bay vào hướng 3-34; tôi quay nhanh máy quan sát về hướng đó và bắt được mục tiêu ngay lập tức.

Đại đội trưởng Liên lệnh cho tất cả các Khẩu đội quay nòng pháo về hướng 3-34 bám sát địch. Tôi căng mắt quan sát thấy rõ 2 tốp máy bay nối đuôi nhau gồm 4 chiếc F-4H và 4 chiếc F-105 bay vòng ra phía ngoài theo hướng 2-12. Đại đội  giao trinh sát bám chặt tốp F-4H, còn tôi theo sát tốp F-105. Vừa quan sát tôi vừa suy nghĩ: “Chắc địch có khả năng nghi binh và đề phòng Không quân ta ở sân bay Kép xuất hiện”, do đó chúng lượn đi, lượn lại và đổi hướng liên tục. Rất bình tĩnh, tôi quay sang bám tốp F-4H khi chúng vòng lại ở khoảng cách 30 đến 35km và máy đo xa đã đo được cự ly chính xác. Tôi liên tục thông báo hướng bay và cự ly bay của tốp F-4H cho Đại đội trưởng. Đột nhiên tốp F-4H bay ngoặt ra vòng ngoài đánh lạc hướng để tốp F-105 lao vào đánh mục tiêu, tôi lại nhanh chóng quay lại bám chặt tốp F-105, cùng lúc đó thì trinh sát Tiểu đoàn cũng báo xuống là tốp F-105 sẽ đánh vào cầu, các đơn vị bám sát tốp F-105 đồng thời theo dõi tốp F-4H.

Nhờ được huấn luyện kỹ tình huống đánh máy bay bổ nhào cắt bom, bắn tên lửa; toàn đơn vị đã tập trung cao độ cho trận đánh. Qua ống kính tôi thấy rất rõ đường bay và cự ly của tốp đi đầu nên đã kịp thời báo cáo Đại đội trưởng. Khi cả tốp đã lọt vào cự ly tầm ngắm, Đại đội trưởng ra lệnh cho toàn đại đội tập trung bắn chiếc thứ 2. Chúng tôi chuyển nhanh mục tiêu bám chặt chiếc thứ 2 và thật bất ngờ ở cự ly 60-55-50 km, chúng đã cắt bom bừa bãi xuống xung quanh trận địa, tiếng nổ inh tai, khói bốc mù mịt cả phía chân cầu và quanh trận địa. Qua ống kính máy đo xa, tôi thấy cả 2 tốp F-4H và F-105 đều quay lại lao về phía cây cầu. Thình lình tốp F-4H tách đội hình bay về phía Bắc Giang. Theo lệnh chỉ huy, cả đơn vị vẫn bám chặt chiếc thứ 2 của tốp F-105, cùng lúc đó đồng chí Minh là Chính trị viên Đại đội đã đứng giữa trận địa dõng dạc động viên cán bộ, chiến sĩ: “ Các đồng chí hãy bình tĩnh, dũng cảm, nhằm thẳng quân thù mà bắn”.

Lợi dụng địa hình núi Trại Phong, tốp F-105 nhào xuống khoảng cách 5000m - 4500m - 3800m, Đại đội trưởng hô rất to: Bắn! Cả 2 Trung đội 1 và 2 đồng loạt nổ súng khi chiếc F-105 thứ 2 đang bổ nhào về phía Đáp Cầu. Qua ống kính tôi thấy rõ một tiếng nổ và ánh chớp lửa kéo dài từ chiếc F-105 thứ 2, tôi hô to: “Cháy rồi… Cháy rồi… Cùng lúc ấy, mấy chiếc F-105 còn lại tiếp tục bổ nhào cắt bom, bắn tên lửa xuống phía cầu Đáp Cầu, các khẩu đội của Đại đội 9, Đại đội 34, Đại đội 36 cùng đồng loạt nổ súng, những loạt đạn bay lên đan chéo nhau như một lưới lửa bủa vây tốp máy bay Mỹ. Trong chớp nhoáng, một quầng lửa trùm lên cả 2 chiếc máy bay F-105 và bùng lên lao xuống phía chân núi Leo. Sau đó vài giây, tốp F-4H quay lại tiếp tục lao xuống cắt bom, nhưng đã vấp phải lưới lửa cao xạ của Tiểu đoàn 18 và 2 chiếc F-4H bốc cháy. Chiếc còn lại cắt bom bừa bãi xuống xung quanh cây cầu rồi chuồn mất, lúc đó là 10 giờ 45 phút ngày 17 tháng 10 năm 1967.

Trong khi đơn vị chiến đấu ác liệt, chúng tôi còn được sự hỗ trợ của Đội du kích thôn Cổ Mễ, xa Vũ Ninh đến cứu thương, băng bó và đưa anh em thương binh về phía sau an toàn. Nhớ lại và ghi chép những diễn biến chính trận đánh tại cầu Đáp Cầu, tỉnh Bắc Ninh của Tiểu đoàn 18 cao xạ, Sư đoàn 365 cách đây hơn 55 năm, với ý chí quyết chiến, quyết thắng, chỉ trong thời gian 5 phút đã bắn rơi 5 máy bay Mỹ, giữ an toàn cho cây cầu và tôi rất tự hào mỗi khi nhớ về trận đánh xuất sắc ấy.

Bài, ảnh: TRẦN VỌNG

(Ghi theo lời kể của cựu chiến binh Nguyễn Đình Hùng, nguyên trắc thủ Đại đội 10, Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 365).
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website