16 giờ:18 phút Thứ sáu, ngày 16 tháng 12 , 2016

Toàn dân tộc hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến

Đáp Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân, toàn quân ta đã nhất tề đứng lên kháng chiến. Thủ đô Hà Nội, đã trở thành chiến trường chính trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc.

Toàn dân tộc hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến
Các chiến sĩ Vệ quốc quân và nhân dân Thủ đô chiến đấu
giữ nhà, giữ phố trung những ngày Toàn quốc kháng chiến.
Ảnh tư liệu

Sau đòn tiến công chủ động, đồng loạt và bất ngờ lúc 20 giờ ngày 19-12-1946, quân và dân Thủ đô tiếp tục triển khai thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc. Trải qua 60 ngày đêm chiến đấu kiên cường, anh dũng, quân và dân Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não, tản cư, bảo đảm an toàn cho nhân dân, chuyển hàng ngàn tấn máy móc, vật tư ra An toàn khu, tạo tiềm lực ban đầu cho kháng chiến. Quân và dân Thủ đô đã đánh hàng trăm trận, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, giam chân chúng dài ngày trong thành phố, tạo điều kiện để cả nước bước vào chiến tranh, triển khai thế trận chiến đấu lâu dài.

Cùng với Thủ đô Hà Nội, quân và dân các đô thị ở phía Bắc vĩ tuyến 16 cũng giành được thắng lợi quan trọng. Quân và dân Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh du kích, đánh phá kế hoạch bình định, kiềm chế không cho địch đưa lực lượng chi viện cho Trung Bộ và Bắc Bộ. Đồng thời, cùng với những cuộc chiến đấu trực tiếp với quân Pháp, chúng ta thực hiện cuộc tổng di chuyển các cơ quan, kho tàng, máy móc vào An toàn khu. Đến tháng 3-1947, các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân đội, Mặt trận đã được chuyển lên Việt Bắc an toàn. Việt Bắc trở thành Thủ đô của cuộc kháng chiến toàn quốc. Ở các địa phương cũng diễn ra việc di chuyển cơ quan vào các vùng nông thôn hoặc những nơi rừng núi, thiết lập hệ thống thông tin liên lạc giữa các địa phương và Trung ương ở chiến khu Việt Bắc. Nhân dân các vùng có chiến sự cũng triệt để thi hành chính sách “Vườn không nhà trống”, tản cư ra vùng tự do.

Về phía Pháp, với bản chất của kẻ xâm lược, chúng tăng cường lực lượng, mở rộng vùng chiếm đóng, ráo riết thực hiện đòn tấn công quyết định để sớm kết thúc chiến tranh. Thu - Đông năm 1947, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương huy động lực lượng lớn, mở cuộc hành quân lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não, tiêu diệt quân chủ lực, phá tan căn cứ kháng chiến của ta. Nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và tinh thần sáng tạo, quyết tâm cao, quân và dân ta đã chiến đấu ngoan cường, giành thắng lợi vẻ vang trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, làm thất bại hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp.

Đến năm 1950, lực lượng kháng chiến của ta trưởng thành về mọi mặt, Đảng và Chính phủ quyết định mở Chiến dịch Biên giới nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần vùng biên giới phía Bắc, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, khai thông đường liên lạc quốc tế với các nước XHCN. Sau 29 ngày đêm chiến đấu kiên cường, quân và dân ta đã làm nên thắng lợi quan trọng, tạo ra bước ngoặt căn bản, đưa cuộc kháng chiến của quân và dân ta bước sang giai đoạn phản công và tiến công. Quân Pháp lui dần về thế phòng ngự.

Lợi dụng sự sa lầy của Pháp, đế quốc Mỹ tăng cường viện trợ cho Pháp và ngày càng can thiệp sâu vào cuộc chiến nhằm thực hiện âm mưu ngăn chặn phong trào cộng sản tràn xuống Đông Nam Á, sẵn sàng thay thế Pháp để kéo dài chiến tranh. Trước tình hình đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (2-1951) xác định nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Việt Nam lúc này là tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược và đánh bại bọn can thiệp Mỹ, giành độc lập dân tộc. Phát huy thế tiến công chiến lược, quân và dân ta giành được những thắng lợi quan trọng trên các chiến trường như Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào... Chiến tranh nhân dân phát triển đã đẩy quân địch lún sâu vào thế bị động.

Với âm mưu hòng xoay chuyển tình thế, dựa vào viện trợ của Mỹ, Pháp lập Kế hoạch Nava nhằm lấy lại quyền chủ động, tiến tới tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta để kết thúc chiến tranh. Tuy nhiên, trước sự chỉ đạo chủ động, linh hoạt của Trung ương Đảng, Bộ Tổng tư lệnh, sự chiến đấu kiên cường dũng cảm của quân và dân ta, kế hoạch trên bị thất bại, buộc Nava phải đưa quân chủ lực lên Điện Biên Phủ, biến nơi đây thành tập đoàn cứ điểm khổng lồ để tiêu diệt “chủ lực Việt Minh”. Nhưng sau 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, quân và dân ta đã đập tan cố gắng quân sự cao nhất của thực dân Pháp, lập nên chiến thắng Điện Biên Phủ - “cột mốc vàng” trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, kết thúc oanh liệt Cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954, tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh ngoại giao, đi đến ký Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, đưa cách mạng Việt Nam bước vào một thời kỳ mới: thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc.

HOÀNG LÂU

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website