Nhân dân Lào chào đón quân tình nguyện Việt Nam.
(Nguồn: Sách Ảnh quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào/Nhà xuất bản Thông tấn)
CUỘC GẶP GỠ BẤT NGỜ
Mùa khô năm 1970, khi cuộc chiến tranh giải phóng đất nước ta đang ở giai đoạn cam go và phần khốc liệt nhất thì tôi, người đàn ông bốn mươi tuổi, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 49 rồi chuyển thành Trung đoàn 59 thuộc mặt trận X, do đồng chí Hoàng Kiện làm chỉ huy mặt trận được lệnh hành quân sang cùng nhân dân các bộ tộc Lào chiến đấu để giải phóng đất nước bạn.
Cao nguyên Bô-lô-ven thuộc Hạ Lào, nơi được coi là địa hình chiến lược quan trọng trong quá trình bảo vệ hành lang của mặt trận X. Lúc đầu tôi vừa là Trung đoàn trưởng, lại vừa là Chủ nhiệm pháo mặt trận. Gọi là Chủ nhiệm pháo, nhưng chỉ là một đại đội pháo mặt trận, duy nhất chỉ có 1 khẩu 12,7 mm, trong khi đó nhiệm vụ của Trung đoàn là phải chiếm giữ và làm chủ bằng được đường 23, con đường chiến lược chạy từ đường 9 – Nam Lào xuống cao nguyên Bô-lô-ven đến Pắc Xế.
Cao nguyên Bô-lô-ven như một bông hoa sen đá nở lên giữa đại ngàn. Đẹp thì đẹp thế, nhưng đây là địa hình chiến lược, hiểm trở mà địch đang chiếm giữ để bảo vệ sườn phía đông của thủ phủ Nam Lào – Pắc xế, đồng thời đây cũng là nơi cố thủ vững chắc và có thể tiếp tế bằng đường không, vì trên đó còn có cả sân bay.
Buổi chiều ngày hôm trước khi được lệnh đánh chiếm lại cao nguyên Bô-lô-ven, tôi đã trực tiếp cùng cậu Hùng liên lạc và cậu Tiến quân y đi trinh sát mặt trận. Khi đến men con suối Chămpi thì gặp một cô gái khoảng 20 tuổi, tóc dài đi lấy nước. Chẳng biết có phải do ánh hoàng hôn đang hắt ngược lên từ dòng suối tưới vào mặt cô gái khiến cô gái đẹp đến mê hồn hay là vì lần đầu tiên chúng tôi được nhìn thấy con gái Lào mà mặt chúng tôi đều ngệt ra.
Khi phát hiện chúng tôi nhìn, cô gái mở nụ cười thật tươi. Nụ cười chỉ đủ mở he hé hàm răng trắng lóa trên bờ môi cong, đỏ. Chiếc váy cuốn sát thân khoe ra những đường cong hun hút, vời vợi thanh xuân. Cô như hút chúng tôi và thu cả hoàng hôn từ trên cao nguyên Bô-lô-ven đổ xuống thân thể mình. Một buổi chiều bình yên ít ỏi của lính chủ lực mặt trận.
- Chào các anh bộ đội Việt Nam.
Tiếng của cô gái bỗng phá tan nỗi nhớ vu vơ vừa ùa về bên tôi. Đó là nỗi nhớ về người vợ trẻ và những đứa con nơi quê hương đang mong ngóng tôi mau chiến thắng trở về. Cô gái nói tiếng Việt tương đối tốt ấy là Chay-khăm-min, người dân tộc La-ve. Buổi đầu chỉ biết có thế, rồi chúng tôi chia tay.
Trận đánh diễn ra đúng ý định. Chỉ sau 6 quả 12,7 mm, đơn vị tôi đã làm chủ trận địa. Như được đà, chỉ sau một ngày, Trung đoàn tôi cùng với các đơn vị khác đã làm chủ cao nguyên Bô-lô-ven và nhanh chóng giải phóng hoàn toàn tỉnh Át-tô-pơ. Đó cũng là những ngày cuối mùa khô năm 1970.
Đêm cuối mùa khô, trăng phả xuống cao nguyên Bô-lô-ven càng đầy hơn. Trên đường đi trinh sát thực địa, đến cuối bìa rừng, sát con sông Sê-piêng thì bỗng nghe tiếng “Xoạt”.
Chúng tôi nằm xuống, lên đạn và chĩa súng về nơi phát ra những âm thanh lạ. Tôi hô.
- Ai! Ra ngay! Ra không tôi bắn!.
Từ trong lùm cây, một cô gái bước ra.
- Chay-khăm-min! Sao cô lại ở đây?.
Cô không nói gì, chỉ ném về phía chúng tôi cái nhìn dụt dè rồi quay mặt bước đi như chạy. Cách hành xử lạ của Chay-khăm-min làm chúng tôi đặt ra nhiều câu hỏi, nhưng rồi chúng tôi cũng chạy theo bước chân của cô.
Trong căn nhà nhỏ nằm chênh vênh trên sườn Plô-han thuộc cao nguyên Bô-lô-ven, Chay-khăm-min ngồi bó gối bên bếp. Có lẽ, đã từ lâu lắm rồi, cái bếp nơi cô ngồi chưa được thắp lên một ngọn lửa nào. Và Chay-khăm-min bắt đầu kể.
NƯỚC MẮT CHẢY DỌC THỜI GIAN
Năm 1968. Địch mở cuộc càn quét đẫm máu trên địa bàn rộng, trong đó có cả Cao nguyên Bô-lô-ven.
Hôm ấy, vào giữa mùa khô, khi Chay-khăm-min đi bắt cá dưới suối Chăm-pi. Đang mải bắt cá thì cô giật mình ngã xuống nước bởi những tiếng nổ long trời lở đất. Sau những tiếng nổ lớn là những tiếng nổ nhỏ, tiếng máy bay gầm rít trên bầu trời.
Cô bò nép mình vào phiến đá. Rồi mắt cô hoa lên khi dòng nước trong vắt bỗng đỏ ngàu dưới chân cô. Rồi xác người úp, ngửa. Có khi chỉ có cánh tay, lọn lóc… lập lờ theo dòng. Cô ngất đi. Dòng nước làm cô tỉnh lại. Cô hoang hoải chạy ngã sấp, ngã ngửa về nhà.
Nhà của cô. Nơi trận càn mới đi qua đỏ loang máu. Cô gào gọi nhưng cha, mẹ cô đâu còn nữa mà trả lời cô. Nơi góc nhà, chị gái cô mắt trợn ngược, máu vẫn còn rỉ ra trên tấm thân không một mảnh vải. Cô ôm lấy chị gái. Chị cô vẫn còn sống. Nhưng bây giờ…
Tôi đi về phía đôi mắt Chay-khăm-min dừng lại. Một người con gái quắt queo, mặt đang nổi lên những nốt to, mang mủ vàng ệch.
Hóa ra, từ hôm gặp chúng tôi ở suối, qua bao ngày nay cô đã thầm theo chúng tôi, mong được chúng tôi giúp đỡ mà không dám nói ra.
Sau ngày đó, tôi cùng anh em đơn vị thường xuyên lên thăm, giúp đỡ và chữa bệnh cho chị gái của Chay-khăm-min, nhưng vì căn bệnh quái ác mà chị gái của cô đã qua đời sau đó vài tuần. Tuy chị của cô mất, nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên Chay-khăm-min. Và mọi chuyện cứ êm ả trôi qua nếu không có buổi chiều hôm ấy.
Cậu Hùng liên lạc báo với tôi.
- Thủ trưởng ra cổng doanh trại, có người cần gặp.
Ra đến cổng, tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra Chay-khăm-min đang thấp thỏm, đứng cách cổng doanh trại gần một trăm mét.
- Có chuyện gì không hả Chay-khăm-min?. Tôi hỏi.
Chay-khăm-min mặt đỏ ửng, môi mấp máy không thành câu, tay chỉ về phía Cao nguyên Bô-lô-ven. Tôi nghĩ. Chắc phải có việc gì quan trọng lắm, nên cô mới đến tận nơi đây tìm tôi.
Màu đỏ hoàng hôn thả xuống dòng sông đang ôm lấy cao nguyên thành những đường cong hồng nhạt. Ánh hồng nhạt ấy như tấm gương lớn chiếu hắt từ mặt sông chĩa lên cao nguyên. Cao nguyên Bô-lô-ven trông như một bông hoa sen đá khổng lồ.
Đến bờ đá nem theo dòng Chăm-pi thì Chay-khăm-min bỗng dừng lại. Tôi tiến đến gần để xem có chuyện gì mà hôm nay cô bí hiểm thế.
- Trời ơi! Không! Chay-khăm-min!.
Tôi kêu thất thanh khi chiếc váy của cô từ từ rơi ra khỏi thân hình.
Nhanh như cắt. Tôi giật chiếc áo quân phục chạy về phía Chay-khăm-min. Giọng Chay-khăm-min run run.
- Em xin anh một người con. X…i…n…a..n..h!.
Tôi ôm lấy Chay-khăm-min, người em gái bé bỏng kệ cho nước mắt của cả tôi và em trộn vào nhau bỏng rát. Nước mắt của Chay-khăm-min rơi nhiều hơn khi nghe tôi nói về người vợ của tôi, về những đứa con của tôi, về quê hương Việt Nam của chúng tôi, và đặc biệt về khát vọng, tình yêu của người lính quân tình nguyện Việt Nam khi đến với nhân dân Lào anh em. Chay-khăm-min gạt nước mắt nở nụ cười thật tươi hôn lên trán tôi và vụt chạy về phía hoàng hôn.
Sau đó vài tuần, tôi được lệnh trở về Việt Nam nhận nhiệm vụ mới.
Từ đó đến nay đã gần 50 năm. Thời gian đã đưa chàng trai gần bốn mươi tuổi ngày nào trở thành ông cụ trên 90 mươi tuổi. Tuy nhiên, trong từng ấy thời gian, tôi vẫn đi tìm đáp án cho câu hỏi, rằng tại sao Chay-khăm-min chỉ mong có một đứa con mang dòng máu Việt Nam. Chắc chắn, đó phải là cái gì đó bay lên khỏi tình yêu trai gái. Ý nghĩ hạnh phúc vô hình đó giờ còn vẹn nguyên tựa nước mắt, nụ cười của cô gái Lào và anh lính quân tình nguyện Việt Nam đã chảy trộn vào nhau thuở ấy và sẽ còn chảy mãi, chảy dọc theo thời gian năm tháng, vẹn nguyên tình cảm của những con người đã sống, đang sống, sẽ sống và đứng mãi bên nhau.
NGÔ TIẾN MẠNH
(Ghi theo lời kể của Đại tá Ngô Đình Minh, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 49, Mặt trận X)