10 giờ:7 phút Thứ năm, ngày 20 tháng 12 , 2018

Mùa Đông ấm áp

Bây giờ đã là cuối Đông, sau đợt mưa phùn gió bấc kéo dài, mặt trời đã chịu ló rạng. Những sợi nắng gầy guộc, mỏng tang không đủ sức xua tan màn sương dày buốt giá.

 Thế mà trong khắp khuôn viên doanh trại của đơn vị Hoàng, bất chấp ngọn gió mùa se sắt, những khóm hồng, thược dược, đồng tiền… đã đồng loạt tỏa hương, khoe sắc. Rực rỡ nhất là những khóm cúc đại đóa. Chao ôi, cái màu vàng muôn thuở thanh bình ấy mới gọi mời, dẫn dụ làm sao! Thế này thì chả mấy nữa là đến Tết Nguyên đán. Chỉ mới nghĩ đến những khoảnh khắc đoàn viên, Hoàng bỗng thấy nhớ Thu và bé Nhím đến thắt lòng.

Mùa Đông ấm áp
                                                               Minh họa:
TRẦN QUỐC ÂN

Mùa Đông đầu tiên họ gặp nhau, khi ấy cả hai đều rất trẻ. Trận địa tên lửa của anh nằm bên ngọn đồi bạt ngàn lau trắng. Trường tiểu học của Thu cũng cách đó không xa. Họ quen nhau trong lễ cưới của một đồng đội. Đám cưới nhà binh nên không khí cũng rất… nhà binh. Hoàng và cánh lính trẻ thi nhau lên hát mừng hạnh phúc bằng những ca khúc đại loại như: Tên lửa về bên sông Đà, Lính ra đa trên điểm chốt biên thùy, Phi đội ta xuất kích… Những nhạc phẩm này vốn quen thuộc với lính canh trời, nhưng lại rất lạ lẫm với những người ngoại đạo. Vậy mà các anh vẫn được bà con cổ vũ nhiệt tình. Ai đó đã đẩy về phía Hoàng một cô gái trẻ có đôi mắt biết cười và cái cằm lẹm duyên dáng. Sau vài câu trao đổi, Hoàng mạnh dạn nắm tay cô cùng lên sân khấu. Họ thể hiện bài hát “Hành khúc ngày và đêm” vui nhộn thật ăn ý và đầy xúc cảm. Tan cuộc, anh và Thu cùng sóng bước bên nhau đến tận chân dốc rồi mới chia tay. Cô rụt dè trao tặng anh một bông cúc vàng kèm theo nụ cười bẽn lẽn. Cử chỉ thân thiện ấy đã gieo vào lòng chàng sĩ quan trẻ vô vàn những con sóng lòng êm ái, bâng khuâng.

Bẵng đi một thời gian, Hoàng tình cờ gặp lại Thu khi anh cùng đồng đội đến giúp trường tiểu học của cô khắc phục hậu quả sau mưa bão. Lần này, họ có nhiều kỷ niệm với nhau hơn. Hình ảnh những chàng trai dầm mình trong mưa lạnh giúp cô trò kê lại bàn ghế, vệ sinh môi trường đã khiến Thu tin cậy trao số điện thoại cho anh. Thời điểm sau khi chi đoàn anh kết nghĩa với chi đoàn của cô, họ càng có cớ để song hành trong các hoạt động phong trào như giúp dân nạo vét kênh mương, quét dọn đường làng, thu hoạch mùa màng, hiến máu tình nguyện… Thêm vài chiến dịch “Mùa Hè tình nguyện”, “Chủ nhật xanh”, “Chủ nhật tươi hồng”… tình cảm của đôi trẻ đã tiến thêm bước mới. Với Hoàng, ngoài thiện cảm đối với cô giáo trẻ năng động, yêu nghề, anh còn bị cuốn hút bởi đôi mắt biết nói thông minh và nụ cười đôn hậu, dễ gần. Với Thu, một cô giáo còn quá trẻ và nhiều mơ mộng, cảm giác có người yêu thương và quan tâm đến mình thật ấm áp. Nhất là chàng trai ấy lại là một sĩ quan trẻ mạnh mẽ, can trường. Đôi lần vào đơn vị anh giao lưu, cô đã được tận mắt chứng kiến công việc thầm lặng của những người lính thời bình. Dù không nói ra, nhưng cái cách mà cô quan tâm đến anh đã là câu trả lời rõ ràng nhất. Vào mùa Đông thứ hai, Thu đã thức đêm để đan khăn, đan áo tặng anh. Mỗi chiều cuối tuần, cô thích ngồi sau xe anh ríu ran dọc con phố nhỏ. Thu bảo, cô yêu anh một phần vì anh là người lính thật thà, giản dị nhưng rất chân thành. Anh luôn thấu hiểu và chia sẻ với cô mọi thứ. Cũng đã có những giận hờn, lầm hiểu, có lúc họ định buông tay… Qua đủ hết những cung bậc ngọt ngào và đắng chát. Nhưng chỉ mới nghĩ đến việc phải xa nhau thôi, cả hai đêu thấy lòng nhói buốt.

Họ đã đi qua 5 mùa Đông ắp đầy kỷ niệm. Rồi đám cưới nhà binh và một tổ ấm được hình thành. Nhưng họ thật sự chỉ có vẻn vẹn hai mùa Đông là như cây liền cành, chim liền cánh. Theo yêu cầu nhiệm vụ, Hoàng được điều chuyển đến đơn vị khác với cương vị cao hơn. Đơn vị này cách tổ ấm của họ hơn nửa ngàn cây số. Làm vợ bộ đội, Thu tập sống những ngày không có anh, cảm giác ban đầu rất chông chênh, chông chênh ngay từ trong bữa ăn, giấc ngủ. Rồi Thu mang thai. Ngày nào anh cũng gọi điện hỏi thăm, gửi cho cô những dòng tin nhắn chan chứa yêu thương. Bởi thế, dẫu có một mình Thu cũng thấy bớt cô đơn. Ngày cô chuyển dạ sinh con, anh đang vào mùa diễn tập. Thấy cô một mình ôm bụng to kềnh tới bệnh viện, kíp y bác sĩ trực đêm hôm đó rất ái ngại. Thu chỉ kịp nói nhỏ: “Em là vợ bộ đội”, rồi gồng mình nén chịu những cơn đau sinh tử. Khi bé Nhím gần tròn tháng anh mới tạt về dăm ngày. Nhưng đó là khoảng thời gian Thu thấy hạnh phúc nhất. Cô không thể ngờ anh lại khéo léo, đảm đang đến thế. Mọi việc từ đi chợ, cơm nước đến thay bỉm và tắm cho con, Hoàng đều xử lý ngon ơ. Cô cảm nhận được đầy đủ tình yêu và trách nhiệm của anh đối với gia đình nhỏ. Nhờ nó mà sau này, cuộc sống với bộn bề lo toan dần thổi bay những mộng mơ màu hồng lấp lánh, cô cũng chưa khi nào thấy hối hận vì đã yêu anh.

Lại thêm một mùa Đông nữa dần qua. Bây giờ “hạnh phúc” giản dị của anh đang làm gì nhỉ? Cả cô công chúa nhỏ của bố nữa, bố yêu hai mẹ con nhiều lắm, biết không?

 - Suy tư gì thế ông bố trẻ?

Hoàng giật mình quay lại, Tiểu đoàn trưởng Khương đã đứng sát phía sau. Bối rối vì bị bắt quả tang đang nghĩ mông lung, Hoàng chỉ biết ngoác miệng cười chống chế:

- Em có suy tư gì đâu. Mùa Xuân gõ cửa rồi, hoài niệm một chút thôi ạ.

- Thì tôi cũng vừa nhận chỉ thị giúp ông đi thẳng đến hiện thực chứ không cần hoài niệm đây. Thế này nhé, cấp trên đã “chuẩn y” cho ông đi tranh thủ vài ngày. Ấy ấy, đừng có vội mừng, chỉ một tuần thôi. Ông có hai lựa chọn. Một là về trước Tết, sau đó lên đơn vị giúp tôi tổ chức vui Xuân, đón Tết cho bộ đội. Thứ hai, triển khai phương án “cơ động bệ”. Cách này quen quá rồi còn gì, trọn vẹn cả đôi đường nhé! Vừa đoàn viên với vợ con, vừa ăn Tết cùng bộ đội, vui phải biết. Ý ông thế nào?

Hoàng phì cười: 

- Thôi, thôi… Năm nay nhiệt độ xuống thấp thế này, “cơ động bệ” trẻ con dễ bị ốm lắm. Cấp trên sắp xếp thế nào, em sẽ tuyệt đối phục tùng. Em đi tranh thủ vài ngày rồi sẽ về đơn vị đúng hẹn, anh cứ yên tâm.

- Thế thì nhanh lên, từ phút này ông chính thức thuộc quyền quản lý của cô giáo Thu nhé. Nhớ xuống quản lý lĩnh đủ tiêu chuẩn Tết và cho chúng tôi gửi lời chúc Tết tới gia đình nhé.  

Chia tay Tiểu đoàn trưởng Khương, Hoàng về phòng, chỉ tích tắc anh đã chuẩn bị xong hành lý. Để tạo bất ngờ cho Thu, anh ra bến xe ngay từ chập tối. Với cung đường gần 600 cây số, nếu xe chạy thông đêm thì chỉ tang tảng sáng hôm sau là anh có mặt ở nhà rồi. Tâm trạng đầy phấn khích, anh hình dung gương mặt ngái ngủ của vợ sáng bừng hạnh phúc khi anh ào vào như một cơn lốc; rồi lại mường tượng cảm giác bước chân vào căn phòng ấm sực, nồng nàn hơi hướm người vợ trẻ. Thế nào cô ấy cũng biểu lộ tình yêu bằng một nhát cắn vào vai anh đau điếng. Sau đó là những vòng ôm thắm thiết, những nụ hôn ngọt ngào… Rồi họ sẽ đứng sát vào nhau, lặng ngắm cái dáng ngủ sấp đáng yêu của cô công chúa nhỏ.

Nói tóm lại, có cả ngàn lý do để anh trở về trong đêm giữa cái rét đầu Đông cắt da, cắt thịt này.

Nhưng… Hoàng tính không bằng trời tính. Chiếc xe chỉ mới đi được một lúc đã gặp trục trặc kỹ thuật, mất toi hai giờ đồng hồ chờ đợi. Khi anh rẽ vào khu tập thể thì Thu đã lên lớp giảng bài, còn bé Nhím thì đang ở lớp mẫu giáo. Anh mở cửa vào nhà, chỉ kịp quẳng vội ba lô là vùi đầu vào gối, vào chăn, hít lấy hít để mùi hương quen thuộc của vợ còn lưu lại. Từ chiếc giường êm ái này, anh có thể nhìn ra vuông cửa sổ, một mảng trời xanh thấp thoáng. Anh lại mường tượng ra tấm lưng thon của Thu ẩn hiện trong căn bếp nhỏ. Và kia, trên cánh tủ, ngoài những mẩu giấy nhắc việc của vợ, còn có cả những nét vẽ nguyệch ngoạc của bé Mít. Tất cả đều bình dị và thân thuộc quá chừng.

Hoàng trở mình, cảm giác chiếc giường đang chao nhẹ. Thì ra những chiếc mộng đã long khá rộng. Phía trong tường, một bên cột màn bị sút đinh lòng thòng dây nhợ. Đảo mắt về góc soạn giáo án của vợ, anh bắt gặp chiếc chân bàn được kê trên mảnh ngói vỡ. Bật dậy như phải bỏng, Hoàng vội tìm búa, tìm cưa lúi húi tra lại mộng giường, sửa lại cọc màn rồi khéo léo táp một mẩu gỗ chắc chắn vào chiếc chân bàn cho vợ. Sẵn trớn, Hoàng kê ghế lau bụi trên chiếc quạt trần, thay chiếc bóng điện cháy, rồi quay ra dọn sạch những mảng rêu trơn trượt trên lối đi. Toàn là việc dành cho đàn ông nhưng lâu nay anh đã để Thu phải gánh vác một mình.

Nhanh tay cắt tỉa mấy chậu cây cảnh, thay khay nước cho đàn bồ câu xong, Hoàng dồn sức kéo căng sợi dây phơi ngoài sân… Bỗng có tiếng tếu táo của mấy cô giáo trẻ ngang qua:

- Anh bộ đội ơi, đảm đang thế thì đắt khách phải biết. Đã có người “phụ trách” chưa anh?

- Thạo việc nhà thế kia thì chắc có người “nâng khăn, sửa túi” từ Tết Công Gô rồi, bớt mơ hão đi các nàng ơi.

Một cô khác reo lên

- Tưởng ai, đây là phu quân của cô giáo Thu đấy. Anh về ăn Tết sớm đấy ư?

- Ôi, chị Thu tốt số thật. Bộ đội mà lấy giáo viên là nhất rồi. Nếu có kiếp sau, em cũng xin được chọn bộ đội làm chông đấy ạ.

Trước các cô gái mồm miệng như tép nhảy, Hoàng chỉ biết ngoác miệng ra cười, chiếc răng cửa thưa thếch khiến gương mặt anh mang vẻ sinh động rất duyên. Họ đã đi khuất đằng sau bể nước, vẫn còn quẳng lại phía sau vài câu đùa tếu:

- Vừa mới hết gió mùa Đông Bắc, áp thấp lại tràn đến xóm “nhà lá” chúng ta rồi. Về lồng thêm chăn đi các chị ơi!

- Không phải áp thấp, mà là bão cấp 8 đổ bộ đấy. Nhớ chằng néo nhà mình cho chắc nha anh bộ đội!

Hoàng lắc đầu: Đến chịu mấy cô “nuôi dạy hổ” này thật. Nhưng anh lại tự nhủ, Thu của anh sẽ đơn độc biết bao nhiêu nếu không có những người đồng nghiệp thân thiện thế này.

Cũng đã gần trưa, anh rửa tay, khép cửa rồi xách làn ra chợ. Loáng một cái, mâm cơm có đủ thịt kho, canh cải, tôm rim đã tươm tất. Thu dắt con về đến cửa, nhìn thấy chồng cô như người bước hụt. Hoàng ngoác miệng cười rồi dang rộng vòng tay. Thu ào đến, cắn mạnh vào vai anh, đôi mắt ngân ngấn nước, mặc cho bé Nhím cứ hết chạy đằng trước rồi lại vòng đằng sau giật giật gấu áo bố mẹ. Đến khi con bé phải níu tay bố, đu hẳn người lên Hoàng và Thu mới như sực tỉnh. Để tạ lỗi, Hoàng nâng bổng con gái lên, xoay tròn vài vòng khiến bé Nhím bật cười khanh khách. Trong se sắt gió mùa, căn phòng nhỏ của họ bỗng nhiên ấm sực.   

Nhìn quanh, nhận ra những thay đổi trong tổ ấm của mình, Thu tin cậy áp mặt vào vồng ngực săn chắc của chồng, đôi mắt chứa chan yêu thương. Với cô, hạnh phúc tuy giản dị nhưng là điều có thật. Tranh thủ những ngày phép ít ỏi, Hoàng đưa vợ con về thăm ông bà, đi thăm thú bạn bè và tự tay nấu những món ăn mà vợ con anh rất thích. Đó thật sự là những ngày đoàn viên ấm áp.

Thời gian trôi nhanh như bóng nắng qua thềm, mới đó mà ngày Hoàng trở lại đơn vị đã gần kề. Biết nói thế nào với Thu khi anh không thể ở bên vợ con trong những ngày vui Xuân, đón Tết? Đêm cứ dần trôi đi, ngoài kia, những cơn gió cuối Đông vẫn ào ào đuổi nhau trên vòm lá. Thu nép sát vào chồng, gương mặt ngời lên niềm hạnh phúc. Đôi lúc như vô thức, cô vòng tay ôm siết lấy anh. Cử chỉ này khiến anh có cảm giác, cô sợ lơi tay ra là anh biến mất. Chính điều đó càng khiến anh khó mở lời. Trằn trọc đến gần sáng Hoàng mới thiếp đi. Khi anh dậy thì Thu đã lên lớp. Khoảng giường trống còn nguyên hơi ấm của cô bỗng hiện diện một cuốn sổ nhỏ. Trong đó là những dòng nhật ký Thu viết cho riêng chồng. Càng đọc, anh càng thấm thía những hy sinh thầm lặng và sự thấu hiểu, chia sẻ của vợ:

“Đã xác định từ trước, lấy chồng là bộ đội, em phải vừa làm mẹ vừa làm cha nuôi con khôn lớn. Vừa làm dâu vừa làm con lo toan nội ngoại cho vẹn tròn. Đôi lúc thấy trách nhiệm sao quá nặng. Anh thì biền biệt xa nhà, đôi vai em thì mềm yếu…”; “Vẫn biết anh cũng vì nhiệm vụ, nhưng em vẫn thấy tủi thân mỗi ngày nghỉ lễ. Ngày ấy, người ta tay trong tay cùng nhau du ngoạn, em chỉ có một mình bầu bạn với con thơ. Em nằm đếm từng ngày trôi qua, trông ngóng đợi anh về. Nỗi nhớ dường như ngày càng đầy hơn, nhiều khi lại cồn lên, khắc khoải…”. “Sự xa cách càng làm cho tình cảm vợ chồng mình thêm gắn bó. Không có nhiều thời gian dành cho nhau, không được sớm tối cận kề bên nhau, em càng muốn nâng niu, trân trọng những giây phút hiếm hoi gia đình đoàn tụ...”

Ở một trang khác, cô tô đậm những dòng tâm sự: “Vợ bộ đội làm gì cũng chỉ một mình. Ăn một mình, ngủ một mình, thức cũng một mình. Ngay cả lúc con ốm đau cũng chỉ có một mình. Nhưng làm vợ bộ đội em đã xác định: Không ngủ sớm, không dậy trễ. Phải tập dần thói quen ít nói nhớ chồng, ít ca cẩm than vãn ỉ ôi. Nhất định không để chồng phải lo lắng, phân tâm khi thực hiện nhiệm vụ của một người lính… Đây cũng là cách thể hiện tình yêu của riêng em khi quyết định lấy chồng là bộ đội… ”

Ngờm ngợp trong Hoàng là muôn vàn cảm xúc khó gọi thành tên. Với anh, Thu luôn là những bất ngờ đầy thú vị. Anh nắn nót viết vào cuối dòng nhật ký của vợ những lời gan ruột: “Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác, nhưng bù lại, chúng ta sẽ trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn, phải không vợ yêu của anh?

Trong nhật ký tình yêu của họ, đã có thêm một mùa Đông ấm áp.

Truyện ngắn của QUỲNH VÂN

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website