Kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Nhà máy A32 (18/6/1966-18/6/2016):
50 năm làm theo lời Bác
Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, Đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc ngày càng khốc liệt. Để đáp ứng yêu cầu sửa chữa, hồi phục các máy bay chiến đấu của Không quân ta, ngày 18/06/1966, Nhà máy A32, Cục Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ (tiền thân là đơn vị sửa chữa máy bay phản lực C17 thuộc Xưởng A33) được thành lập theo Quyết định số 995/TM-QL của Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ.
Ngày 25/9/1966, Nhà máy vinh dự lớn được đón Bác Hồ đến thăm. Bác ân cần căn dặn: “Các chú làm công tác khoa học kỹ thuật phải cố gắng học văn hóa, phải thực sự đoàn kết nhất trí trong đơn vị, phải nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật thì sửa chữa máy bay mới tốt, tránh được sai sót, phục vụ chiến đấu thắng lợi…”.
Trải qua 50 năm học tập và làm theo lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ, QNCN, CNVQP của Nhà máy luôn ra sức xây dựng, phục vụ chiến đấu và trưởng thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nhà máy phải sơ tán, di chuyển nhiều lần trên địa bàn các tỉnh thành Hà Nội, Yên Bái, Phú Thọ. Trong điều kiện hết sức khó khăn, vừa học tập, nghiên cứu vừa cơ động tránh các cuộc oanh tạc của Không quân Mỹ, trình độ còn hạn chế, song nhờ ý chí quyết tâm, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân Nhà máy đã phối hợp với các chuyên gia triển khai dây chuyền công nghệ sửa chữa hàng không khép kín đầu tiên và chạy thử an toàn.
Thực hành sửa chữa máy bay S-27 tại Phân xưởng 6, Nhà máy A32. Ảnh: HỮU LỆ
Ngày 21/9/1972, chiếc máy bay MiG-17 kiểu 56 số 3005 đầu tiên sửa chữa lớn tại Nhà máy được phi công Nguyễn Văn Lục bay thử thành công tại Sân bay Yên Bái. Phát huy kết quả đó, Nhà máy đã tổ chức sửa chữa và bố trí lực lượng cơ động đến các sân bay Gia Lâm, Hòa Lạc, Kép, Yên Bái, Nội Bài… sửa chữa khí tài dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù, phục vụ kịp thời cho các đơn vị chiến đấu.
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, Nhà máy đã di chuyển hàng nghìn cây số đến các cơ sở mới để xây dựng và phát triển công nghệ mới. Từ năm 1978 đến nay, theo yêu cầu của trên, Nhà máy di chuyển vào Sân bay Đà Nẵng tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, tiếp thu các dây chuyền công nghệ sửa chữa các loại máy bay phản lực phục vụ cho các đơn vị không quân làm nhiệm vụ SSCĐ, chiến đấu. Nhà máy đã triển khai thành công liên tiếp các dự án sửa chữa máy bay MiG-21Bis, Su-22M, Su-27 như: Dự án “Sửa chữa máy bay phản lực chiến đấu”, Dự án “Sửa chữa, tăng tổng niên hạn có chọn lọc và sửa chữa đồng bộ một số loại máy bay chiến đấu của Quân chủng PK-KQ”, Dự án “Sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn máy bay Su-27, sửa chữa cục bộ Su-30”. Nhà máy đã sửa chữa và tăng hạn hơn 500 lượt máy bay với 14 kiểu loại: MiG-17, UMiG-15, L-29, MiG-21, Su-22M/UM, Su-22M4/UM3K. Ngày 14/5/2016, máy bay Su-27UBK số hiệu 8526 đầu tiên được sửa chữa lớn, tăng tổng niên hạn sử dụng lên trên 20 năm đã bay thử thành công và bàn giao cho đơn vị bạn đảm bảo chất lượng tốt. Ngoài ra, Nhà máy còn sửa chữa hàng chục ngàn phụ tùng thiết bị lẻ cho các đơn vị (trong đó có Su-30) và sản xuất hàng trăm ngàn chi tiết vật tư kỹ thuật hàng không; tiết kiệm cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Những năm qua, Nhà máy đã phát huy tốt truyền thống “Tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”, xây dựng Đảng bộ TSVM, xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị. Thường xuyên nâng cao chất lượng huấn luyện, tự đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; duy trì nghiêm túc xây dựng chính quy, quản lý rèn luyện kỷ luật. Quan tâm thường xuyên đến hoạt động Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là công tác chính sách. Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, CNVQP từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân ngày càng được tăng lên, chỉ tính riêng năm 2015 là 14 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, trung tâm Nhà máy đã tích cực làm tốt công tác dân vận, giúp đỡ nhân dân xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cơ sở chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh địa phương vững mạnh.
50 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Nhà máy đã được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Ba về thành tích phục vụ chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; được Đảng, Nhà nước, Quân đội... tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, 1 Huân chương Lao động hạng Ba; được Thủ tướng chính phủ tặng Bằng khen; 6 lần Nhà máy được nhận Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng; 11 lần được nhận cờ thi đua của Quân chủng; 2 lần được Đảng ủy Quân sự Trung ương tặng Cờ “Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu” 5 năm liền; 4 lần được tặng Cờ của các bộ ngành trung ương và nhiều phần thưởng cao quý khác; nhiều năm liền Đảng bộ Nhà máy đạt TSVM, Nhà máy được tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”.
Thời gian tới, Nhà máy tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án đầu tư công nghệ sửa chữa máy bay Su-27, Su-30 giai đoạn 3; quán triệt sâu sắc tình hình, nhiệm vụ, đoàn kết, khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao, xây dựng Đảng bộ TSVM, Nhà máy VMTD.
Đại tá TRƯƠNG MINH ĐỨC
(Giám đốc Nhà máy A32)