15 giờ:26 phút Thứ sáu, ngày 12 tháng 3 , 2021

Tự hào truyền thống Đoàn Không quân Thăng Long anh hùng, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, chiến đấu trong giai đoạn mới

Ngày 24-3-1967, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 014/QĐ-QP thành lập Bộ Tư lệnh Không quân. Thi hành quyết định này, ngày 1-5-1967, Đại tá Phùng Thế Tài - Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) ký Quyết định số 492/TM-QL ghi rõ: Bộ Tư lệnh Không quân mang phiên hiệu công khai là Sư đoàn 371.

Tự hào truyền thống Đoàn Không quân Thăng Long anh hùng, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu trong giai đoạn mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Đoàn Không quân Sao đỏ ( tháng 2 năm 1967). 
Ảnh tư liệu.

Trưởng thành trong chiến đấu

Ngay sau khi thành lập, tuy lực lượng còn ít, vũ khí, trang bị chưa nhiều, nhưng Sư đoàn đã nhanh chóng vừa ổn định tổ chức, vừa tích cực chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Chưa đầy một tháng sau ngày thành lập, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng; sự mưu trí, dũng cảm của đội ngũ cán bộ, phi công, nhân viên, chiến sĩ; Sư đoàn đã chỉ huy các đơn vị xuất kích chiến đấu 12 trận, bắn rơi 14 máy bay hiện đại của địch. Chỉ tính riêng năm 1967, Sư đoàn đã xuất kích bắn rơi 97 máy bay gồm nhiều kiểu loại hiện đại của địch. Nhiều phi công đã trở thành những tấm gương sáng của Không quân nhân dân Việt Nam.

Từ năm 1967 đến 1972 là thời kỳ ác liệt nhất trong chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta. Phải đương đầu với không quân Mỹ được trang bị kỹ thuật hiện đại, nhiều kinh nghiệm chiến đấu; nhưng lớp lớp cán bộ, phi công của Sư đoàn đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, sáng tạo nhiều cách đánh thông minh, táo bạo để càng đánh càng trưởng thành, càng đánh càng thắng. Với tinh thần “Dám đánh, biết đánh và biết thắng”, Sư đoàn đã đánh địch cả trên không, trên biển, trên đất liền; đánh cả ban ngày và ban đêm… để bảo vệ miền Bắc, bảo vệ giao thông vận tải trên tuyến đường Hồ Chí Minh, bảo vệ bộ đội binh chủng hợp thành trong các chiến dịch lớn của ta và trên chiến trường của Lào, Campuchia, đồng thời làm nhiều nhiệm vụ bảo đảm khác.

Đặc biệt, trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội cuối tháng 12-1972, chiều 27-12, phi công Phạm Tuân được lệnh dùng MiG-21 cất cánh từ Sân bay Nội Bài cơ động lên Sân bay Yên Bái; lúc 22 giờ 22 phút, phi công Phạm Tuân cất cánh từ Sân bay Yên Bái, được sự dẫn dắt của các đài chỉ huy đã phát hiện và bắn rơi 1 máy bay B-52 của địch, sau đó đưa máy bay về hạ cánh an toàn. Tiếp đó, đêm 28-12, phi công Vũ Xuân Thiều cất cánh từ Sân bay Cẩm Thủy, Thanh Hóa tiếp tục bắn rơi 1 máy bay B-52 của địch, nhưng do cự ly quá gần sau khi công kích tiêu diệt mục tiêu, anh đã anh dũng hi sinh. Với chiến công bắn rơi máy bay chiến lược B-52, Bộ đội Không quân đã cùng quân dân miền Bắc đánh bại cuộc tập kích chiến lược đế quốc Mỹ, góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, năm 1975, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, cùng với các cánh quân thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn, một bộ phận cán bộ, phi công, chiến sĩ của Sư đoàn đã được lệnh tiếp nhận máy bay thu được của địch để tham gia chiến đấu. Chỉ sau 6 ngày tổ chức huấn luyện chuyển loại khẩn trương, chiều 28-4-1975, “Phi đội Quyết thắng” gồm các phi công: Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng, Nguyễn Thành Trung bất ngờ cất cánh từ Sân bay Phan Rang tập kích Sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy 24 máy bay, loại khỏi vòng chiến đấu nhiều sinh lực địch, góp phần quan trọng vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau năm 1975, Sư đoàn tiếp tục tham gia cùng với các lực lượng bước vào cuộc chiến đấu mới, hiệp đồng cùng với các đơn vị bạn truy quét tàn quân địch bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam của Tổ quốc và chi viện cho chiến trường Campuchia góp phần giúp bạn thoát khỏi nạn diệt chủng.

Tự hào truyền thống Đoàn Không quân Thăng Long anh hùng, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu trong giai đoạn mới.
Lực lượng kỹ thuật chuẩn bị máy bay trước giờ huấn luyện.

Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các đơn vị của Sư đoàn đã xuất kích chiến đấu 1.284 lần chuyến, đánh gần 400 trận, bắn rơi 320 máy bay Mỹ, gồm 19 kiểu loại, trong đó có 2 chiếc B-52, đánh chìm và bắn hỏng nhiều tàu chiến, tiêu diệt nhiều sinh lực và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, thu hồi nhiều trang bị vũ khí, cơ sở vật chất kỹ thuật của địch. Với những chiến công đã đạt được, ngày 31-12-1982, Sư đoàn Không quân 371 đã vinh dự được Nhà nước tuyên dương “Đơn vị anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”; 19 lượt tập thể, 64 cá nhân được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, trong đó có 3 tập thể được tuyên dương 2 lần và 1 tập thể được tuyên dương 3 lần, 1 đồng chí được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng Lao động”, Sư đoàn được tặng thưởng 1 Huân chương Độc lập hạng nhất, gần 600 lượt cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công các loại, 248 Huy hiệu Bác Hồ và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện trong tình hình mới

Kế thừa và phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 371 luôn quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ); huấn luyện bay, bảo đảm an toàn bay; đề ra nhiều chủ trương, biện pháp, lãnh đạo, chỉ đạo sâu đúng, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đối với nhiệm vụ SSCĐ, Sư đoàn và các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, bổ sung, luyện tập thuần thục các kế hoạch SSCĐ; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ SSCĐ ở các cấp, tích cực tổ chức và tham gia diễn tập hiệp đồng với các quân binh chủng chất lượng tốt, bảo đảm an toàn tuyệt đối; bảo đảm đầy đủ, đồng bộ vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT), các loại vật chất, phương tiện cho nhiệm vụ SSCĐ, duy trì thông tin liên lạc thông suốt, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ.

Tự hào truyền thống Đoàn Không quân Thăng Long anh hùng, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu trong giai đoạn mới.
Phi công tiếp thu máy bay thực hiện nhiệm vụ huấn luyện

Trong công tác huấn luyện, Sư đoàn 371 luôn quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết 765 của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo”, Nghị quyết 227-NQ/ĐU của Đảng ủy Quân chủng về “Tăng cường lãnh đạo công tác huấn luyện, bảo đảm an toàn bay và đấu tranh phòng ngừa tai nạn bay”; thực hiện tốt phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm”, bám sát các quy định của Điều lệ bay, Điều lệ an toàn bay của Không quân nhân dân Việt Nam và Điều lệ công tác chuyên ngành; các chỉ thị, ý kiến chỉ đạo của Quân chủng để chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị lập kế hoạch năm, quý, tháng và từng ban bay với nội dung, biện pháp, chỉ tiêu cụ thể. Cùng với đó, quán triệt và thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn trong huấn luyện bay, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, quân sự; Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 371 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, động viên bộ đội, nhất là chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ phi công và nhân viên bảo đảm nêu cao tính trung thực, thận trọng, tỉ mỉ, khoa học, chính xác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đơn vị đã duy trì chặt chẽ, nghiêm túc nền nếp chế độ trong các giai đoạn bay. Công tác kiểm tra theo phân cấp cũng được tiến hành thường xuyên, khắc phục kịp thời, triệt để các hỏng hóc khi được phát hiện; kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến uy hiếp ATB hoặc mất ATB từ mỗi thành viên, mỗi bộ phận trong công tác chuẩn bị bay cũng như trong thực hành bay.

Tự hào truyền thống Đoàn Không quân Thăng Long anh hùng, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu trong giai đoạn mới.
Máy bay Sư đoàn 371 thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ huấn luyện mặt đất luôn được quan tâm tổ chức chặt chẽ; hằng năm toàn Sư đoàn đã chủ động lập kế hoạch huấn luyện, đầu tư xây dựng, củng cố thao trường, bãi tập; làm mới mô hình học cụ; quan tâm tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ; tích cực tổ chức và tham gia các hội thi, hội thao. Trong huấn luyện, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu; vận dụng tốt các quan điểm, nguyên tắc và các mối kết hợp; tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, tăng cường kiểm tra rút kinh nghiệm, khắc phục những mặt còn yếu ở từng cấp. Qua đó, chất lượng huấn luyện của đơn được nâng lên rõ rệt; qua các đợt kiểm tra của cấp trên đánh giá Sư đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều đơn vị đạt “Đơn vị huấn luyện giỏi”. Năm 2020, Sư đoàn được Bộ Tư lệnh Quân chủng tặng cờ thi đua vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Tự hào với truyền thống 54 năm xây dựng, chiến đấu, và trưởng thành, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 371 nguyện luôn luôn đoàn kết; ra sức thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ bảo vệ vững chắc vùng trời, biển, đảo được giao trong mọi tình huống. Trước tiên là nhiệm vụ SSCĐ, huấn luyện bay và bảo đảm an toàn bay năm 2021. 

NGUYỄN THANH BÌNH
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website