10 giờ:51 phút Thứ sáu, ngày 8 tháng 4 , 2016

"Mũi tiến công thứ sáu"

"Mũi tiến công thứ sáu"

Được mệnh danh là “Mũi tiến công thứ sáu”, chiều ngày 28/4/1975, bằng 5 chiếc máy bay A-37 thu được của địch, Phi đội Quyết thắng đã làm nên trận đánh có một không hai trong lịch sử: Đánh thẳng vào sào huyệt của kẻ thù, phá hủy nhiều máy bay địch, làm tê liệt hoàn toàn phi trường Tân Sơn Nhất, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

 Đồng chí Phạm Ngọc Lan - người trực tiếp nhận “lệnh” bí mật vào Sân bay Đà Nẵng nghiên cứu chọn lựa một số máy bay A-37 thu được của địch, khẩn trương đào tạo phi công, chuẩn bị đi làm nhiệm vụ đặc biệt kể lại: Ngày 8/4/1975, một chiếc máy bay F-5 của Không quân Ngụy đã bất ngờ ném bom xuống Dinh Độc Lập khiến chúng hết sức hoang mang. Địch càng suy sụp hơn khi được biết Trung úy Nguyễn Thành Trung - người vừa giáng cho chúng một đòn chí mạng chính là một đảng viên của ta hoạt động từ lâu trong Không quân Ngụy. Sau sự kiện này, ý định thành lập mũi tiến công “vàng” đã được nhen nhóm. Và khi 5 cánh quân của ta tiến vào Sài Gòn với một khí thế thần tốc, quyết thắng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh Quân chủng đã quyết định dùng máy bay thu được của địch để đánh địch. Đây là mũi tiến công thứ sáu của chiến dịch. Nhiệm vụ này được giao cho các phi công của Trung đoàn Không quân 923, nòng cốt là Đại đội 4. Lực lượng phi công được biên chế thành phi đội mang tên Phi đội “Quyết thắng”, do Thượng úy Nguyễn Văn Lục làm Phi đội trưởng, Thượng úy Trần Cao Thăng - Chính trị viên và Thượng úy Từ Đễ - Phi đội phó. Trong các thành viên Phi đội Quyết thắng có 2 phi công Ngụy là Nguyễn Văn On và Trần Văn Xanh được giác ngộ đã tình nguyện đứng trong hàng ngũ ta.

Đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khen ngợi các phi công "Phi đội Quyết thắng".  (Ảnh Tư liệu)

Trong vai trò thành viên của Đội đặc nhiệm kỹ thuật Không quân, Đại tá Nguyễn Đình Thủy chia sẻ: Ngay sau khi Thành phố Đà Nẵng được giải phóng, chúng tôi nhận lệnh vào tiếp quản máy bay và vũ khí trang bị. Sau 10 ngày khẩn trương làm việc, những chiếc máy bay A-37 đã được hồi phục xong. Sau bay thử nghiệm cho kết quả rất tốt. Trên cơ sở đó, ngày 16/4, Bộ Quốc phòng đã đồng ý phương án sử dụng máy bay A-37 làm nhiệm vụ tập kích đường không.

Đại tá Hán Văn Quảng - một trong 6 thành viên của Phi đội Quyết thắng năm xưa nhớ lại: Lúc đó tôi đang trực bay đêm ở Sân bay Đồng Hới (Quảng Bình), nhận nhiệm vụ thiêng liêng này, tôi vừa tự hào nhưng vẫn có phần lo lắng. Để chuyển loại từ lái MiG-17 sang MiG-21 chúng tôi phải mất 3 tháng. Bây giờ với thời lượng vẻn vẹn có 5 ngày, đó quả là một áp lực không nhỏ. Thế nhưng, với quyết tâm cao và tinh thần vượt khó, chúng tôi đã làm được cái điều tưởng chừng như không thể ấy. Còn về thực hành, cũng chỉ vẻn vẹn có 3 chuyến: 1 chuyến bay cùng phi công Ngụy được ta giác ngộ, 1 chuyến bay với nhau và 1 chuyến chuyển trường.

"Phi đội Quyết thắng" trở về sau trận đánh chiều 28/4/1975.  (Ảnh Tư liệu)

Đồng chí Nguyễn Văn Lục - nguyên Phi đội trưởng Phi đội Quyết thắng cũng chia sẻ: Khóa học chuyển loại máy bay A-37 “thần tốc” diễn ra trong 2 ngày rưỡi với 2 giờ thực hành bay trước khi ném bom vào Sân bay Tân Sơn Nhất, quả thật rất khó quên. Thời gian gấp rút nên ai cũng cố gắng tập trung, tranh thủ mọi thời điểm để ôn luyện, hình dung các phím công tắc, trình tự một chuyến bay và những lỗi gặp phải khi bay… Và cho đến tận bây giờ, sau 40 năm diễn ra trận đánh tôi vẫn không thể nào quên được tiếng nói sang sảng âm vang của Đại tá Lê Văn Tri - lúc ấy đang là Tư lệnh Quân chủng dặn dò anh em trước giờ xuất kích. Vẫn cái dáng kiêu hùng, hào hoa của thời hoa lửa, cựu phi công Từ Đễ - nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu bộc bạch: Rất tự hào và hãnh diện khi trận đánh của Phi đội Quyết thắng vào chiều 28/4/1975 trên sân bay Tân Sơn Nhất đã giáng cho đối phương một đòn bất ngờ.

QUỲNH VÂN (tổng hợp)

 

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website