16 giờ:5 phút Thứ bảy, ngày 12 tháng 9 , 2020

Nước Nga - Ký ức trái tim

Ngay sau Đại hội thành lập Chi hội Hữu nghị Việt - Nga của Quân chủng PK-KQ, vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 102 năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga, hơn 100 hội viên của Chi hội là cán bộ, cựu chiến binh của Quân chủng, những người đã từng có thời gian công tác, học tập tại nước Nga và cả những người đã có cơ hội được làm việc với chuyên gia Nga trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã hội tụ về tham dự cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa.

Nước Nga - Ký ức trái tim
Các chuyên gia Nga hướng dẫn bộ đội pháo cao xạ sử dụng khí tài.
Ảnh tư liệu.

Để  đến  với  cuộc  gặp  mặt Thiếu  tá  Nguyễn  Văn  Tái  - Nguyên Trợ lý Phòng Kỹ thuật Sư đoàn 371 đã bắt xe từ Thanh Hóa đi sớm để ra Hà Nội gặp gỡ bạn bè và các đồng nghiệp. Gặp lại Thiếu tá Trương Bá Cao - Cựu sĩ quan chuyên ngành kỹ thuật máy  bay  động  cơ  Trung  đoàn 921, cả hai cựu chiến binh già cùng reo lên mừng rỡ, ôm chầm lấy  nhau.  Những  câu  chuyện như dài vô tận về ký ức những ngày  chiến  tranh  ác  liệt,  bom đạn nhưng họ cùng các chuyên gia Nga vẫn kiên cường bám trụ sân bay, kịp thời sửa chữa những hỏng hóc để đồng đội cất cánh bay lên chiến đấu, tiêu diệt máy bay Mỹ. Ông Cao bồi hồi kể lại: Ông  nhập  ngũ  năm  1960,  ban đầu ở đơn vị Hải Quân, đến năm 1965  được  chuyển  về  Quân chủng  Không  quân  và  được tuyển đi học hệ cao đẳng tại Học viện Kỹ thuật Không quân Kras-no-da.  3  năm  được  sinh  sống, học tập tại nước bạn là quãng thời  gian  không  thể  nào  quên trong cuộc đời ông. Hơn nửa thế kỷ đã qua đi, nhưng những tình cảm, sự quan tâm tạo mọi điều kiện tốt nhất, đặc biệt nhất của những người bạn Nga dành cho các học viên đến từ Việt Nam và Cu Ba vẫn luôn ăm ắp trong tim ông. Nhớ những ngày cuối tuần được người thầy đáng kính là Đại tá  Be-tờ-rơ-cốp  (thầy  giáo  dạy bộ môn Máy bay động cơ) mời ra nhà, thầy trò cùng nấu nướng, liên hoan với nhau rất gần gũi, thân thuộc. Có lần khi thầy trò ngồi quây quần bên lò sưởi, ông trầm ngâm nói với các học viên Việt Nam: “Các em chưa phải là anh hùng, nhưng để xa Tổ quốc, xa gia đình đến đây học tập thế này đã là anh hùng rồi. Hãy cố gắng  thu  nạp  thật  nhiều  kiến thức để về phụng sự Tổ quốc và Nhân dân nhé”.

Còn với cựu chiến binh Trần Văn Vân - nguyên là Nhân viên phiên dịch Ban Tham mưu Trung đoàn 921, tuy chỉ có 5 năm ngắn ngủi  công  tác  tại  đơn  vị  quân đội,  nhưng  ông  cho  rằng  mình may mắn vì đã được góp sức với các phi công kỳ cựu của Quân chủng  và  các  chuyên  gia  Nga trong  đợt  chuyển  loại  từ  máy bay MiG-17 sang Máy bay MiG-21. Những năm cao điểm địch đánh  phá  miền  Bắc  (từ  năm 1965 đến 1970), ông Trần Văn Vân đã thường xuyên ngồi cùng các thầy phi công người Nga và các phi công của ta trên buồng lái máy bay để phiên dịch các bài chuyển loại khí tài. Khi các phi  công  xuất  kích  chiến  đấu, các  chuyên  gia  Nga  cũng  liên tục ngồi theo dõi tại Sở chỉ huy. Trong  những  năm  tháng  chiến tranh, đời sống vật chất vô cùng khó khăn, các chuyên gia Nga luôn đồng cam cộng khổ cùng các  cán  bộ,  chiến  sĩ  và  nhân dân Việt Nam. Họ cùng với anh em bộ đội ra các nhà dân vùng lân  cận,  cùng  ăn  củ  khoai,  củ sắn, quả dứa, múi bưởi rất dân dã.  Sau  5  năm  phục  vụ  trong quân ngũ, năm 1970 ông Trần Văn  Vân  chuyển  công  tác  về Tổng  công  ty  Thép  Việt  Nam. Ông tâm sự với giọng nhiều tiếc nuối:  “Những  năm  tháng  công tác trong ngành Thép, rất nhiều lần tôi có cơ hội sang nước Nga công tác và cũng đã nhiều lần đi tìm gặp các chuyên gia Nga đã gắn bó trong những năm tháng gian  khổ  ấy  mà  không  gặp  lại được  ai.  Khi  Chi  hội  Hữu  nghị Việt Nga của Quân chủng được thành  lập,  tôi  cũng  tham  gia sinh hoạt ngay mặc dù hiện tôi cũng đang là Ủy viên ban chấp hành Trung ương Hội Hữu Nghị Việt - Nga và là Chi hội Trưởng chi hội Hữu nghị Việt - Nga của Tổng cục Thép. Mong rằng qua các hoạt động của các đồng chí tại Quân chủng sẽ có thể kết nối để anh em chúng tôi có cơ hội gặp lại những người thầy, những người bạn Nga chân quý đã kề vai sát cánh cùng chúng ta trong những  tháng  năm  ác  liệt  của chiến tranh”.

Không chỉ với cựu chiến binh Tái cựu chiến binh Vân mà mỗi cựu chiến binh về dự cuộc gặp mặt hôm nay vẫn ắp đầy trong tim những ký ức, những kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ về đất nước Nga tươi đẹp với bề dày văn hóa, lịch sử và những con người bình dị, chân tình. Những người thầy đến từ nước Nga họ không chỉ truyền dạy  cho  ta  kiến  thức,  cách  sử dụng khí tài được nước Nga viện trợ, mà còn sát cánh cùng ta trên chiến hào và rất nhiều chuyên gia đã hi sinh xương máu trong cuộc chiến đấu với giặc Mỹ.

Phát biểu tại buổi gặp mặt ý nghĩa  này,  Anh  hùng  LLVTND, Đại  tá  Nguyễn  Quang  Hùng  - nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân  chủng,  Chủ  tịch  Chi  hội Hữu nghị Việt - Nga của Quân chủng  PK-KQ  đã  khẳng  định: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ  cứu  nước,  hàng  nghìn  cán bộ, học viên của Quân chủng đã được đào tại Liên Xô (trước đây). Với  tinh  thần  quốc  tế  vô  sản, người bạn lớn chẳng những viện trợ cho ta về trang bị vũ khí để đánh Mỹ mà còn cử các chuyên gia sang giúp ta đánh Mỹ. Tính từ năm 1953 - 1991, nước bạn đã giúp Quân chủng hàng nghìn bộ pháo cao xạ, hàng trăm bộ khí tài lên lửa và trên một nghìn máy  bay  các  loại. Các chuyên gia Liên Xô luôn là những tấm gương  sáng  cho  chúng  ta  học tập. Nhiều đồng chí đã anh dũng hi sinh trên những trận địa chiến đấu ác liệt. Không phụ tấm lòng của họ, những cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng đã phát huy một  cách  sáng  tạo  trong  suốt cuộc chiến tranh tới trận quyết chiến  chiến  lược  12  ngày  đêm tháng Chạp năm 1972 tại Hà Nội, góp phần quyết định “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”.

Trong  thời  gian  tới,  Chi  hội tiếp  tục  tăng  cường  đóng  góp mở rộng quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân và quân đội  hai  nước  Việt  Nam  -  Liên bang Nga, củng cố và phát triển công tác đối ngoại, văn hóa, du lịch... vì lợi ích của nhân dân hai nước,  vì  hòa  bình,  hợp  tác  và phát triển.

BÍCH PHƯỢNG
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website