Tăng gia ở Trạm ra đa 34
Từ TP Hồ Chí Minh, phải mất gần 4 giờ di chuyển bằng ô tô chúng tôi mới đến được Trạm Ra đa 34, Trung đoàn 294, Sư đoàn 367. Chính vì thế, thời điểm chúng tôi vừa đến cũng là lúc cán bộ, chiến sĩ ở đây bước vào giờ ăn trưa. Trên mâm cơm của bộ đội, những khẩu phần ăn được bày biện đẹp mắt với đủ các món theo đúng thực đơn được ghi trên bảng, đặc biệt là món thịt lợn rừng lai luộc và món thịt gà ta kho gừng tỏa mùi thơm hấp dẫn. Một chiến sĩ nuôi quân cho biết, tất cả các món ăn đều là sản phẩm tăng gia của đơn vị. Điều đó làm chúng tôi không khỏi tò mò.
Chăn nuôi lợn rừng lai ở Trạm Ra đa 34.Được tham quan hệ thống vườn-ao-chuồng của đơn vị, chúng tôi thật sự ấn tượng với kết quả tăng gia, chăn nuôi của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Như nhiều đơn vị khác, Trạm Ra đa 34 phát triển chăn nuôi lợn rừng lai và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Theo Đại úy Trịnh Trường Giang - Phó Trạm trưởng, từ khi dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên địa bàn, đơn vị không nhập thịt lợn từ bên ngoài, tất cả thịt lợn cung cấp cho bữa ăn hàng ngày của bộ đội đều là thịt lợn rừng lai do đơn vị nuôi. Thời điểm chúng tôi đến, trong chuồng còn hơn 60 con lợn thịt và lợn nhỏ. Trong đó có 15 con lợn nái cung cấp lợn giống cho đơn vị và một số đơn vị bạn. Khu vực nuôi lợn rừng lai tuy diện tích không lớn nhưng được tích hợp thêm giàn mướp ở phía trên. Việc này vừa tận dụng được diện tích đất làm giàn, vừa tạo bóng mát cho chuồng trại gia súc.
Bên cạnh việc chăn nuôi lợn rừng lai, Trạm Ra đa 34 còn phát triển chăn nuôi gà ta lấy thịt và đào ao thả cá. Từng đến nhiều trạm ra đa nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy một trạm ra đa phát triển mô hình chăn nuôi gà thả vườn tập trung một cách quy củ, mang lại hiệu quả cao. Trong khu đất rộng gần một sào Nam Bộ xung quanh được quây lưới cao, phần lớn diện tích là đất trống hoặc cây bụi nhỏ là nơi gà chạy nhảy, kiếm mồi. Khu chuồng nuôi thả gà lớn có diện tích chừng 70m2 được lợp và vây kín bằng tôn, bên trong bắc giàn bằng những cành cây nhỏ làm nơi gà đậu vào ban đêm. Còn gà con được nuôi úm trong các chuồng kín gió ở một khu vực riêng. Thức ăn của gà chủ yếu là thóc gạo nên thịt rất chắc và thơm. Thời điểm chúng tôi đến, đàn gà của đơn vị có hơn 200 con, mỗi con chừng 1,2 đến 1,5kg. Nuôi cá cũng mang lại nguồn thu đáng kể cho đơn vị; với 2 ao cá có tổng diện tích mặt nước gần 3 sào Nam Bộ, đơn vị đã thả nhiều loại cá nước ngọt khác nhau, mỗi năm cho thu hoạch hơn 2,5 tấn cá.
So với chăn nuôi, trồng rau xanh ở đây ít thuận lợi hơn, vườn rau xanh của Trạm có diện tích chưa đầy một sào Nam Bộ. Mặc dù diện tích khiêm tốn nhưng cán bộ, chiến sĩ lại biết cách thâm canh, tăng gia gối vụ nên vẫn đáp ứng đủ nhu cầu rau xanh cho bữa ăn hàng ngày. Ban đầu vườn tăng gia rau xanh là khu đất pha cát bạc màu, nhiễm phèn. Bộ đội phải mất rất nhiều thời gian, công sức để cải tạo đất như lấy đất màu từ nơi khác về trải lên mặt trên, sử dụng phân chuồng, phân xanh, vôi bột để tạo độ tơi xốp, khử phèn, thêm độ màu mỡ cho đất. Hiện tại vườn rau của đơn vị phát triển tốt với nhiều chủng loại rau khác nhau. Để hạn chế tác động tiêu cực của thời tiết, mới đây Trạm đã làm hệ thống lưới che vườn rau xanh rất quy củ với kinh phí gần 20 triệu đồng.
Với tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo trong phát triển tăng gia, Trạm Ra đa 34 thường xuyên tự túc được 100% rau xanh, 100% cá tươi, 50 - 60% thịt gia cầm, 50 - 60% thịt lợn. Tổng số tiền lãi thu từ tăng gia, chăn nuôi hằng năm luôn vượt chỉ tiêu trên giao. Việc phát triển tăng gia đã góp phần quan trọng trong việc cải thiện chất lượng bữa ăn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ chiến sĩ, góp phần tạo quỹ vốn xây dựng, củng cố đơn vị, thiết thực động viên bộ đội yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bài, ảnh: CÔNG GIANG