10 giờ:31 phút Thứ sáu, ngày 3 tháng 4 , 2020

Khát vọng nơi đầu sóng

Sau hải trình gần một tháng cùng Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đến với quân, dân trên Quần đảo Trường Sa, trái tim tôi vẫn đau đáu về những con người nơi một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc thân yêu khi dâng hiến phần đời đẹp nhất của mình ở nơi đầu ngọn sóng. Câu chữ không thể lột tả hết sự cảm nhận của tôi, chỉ biết, mỗi điểm đảo tôi đặt chân lên, mỗi con người tôi gặp gỡ, trò chuyện vồi vội rồi chia tay... đều in hằn trong trái tim tôi những ký ức đẹp đẽ, bình dị nhưng hết đỗi thiêng liêng.

Kỳ 1: Lên đường
Ba hồi còi tàu hú vang thay cho lời tạm biệt. Người ở lại gửi gắm niềm tin, thương nhớ. Người ra đi trộn nhớ thương, niềm tin, khát vọng thành trách nhiệm vươn ra biển làm chủ biển trời của Tổ quốc thân yêu.

KHÁT VỌNG NƠI ĐẦU SÓNG
Bộ đội Phòng không-Không quân ra Trường Sa làm nhiệm vụ.

Trước ngày ra đảo

Đêm trước ngày chúng tôi lên tàu ra với Trường Sa, Trần Tuấn Sơn - Phóng viên Báo Quân đội nhân dân, người ở cùng phòng với tôi tại Nhà khách Trường Sa bảo: “Mai đi rồi, sao không thấy anh gói gém hành trang?”.

Tôi bảo với Sơn: “Hành trang của anh ngoài cây bút, cuốn sổ, chiếc máy ảnh và bộ quân phục, có gì đâu mà phải gói gém”. Sơn cười tươi tắn như lần đầu cách đây 6 năm trước, tôi và Sơn cùng đồng hành ra với Trường Sa vào những ngày cuối năm như thế này. Hẳn Sơn cũng như tôi, trong ngần ấy hành trang còn thứ mà người khác không thể nhìn thấy được là ngổn ngang những câu hỏi nặng trĩu tâm hồn tôi trong hành trình tìm hiểu và lý giải về cuộc sống, lẽ sống của đồng đội mình nơi đầu ngọn sóng.

Kệ cho Sơn tỉ mẩn xếp đồ, tôi mở cửa sổ căn phòng hướng nhìn về ánh trăng vàng vọt cuối năm đang nhoài về phía biển cùng đau đáu câu chuyện chiều nay của mình.

Chiều nay, tôi được ngồi với hai người phụ nữ. Người thứ nhất là Thượng úy QNCN Tô Thị Thùy Dung - Nhân viên Vật tư kỹ thuật, Trung đoàn 274, Sư đoàn 377, chị là vợ của Thượng úy QNCN Nguyễn Danh Vinh - Nhân viên Quan sát mắt, Trạm Ra đa 44, Trung đoàn 292, Sư đoàn 377, đang làm nhiệm vụ tại Đảo Phan Vinh còn chị Tạ Thị Nhung, vợ của Thượng úy QNCN Tạ Văn Sớm - Nhân viên Thông tin, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370 nay ra Trường Sa làm nhiệm vụ lần này.

Chị Nhung, người đã cùng con trai Tạ Bình Minh, 9 tuổi, vượt hàng trăm cây số từ thành phố Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận đến đây để đưa tiễn chồng ra Trường Sa. Nhưng khi biết không gặp được chồng theo quy định, chị không buồn. Chị bảo: “Từ khi biết chồng nhận được lệnh ra Trường Sa, em vui mừng và hãnh diện lắm. Chỉ mong anh mạnh khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Với chị Tô Thị Thùy Dung lại khác. Tôi gặp chị khi vào tác nghiệp tại Trung đoàn 274, trước khi ra Trường Sa. Biết tôi ra Trường Sa, đi tuyến giữa, sẽ qua Đảo Phan Vinh, chị ngỏ ý nhờ tôi gửi cho chồng ít quà. Ấy vậy mà chiều nay chị vào tay không, chỉ để nói với tôi rằng sợ tôi vất vả nên thôi không gửi quà nữa.

Tất cả đều có trong hành trang mà tôi mang theo ra với Trường Sa.

Cuộc chia tay đầy ắp khát vọng

Quân cảng Cam Ranh ngập nắng cuối năm. Tại cầu cảng số 4, nắng xối vàng ươm vào dòng người tấp nập chuẩn bị lễ tiễn quân, dân ra với Trường Sa.

Khác với chuyến ra công tác Trường Sa cách đây 6 năm, với tôi, lễ tiễn quân, dân ra với Trường Sa lần này diễn ra ngắn gọn, trang nghiêm và không có cảnh người thân bịn rịn đưa tiễn trong nước mắt. Thay vào đó, chỉ có những cái bắt tay thật chặt, ánh mắt ngập tràn niềm tin cùng lời chúc lên đường hoàn thành tốt nhiệm vụ, chắc tay súng, bám máy, bám đài, bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc.

Thượng tá Lương Xuân Giáp - Chính ủy Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết: “Những năm trước đây, cán bộ, chiến sĩ ra với Trường Sa đều có ý chí, quyết tâm cao, xác định tốt nhiệm vụ, nhưng khi chia tay trên Quân cảng, nhìn cảnh vợ con bịn rịn trong nước mắt cũng khiến anh em phân tâm nên năm nay, chúng tôi không bố trí để người thân vào Quân cảng tiễn đưa nữa”.

Các chiến sĩ xếp thành hàng dài, quân tư trang đầy đủ, quân phục chỉnh tề lên tàu ra đảo. Bên lối lên xuống của con tàu 561 Hải quân, các nữ đoàn viên, thanh niên trong trang phục áo dài đứng hai hàng tiễn đưa các chiến sĩ. Tuy thời gian gấp gáp, nhưng họ vẫn kịp trao nhau nụ cười và ánh mắt tràn đầy niềm tin rồi đồng thanh hát vang những bài hát về tuổi trẻ, người lính, Trường Sa...

Ba hồi còi rúc lên, báo hiệu tàu chuẩn bị rời bến, tiếng hát, tiếng vỗ tay vẫn chưa dứt.

Lần lượt từng con tàu nhổ neo, rời quân cảng. Tàu nhổ neo, nhưng trong tim tôi như thấy còn một sợi neo khác cứ chùng chình níu lấy phút tạm biệt. Một sợi neo bền chặt không chỉ bằng những thương nhớ, mà là cả nghĩa vụ, trách nhiệm trong lời thề thiêng liêng của người lính, rọi đỏ ánh bình minh nơi chân trời mênh mông.

NGÔ TIẾN MẠNH

>>> Kỳ 2: Trong sóng gió Trường Sa

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website