20 giờ:58 phút Thứ hai, ngày 21 tháng 10 , 2024

Kỷ niệm 61 năm Ngày truyền thống Quân chủng Phòng không - Không quân (22-10-1963 / 22-10-2024)

Sự ra đời của Quân chủng Phòng không-Không quân đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức và sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta.

Tháng 12-1960, Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam ra đời. Từ đấu tranh chính trị, giữ gìn lực lượng, cách mạng Miền Nam chuyển lên đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang trên cả 3 vùng chiến lược: miền núi, nông thôn đồng bằng và đô thị. Trước sự phát triển mạnh mẽ của quần chúng và lực lượng vũ trang của ta ở Miền Nam, để cứu vãn thất bại, Tổng thống Mỹ Kennedy và Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ buộc phải chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” ở Miền Nam Việt Nam và thực hiện chiến dịch bí mật quấy rối đối với Miền Bắc, tăng cường các hoạt động do thám, tung biệt kích phá hoại hòng ngăn chặn việc chi viện từ Miền Bắc vào chiến trường Miền Nam.

Sự ra đời của Quân chủng Phòng không-Không quân đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức và sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta.
Hồ Chủ tịch thăm Đoàn Cao xạ Tam Đảo, ngày 25-9-1966.
Ảnh tư liệu

Quán triệt Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1959) và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9-1960), Quân ủy Trung ương đã có nhiều cuộc họp bàn về nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu của Quân đội trong những năm 1961-1965. Từ nhận định “Tình hình có những chuyển biến mới, yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng và nhiệm vụ cao hơn trước” (Nghị quyết Hội nghị Quân ủy Trung ương tháng 2-1961), Quân ủy Trung ương quyết định tranh thủ thời gian Miền Bắc còn có hòa bình, đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng xây dựng Quân đội theo Kế hoạch quân sự 5 năm lần thứ hai (1961-1965). Một trong những nội dung lớn của kế hoạch được Bộ Chính trị Trung ương Đảng thông qua trong phiên họp ngày 25-2-1961 là “Xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố quốc phòng trên Miền Bắc, chú trọng tăng cường sức mạnh của lục quân, xây dựng Bộ đội Phòng không và phát triển cơ sở của Không quân, Hải quân. Hoàn thành việc chính quy hóa và đẩy tới một bước hiện đại hóa, bảo đảm cho Quân đội ta có đầy đủ và với một tỷ lệ tương xứng các thành phần binh chủng, quân chủng vững chắc về chính trị, có sức chiến đấu mạnh, đủ sức hoàn thành các nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Miền Bắc, giải phóng Miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào, đồng thời đặt cơ sở tốt cho việc hiện đại hóa Quân đội ở mức cao hơn trong các kế hoạch sau”.

Trải qua gần 10 năm xây dựng trong điều kiện hòa bình, lực lượng Phòng không và lực lượng Không quân của Quân đội ta đã phát triển nhanh, có nhiều tiến bộ trên con đường xây dựng chính quy, hiện đại. Từ những phân đội cao xạ trang bị cũ nay đã có lực lượng pháo cao xạ lớn gồm 12 trung đoàn và 17 tiểu đoàn, trong đó có 11 trung đoàn được trang bị loại vũ khí điều khiển tự động, đồng thời bước đầu bố trí được mạng lưới ra đa trinh sát trên không. Khả năng hiện tại của bộ đội phòng không có thể phát hiện một phần máy bay địch xâm phạm không phận và có thể đánh máy bay địch ở độ cao dưới 10km trong phạm vi hỏa lực để bảo vệ một số mục tiêu trên Miền Bắc. Đối với lực lượng Không quân, đến tháng 5-1963 đã có 3 trung đoàn (Trung đoàn vận tải 919, Trung đoàn huấn luyện 910 và Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 đang huấn luyện ở nước ngoài).

Tháng 6-1963, Quân ủy Trung ương họp đánh giá kết quả xây dựng Quân đội trong những năm 1961-1963 và bàn kế hoạch tăng cường phòng thủ Miền Bắc. Quân ủy Trung ương nhận định: Với những bước phát triển mới về tổ chức lực lượng của Bộ đội Phòng không, Không quân và Hải quân, Quân đội ta đã có đầy đủ và với một tỷ lệ tương xứng các thành phần binh chủng. Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22-10-1963, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định hợp nhất hai lực lượng Phòng không và Không quân, thành lập Quân chủng Phòng không - Không quân nhằm tập trung lực lượng, thống nhất chỉ huy, nâng cao sức mạnh chiến đấu phòng không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Miền Bắc.

Vào thời điểm thành lập, Quân chủng có 3 lực lượng đang trong quá trình xây dựng là Pháo cao xạ, Ra đa và Không quân. Lực lượng Pháo cao xạ có 11 trung đoàn, tất cả gồm 72 đại đội pháo cao xạ các loại. Lực lượng Ra đa có 3 trung đoàn, gồm 18 đại đội ra đa (26 máy) và 3 đại đội quan sát mắt được điều chỉnh thế bố trí, hình thành trường ra đa bảo vệ từng khu vực yếu địa. Còn lực lượng Không quân có 3 trung đoàn và hệ thống căn cứ gồm 10 sân bay mới được khôi phục và một số sân bay đang trong quá trình xây dựng. Khối cơ quan Quân chủng có Cục Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần và một số đơn vị trực thuộc gồm Tiểu đoàn thông tin 26, Tiểu đoàn công binh 93…

Sự ra đời của Quân chủng đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức và sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta. Từ một Quân đội đơn thuần bộ binh, tổ chức phân tán, trang bị hạn chế trong kháng chiến chống Pháp, đến năm 1960 hình thành lực lượng lục quân và những cơ sở đầu tiên của Phòng không - Không quân, Hải quân. Đến lúc này, Quân đội ta đã có cả lục quân, Phòng không - Không quân, Hải quân với trình độ chính quy, hiện đại có những bước tiến bộ rõ rệt. Từ các đơn vị nhỏ lẻ trong và sau kháng chiến chống Pháp, đến thời điểm này đã phát triển thành một Quân chủng gồm 3 lực lượng: Pháo cao xạ, Ra đa, Không quân và các đơn vị bảo đảm như Thông tin, Vận tải, Kỹ thuật… Thế trận và lực lượng phòng thủ Miền Bắc được tăng cường lên một bước mới, tạo điều kiện cho quân và dân ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh cách mạng, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ-ngụy ở Miền Nam.

THÁI BÌNH (Theo lịch sử Quân chủng)
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website