14 giờ:14 phút Thứ hai, ngày 9 tháng 1 , 2023

Hạnh phúc người lính trẻ

Nhà ông Lâm, bà Nguyệt nằm ven dòng sông Tô Lịch. Ông bà vốn là công nhân đã nghỉ hưu. Nhưng bởi chịu khó, ông vẫn đi làm bảo vệ và bà mở quán nước chè tại nhà kiếm thêm đồng rau dưa vui vẻ tuổi già. Ông bà có hai người con. Cô con gái lớn đã yên bề gia thất. Còn thằng Nam do được chiều chuộng từ bé nên sinh lười học, ham chơi; hai mấy tuổi đầu vẫn không nghề ngỗng gì và cũng chẳng dám lấy vợ.

 Sát vách nhà bà Nguyệt là nhà ông Mạnh, cũng là công nhân cùng tổ cơ khí với ông Lâm lúc đương thời. Thằng Hùng, con trai duy nhất của ông Mạnh bằng tuổi thằng Nam. Hai đứa học chung lớp và đều học hành làng nhàng như nhau. Được cái, Hùng hiền lành, ngoan ngoãn. Ngay từ lúc còn đang học lớp 11, khi nhận giấy triệu tập khám tuyển nghĩa vụ quân sự của Ban chỉ huy quân sự huyện, ông Mạnh đã bàn với bà Hiền, vợ ông:

- Tôi tính sang năm hết lớp 12, tôi sẽ cho thằng Hùng đi bộ đội bà ạ.

“Ông nói gì cơ?” Bà Hiền giãy nảy. “Phải cho nó học đại học, ít ra thì cũng cao đẳng rồi ra đi làm cho bằng con nhà người ta chứ?”

- Nhưng bà thử xem con nhà bà có học giỏi bằng con nhà người ta không? Học đại học mấy năm tốn bao nhiêu tiền xong thất nghiệp đầy ra, lại quay về chạy Gờ ráp với síp bơ kia kìa. Thật phí hoài! Biết lượng sức mình sẽ tốt hơn bà ạ.

- Nhưng…

- Để tôi phân tích cho bà nghe. Thằng Hùng con mình nó ngoan nhưng học hành không xuất sắc lắm. Nếu có cố thì cũng chỉ được cái bằng dân lập hoặc cao đẳng, ra trường rất khó xin việc làm. Chi bằng ta cho con đi nghĩa vụ quân sự. Vào quân ngũ, quân đội rèn giũa cho con mình cứng cáp, trưởng thành. Chứ nhìn thằng Nam nhà ông Lâm, tôi cũng lo lắm. Bọn trẻ bây giờ được chiều chuộng nên dễ sinh hư. Lúc ấy hỏng con, hối không kịp.

- Nhưng không cho con học đại học, tôi thấy áy náy lắm.

- Tôi cũng muốn con mình học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ lắm chứ! Nhưng nó học văn hóa không giỏi. Biết đâu lại khéo tay, giỏi nghề? Mà nói đến học nghề, quân đội có chính sách hỗ trợ kinh phí học nghề, tìm kiếm việc làm cho quân nhân nghĩa vụ sau khi xuất ngũ, ngoài khoản phụ cấp hàng tháng. Như vậy, chỉ sau khoảng hai năm đi nghĩa vụ, con mình yên tâm có tiền đi học một cái nghề nào đấy để sống rồi. Đây mới gọi là “Ích nước, lợi nhà” bà nhé!

- Thật thế hả ông? Tôi cứ sợ con đi vất vả mấy năm quay về học nghề, làm thợ thuyền lại thua kém bạn bè.

- Quan trọng là làm những việc phù hợp với mình. Bà không biết câu: “Giỏi nghề thì nhanh giàu” à?

- Gớm, cả đời làm anh công nhân quèn mà ông cũng hay thích nói chữ thế nhỉ? Ông xem, ông cũng thợ cơ khí bậc 7/7 mà vẫn nghèo đấy thôi.

- Xưa khác. Giờ khác. Những nghề như sửa chữa ô tô, máy tính, điện thoại … xã hội đang cần nhiều. Học xong, nếu con nó xin vào các công ty lương cũng khá. Mà nếu muốn tự làm chủ thì về nhà mở cửa hàng cũng tốt chứ sao. Kiểu gì cũng sống được bà ạ.

Bà Hiền có vẻ xuôi xuôi, dù trong lòng vẫn còn chút lấn cấn.

Hùng là một cậu học trò cục mịch nhưng hiền khô. Từ bé đã hay theo bố xuống xưởng cơ khí nên rất quen với cờ lê, mỏ lết, lấm lem dầu nhớt. Anh chàng chăm chỉ, hay giúp đỡ bạn bè nên được mọi người quý mến. Hùng và Nam tính tình khác nhau nên không chơi thân. Oái oăm thay, cả hai cùng thích một cô bạn gái trong lớp. Đó là Trâm: lớp phó Văn - thể - mỹ. Thực ra, Trâm xinh xắn và học giỏi thì ai mà chẳng thích.

Hùng bị say nắng Trâm từ sau hôm cậu sửa xe đạp cho cô nàng dọc đường và đèo cô đến lớp. Trâm vén tà áo dài trắng khẽ khàng ngồi lên yên xe phía sau, tay giữ nhẹ vào eo áo cậu bạn tốt tính. Làn tóc thề bay trong gió mang theo mùi hương con gái thanh tân làm anh chàng ngất ngây như trúng phải tiếng sét ái tình. Thỉnh thoảng, xe đi vào ổ gà bị xóc khiến cho Trâm theo phản xạ tự nhiên bám chặt hẳn vào người Hùng. Cú đụng chạm đầu đời giữa hai điện cực trái dấu làm cho Hùng như bị điện giật. Người cứ lâng lâng, nhẹ bỗng như muốn bay ra khỏi xe. Nhưng Hùng không dám mơ tưởng vì mình học kém hơn Trâm. Điều kiện gia đình cũng chênh lệch nhiều.

Khi thấy bố bảo sang năm học xong cấp 3 sẽ cho đi lính nghĩa vụ, Hùng có chút lo âu xong rồi cũng đồng ý. Bố phân tích hợp tình, hợp lý nên Hùng cũng thấy yên tâm hoàn thành nốt chương trình phổ thông. Chỉ hơi buồn là con đường đến với trái tim Trâm thì càng ngày càng xa xôi…

Mùa xuân năm ấy, cành đào bích cắm trong lọ lộc bình còn chưa kịp rụng cánh. Vừa ăn Tết xong cùng gia đình, Hùng hăm hở khoác ba lô lên đường nhập ngũ. Mẹ gói ghém đủ thứ nhưng Hùng ôm mẹ cười bảo:

- Không cần đâu mẹ ơi! Con đi lính thì quân đội lo cho con hết rồi. Bố mẹ yên tâm ở nhà giữ gìn sức khỏe và đợi con về nhé!

Nhìn cậu con trai chững chạc trong bộ quân phục mới tinh còn in hằn nếp gấp, ông Mạnh cảm thấy quyết định của mình thật đúng đắn. Ông bắt tay con thật chặt như truyền thêm sức mạnh cho con rồi dặn dò ngắn gọn:

- Hãy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Tổ quốc giao phó!

Hùng nắm đôi bàn tay chai sạn của người cha già, nói nhỏ:

- Vâng ạ. Bố ở nhà giữ sức khỏe và chăm sóc mẹ giúp con.

- Vợ tôi tôi chả chăm thì chăm ai? Anh cứ lo hão! Cứ yên tâm lên đường.

Sân ủy ban nhân dân huyện hôm ấy rực rỡ cờ hoa. Tiếng nhạc giục giã tòng quân thôi thúc từng hồi. Mưa xuân lất phất bay, đọng thành từng giọt li ti, lấp lánh trên từng chồi non lộc biếc. Thoang thoảng đâu đây vẫn còn vấn vít mùi hương trầm nhà ai thắp ngát thơm, bịn rịn. Các mẹ, các chị em, bạn gái mắt đỏ hoe, níu tay tân binh không muốn rời xa. Bất giác, Hùng cảm thấy trong lòng trống trải, đưa mắt tìm kiếm xung quanh rồi nén tiếng thở dài giấu đi niềm thất vọng. Không có cô gái nào đi tiễn chân chàng tân binh trẻ...
Sau mấy tháng huấn luyện tập trung, Hùng may mắn được điều về một đơn vị không xa nhà là mấy. Sẵn có tay nghề sửa chữa nên cậu được phân về tiểu đội chuyên bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí, khí tài, đúng với sở trường và sở thích thời trung học của cậu.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Mới đấy mà đã hết hai năm nghĩa vụ quân sự. Hùng được cử đi học lớp ngắn hạn rồi được tuyển làm quân nhân chuyên nghiệp, phong quân hàm thiếu úy với thành tích xuất sắc, đạt giải nhất cá nhân và đồng đội Hội thi “Thợ sửa chữa vũ khí bộ binh  giỏi toàn quân”. Niềm vui cứ nối tiếp niềm vui đến với chàng thiếu úy trẻ. Đêm liên hoan trao giải tổ chức ở hội trường lớn có mời đoàn văn công về biểu diễn chào mừng. Sân khấu được trang bị dàn âm thanh, ánh sáng rực rỡ. Sau phần tuyên dương trao thường là sang phần giao lưu văn nghệ. Đến tiết mục cuối cùng, một cô gái mặc áo dài trắng thướt tha bước ra. Suối tóc dài đen láy chảy tràn qua chiếc eo thắt đáy lưng ong. Thời buổi này mà nuôi được một mái tóc dài đen mượt như thế quả là kỳ công và hiếm có. Cô cất cao giai điệu du dương của bài hát “Hà Nội 12 mùa hoa” khiến cho cả hội trường đang sôi động bỗng nhiên lặng đi. Trái tim bao chàng chiến sĩ chợt thổn thức, chơi vơi theo từng nốt nhạc. Ngồi dưới hội trường, bỗng nhiên, Hùng thấy ngờ ngợ. Tiếng hát nghe sao quen quá! Hình dáng này sao thân thương quá đỗi. Giọng hát mượt mà như một dòng điện chạy qua cơ thể anh, khiến toàn thân anh râm ran, như sa mạc cằn khô được tưới mát, hồi sinh trở lại.

“Thùy Trâm xin trân trọng cảm ơn các đồng chí đã ưu ái, nhiệt tình cổ vũ cho tiết mục này. Kính chúc các đồng chí nhiều sức khỏe. Chúc mừng đêm Gala thành công rực rỡ và quyết thắng ạ!”. Có một cái gì đó như vỡ òa ra. Không phải là những tràng pháo tay không dứt của cả hội trường mà chính là cảm xúc tình yêu bị dồn nén từ tuổi hoa niên học trò ngây ngô thuở nào. Hùng đứng bật dậy. Trái tim anh thôi thúc phải nhanh lên, phải nắm lấy cơ hội mà anh đã bỏ lỡ từ lâu lắm rồi. Là Trâm, chính là Thùy Trâm lớp phó Văn - thể - mỹ đấy chứ không thể là ai khác được. Không cần biết cô ấy đã lập gia đình hay có bạn trai chưa. Hùng phải gặp trước đã. Hùng vội vã lách người qua các hàng ghế để chạy lên sân khấu. Giây phút mặt đối mặt với Trâm, mặt anh đỏ gay, vã mồ hôi, đôi tay run run trao cho Trâm bó hoa anh vừa được tặng thưởng lúc trước:

- Chào Trâm! Trâm vẫn xinh đẹp và hát hay như thuở nào.

Trâm giật mình, ngỡ ngàng, phải mất mấy giây mới nhận ra cậu bạn học cũ. Không còn là cậu học trò cục mịch, ít nói, tay lấm lem dầu mỡ sửa xe đạp cho cô dọc đường rồi chở cô đến lớp hôm nào nữa. Đứng trước mặt cô bây giờ là một chàng thiếu úy trẻ trung, rắn rỏi, vạm vỡ và có phần dạn dĩ hơn. 

 - Lát nữa mời Trâm ở lại tham quan đơn vị của Hùng nhé! Bây giờ Hùng đã là chuyên nghiệp trong Quân đội rồi!

Kết thúc đêm trao giải, Hùng đã đứng đợi Trâm ở bên ngoài hội trường. Trên tay Trâm vẫn ôm bó hoa Hùng tặng và mặc nguyên bộ áo dài trắng tha thướt như thuở còn là cô nữ sinh cấp 3. Hùng dẫn Trâm đi dạo một vòng khuôn viên đơn vị. Đêm mùa thu trăng thanh gió mát, sương xuống lạnh se se. Cây hoa sữa trong vườn hoa đơn vị cũng kịp nở những bông đầu tiên, tỏa hương thơm ngầy ngậy, quyến rũ.

- Trâm bây giờ công tác ở đâu? Có bạn trai chưa?

- Tốt nghiệp Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội xong, mình được phân công về Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội công tác. Nên hôm nay mình mới có mặt ở đây để hát phục vụ các bạn đấy!

- Ơ thế hóa ra chúng ta là đồng đội à?

- Ừ, lại cùng cấp bậc quân hàm, thưa đồng chí thiếu úy!

- Vậy là chúng ta khác chuyên môn nhưng cùng chung lý tưởng phấn đấu rồi!

Hùng vui mừng nắm lấy tay Trâm thật chặt.

- Ơ kìa, đau…

- Ôi, mình xin lỗi! Tại mình vui quá! À mà xinh đẹp, hát hay như đồng chí Trâm thì chắc có người yêu rồi nhỉ?

Hùng thả miếng thăm dò.

- Người yêu mình thì rất nhiều. Nhưng người mình yêu thì chưa có. Thế vừa cao to, đẹp trai, lại khéo tay như đồng chí Hùng chắc là có vợ con rồi phải không?

Trâm tinh nghịch hỏi lại.

- Vế đầu thì đứng. Còn vế sau thì chưa.

- Ôi, thế hóa ra lại cùng hội “Ế tinh tế” à?

Hùng bật cười: “Hay là chúng mình giải cứu cho nhau thoát ế đi? Giờ trên mạng hay có phong trào giải cứu nông sản ế đấy”.

Trâm nhoẻn miệng cười. Khuôn mặt rạng rỡ ánh trăng ngà huyền ảo.

Sau đêm hôm ấy, Trâm và Hùng thường xuyên liên lạc với nhau. Tình cảm giữa hai người càng ngày càng gắn bó, thắm thiết. Hùng mạnh dạn ngỏ lời yêu Trâm vào đúng ngày sinh nhật cô mà may mắn được cô đồng ý. Thực ra, Trâm cũng đã thầm đem lòng cảm mến cậu bạn hiền lành, hay giúp đỡ bạn bè từ khi còn đi học. Lần Hùng sửa xe rồi chở cô đến trường đã để lại cho cô nữ sinh nhiều cảm xúc bâng khuâng nhưng cô không dám nói ra. Giờ Hùng càng ngày càng trưởng thành, chững chạc, cô hoàn toàn có thể yên tâm trao trọn vẹn trái tim và cuộc đời mình cho chàng thiếu úy chuyên nghiệp trẻ tuổi ấy.

Chưa có cái Tết nào nhà ông Mạnh, bà Hiền vui như Tết năm nay. Thằng Hùng con trai ông dẫn bạn gái về giới thiệu. Ôi chao ơi! Con bé vừa đẹp người, đẹp nết, lại hát hay, múa giỏi. Đúng là xinh như văn công. Hai đứa là bạn học cùng lớp, thế nào mà đi bôn ba một vòng lại vẫn gặp nhau, cùng là Bộ đội Cụ Hồ mới oách chứ! Nhìn hai đứa ríu rít như đôi chim câu, xứng đôi vừa lứa, ông cứ huých huých vợ:

- Bà thấy tôi tính toán có đúng không? Nếu ngày ấy không cho con đi lính nghĩa vụ thì đâu có ngày hôm nay. Nhất bà đấy nhé!

Bà Hiền cười mãn nguyện. Chỉ thương cho gia cảnh nhà ông Lâm, bà Nguyệt. Cố chạy chọt cho con trốn nghĩa vụ quân sự mà bây giờ thằng Nam hỏng hẳn, vỡ nợ trốn đi đâu không ai biết. Giá như ngày ấy ông Lâm mạnh mẽ, quyết đoán hơn, Giá như bà Nguyệt đừng thương con mù quáng quá, để thằng Nam đi thực hiện nghĩa vụ quân sự thì đâu đến nỗi như bây giờ.

- Ra giêng, vợ chồng mình tổ chức cưới cho thằng Hùng bà nhé! Tôi với bà già rồi. Cũng thèm có cháu bế bồng cho vui cửa vui nhà bà ạ.

- Tôi nhất trí cao với ông ạ!

Mùa xuân về ấm áp trong căn nhà nhỏ ven dòng sông Tô. Hai ông bà ngồi ngắm bộ quân phục màu xanh da trời và chiếc mũ lấp lánh ngôi sao vàng của cậu con trai treo ngay ngắn trên tường, lòng không khỏi trào dâng niềm tự hào và hạnh phúc.

Truyện ngắn của PHỐ HOA

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website