8 giờ:50 phút Thứ tư, ngày 18 tháng 1 , 2023

Trận đánh trên dải Trường Sơn

Với Đại tá, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Lành - Nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn Phòng không 375, Trường Sơn luôn là một ký ức đẹp của thời hoa lửa.

Trận đánh trên dải Trường Sơn
Kíp trắc thủ Tiểu đoàn 67 (Trung đoàn 275) bắn rơi AC-130 ngày 29-3-1972
(người đứng thứ hai từ phải sang là Tiểu đoàn phó Nguyễn Lành).
Ảnh tư liệu.

Trong cuộc đời quân ngũ, tôi may mắn có điều kiện được tiếp xúc, gần gũi với Đại tá, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Lành và được ông chỉ bảo nhiều điều trên con đường binh nghiệp. Biết tôi cũng có những năm tháng công tác, chiến đấu trên dọc dài Trường Sơn trước khi trở thành người sĩ quan tên lửa, nên sau này, mỗi lần có dịp ngồi cùng ông, ông hay nói về những kỷ niệm ở Trường Sơn.

Một lần, từ Hà Nội về, tôi ghé thăm ông tại nhà riêng (khi ông đã nghỉ hưu). Hai anh em nhâm nhi chén trà và câu chuyện về Trường Sơn lại ùa đến. Bất chợt ông hỏi tôi:

-Ở Trường Sơn cậu ngán nhất điều gì?

-Em ngán nhất là khi bị B-52 rải thảm hoặc bị  AC-130 “săn”.

- Đúng. Là người lính Trường Sơn, nhất là lính lái xe, không ai không ám ảnh trước những hy sinh, mất mát do máy bay AC-130 - loại máy bay được ví như “trận địa pháo trên không” của địch gây ra. Nhấp ly trà rồi ông nói tiếp:

- Tuyến đường chiến lược Trường Sơn là nơi để kẻ địch phô diễn những loại phương tiện chiến tranh hiện đại nhất thời bấy giờ. Từ cây nhiệt đới, các loại bom phá, bom bi, bom Na pan, các loại chất độc cho đến các chủng loại máy bay hiện đại như B-52, AC-130… Và tất nhiên với chúng ta, từ hạt muối, cân gạo cho đến tên lửa, xe tăng… cũng phải qua con đường này mà đến các chiến trường. Bởi vậy, cuộc đấu trí, đấu lực nơi Trường Sơn lửa đạn này luôn cam go, ác liệt.

Lời ông như vọng lại từ một nơi rất xa.

- Bây giờ cậu là tiến sĩ chuyên về Phòng không-Không quân, thế cậu có biết nhiều về máy bay AC-130 không?

Chẳng kịp để tôi trả lời, ông nói tiếp một lèo, cứ như người đang đọc văn bản trước một cuộc hội thảo:

- AC-130 là máy bay cường kích, được cải tiến từ máy bay vận tải C-130. Loại máy bay này được trang bị nhiều thiết bị hiện đại như hệ thống tiếp nhận tín hiệu trinh sát từ mặt đất; thiết bị khuếch đại ánh sáng mờ; quan sát mục tiêu bằng thiết bị truyền hình; hệ thống máy tính điện tử bù tốc độ để xạ kích chính xác; hệ thống gây nhiễu tích cực, tiêu cực… Trang bị vũ khí gồm có 2 khẩu súng máy 12mm; pháo 20mm cực nhanh; 2 pháo 40mm khi bắn không có ánh lửa đầu nòng. AC-130 xuất phát từ sân bay U-Bon (Thái Lan), khi đánh phá các mục tiêu giao thông thường bay với tốc độ từ 90 đến 100m/s, độ cao từ 3 đến 4km theo quỹ đạo hình e líp liên tục. Cậu biết rồi đấy, với độ cao bay như vậy, các loại pháo phòng không cỡ nhỏ của ta không thể với tới. Do vậy, cả một giai đoạn dài, AC-130 “làm mưa, làm gió” trên các cung đường Trường Sơn. Tổn thất của Đoàn 559 ngày một tăng, số lượng xe vận tải bị bắn cháy ngày càng nhiều, giao thông bị ùn tắc trong khi ở các hướng chiến trường luôn đòi hỏi nhiều vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm.

Tôi thầm nể phục trí nhớ của ông. Tôi hỏi:

-Trong những trận đánh ở Trường Sơn, anh ấn tượng nhất về trận đánh nào?

- Trận đánh rơi AC-130 ở Tây Trường Sơn. Đúng hơn là bên đất Lào, chuyện dài lắm. Để tớ kể cậu nghe: Năm 1972, do AC-130 hoạt động nhiều, việc vận chuyển của Đoàn 559 hầu như bị tê liệt. Bộ đội tên lửa được lệnh tập trung đánh cho được AC-130. Tiểu đoàn 67 khi đó do anh Hiệp làm tiểu đoàn trưởng, tớ làm tiểu đoàn phó được lệnh vượt Cổng Trời sang Tây Trường Sơn. Giờ nhớ lại cuộc hành quân đó mà thấy ớn. Có hơn 20km mà chúng tớ phải đi mất 8 đêm. Trận địa triển khai ở Xeng Phan thuộc tỉnh Khăm Muộn của Lào. Khốn nỗi, vừa triển khai xong đúng một ngày thì được lệnh thu hồi, tiếp tục hành quân vào sâu trong đất bạn Lào. Chúng tớ đến Bắc Xê - Pôn, cách trận địa cũ khoảng 120km. Lần trước có 20km mà đi mất 8 đêm, bây giờ phải vượt 120km dưới màn đêm thăm thẳm, không một vệt trăng, trên đầu thì máy bay địch gầm rú, săm soi… Biết bao giờ mới đến? Thế mà rồi cũng đến. Cậu biết mất bao lâu không? Gần một tháng. Trang bị, khí tài hư hỏng nhiều. Mang đi 10 quả đạn thì 2 quả hỏng trên đường, 6 quả bị AC-130 bắn, chỉ còn lại mỗi 2 quả có thể chiến đấu. Quân số thì bị thương gần chục, hy sinh một. Tiểu đoàn trưởng Hiệp thì rơi mất hàm răng giả, nói cứ phều phào, rất khó khăn trong việc chỉ huy.

Nhấp ly trà rồi ông tiếp:

- Bố trí xong nơi ăn ở, sinh hoạt, chúng tớ lao vào sửa chữa, hiệu chỉnh khí tài. Khốn khổ nhất là xe an ten bị địch bắn lật nghiêng làm bẹp ống dẫn sóng. Cả trung đoàn không có ống dẫn sóng dự phòng. Cũng may, “trong cái khó ló cái khôn”. Anh em kỹ thuật lấy đất rây mịn, trộn với bột mỳ rồi gói trong dẻ bảo quản để làm phẳng ống dẫn sóng. Lắp lại trên an ten, khi phát sóng thì thấy có tín hiệu phản xạ. Mừng hết chỗ nói. Về phần khí tài thế là tạm ổn. Nhưng vị trí chỉ huy tiểu đoàn khi chiến đấu thì chưa biết chọn ai. Tiểu đoàn trưởng Hiệp bị ốm và cũng chưa đánh trận nào ở vị trí này. Sư đoàn gỡ bí bằng cách điều anh Vũ Bá Hắc là Trưởng ban Tác chiến sang thay. Trung đoàn cũng cung cấp thêm 4 quả đạn cho tiểu đoàn. Tớ nhớ, đến ngày 24 tháng 2 năm 1972 thì đơn vị đã sẵn sàng chiến đấu. Chúng tớ được lệnh chỉ đánh AC-130 và cũng chỉ được đánh ban đêm thôi.

- Ngày 27 tháng 2 và ngày 24 tháng 3 năm 1972, anh Hắc chỉ huy đánh hai trận nhưng máy bay chỉ bị thương rồi bay về hướng Thái Lan. Bên 559 thông báo rằng AC-130 có hạn chế tần suất bay. Tuy nhiên, chỉ được mấy hôm rồi chúng lại hoạt động mạnh trở lại. Tổn thất trên tuyến vận tải khá lớn. Quyết tâm bắn rơi tại chỗ “trận địa pháo trên không” được cả trung đoàn và tiểu đoàn xác định. Đích thân Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Thân xuống tiểu đoàn rút kinh nghiệm, gợi ý cán bộ, trắc thủ của kíp chiến đấu đề xuất cách đánh. Đến lượt tớ ý kiến, tớ nói: “Đến giờ, yếu tố bí mật bất ngờ không còn nữa, địch đã biết có tên lửa ở khu vực này. Do đó, ta phải tạo thế bất ngờ khác bằng cách đánh thật gần, gần đến mức tối thiểu mà tính năng khí tài cho phép, đánh vào lúc địch chuẩn bị bay vào để bắn đuổi thành bắn đón chứ không bắn đón thành bắn đuổi như các trận trước”. Tớ thấy anh Thân gật gật cái đầu, rồi anh nói như đinh đóng cột: “Đồng chí Lành sẽ chỉ huy đánh trận tiếp theo”.

Chúng tôi cùng nhấp li trà nóng. Rồi ông lại say sưa kể tiếp, cứ như thể ông chưa được kể chuyện bao giờ.

- Từ hôm ấy tớ thấy vừa mừng vừa lo. Mừng vì tớ tin vào hiệu quả của cách đánh mình đề xuất. Lo vì tớ biết cách đánh ấy có phần mạo hiểm. Nếu bắn trượt, địch sẽ phát hiện ra trận địa qua ánh chớp của tên lửa phóng đi. Khi đó chúng sẽ lao vào oanh tạc, tổn thất, hy sinh sẽ lớn vô cùng. Mình hy sinh đã đành. Còn anh em hy sinh vì cách đánh của mình thì day dứt lắm.

Ông nói trong xúc động, nghẹn ngào. Tôi thấy khoé mắt ông có cái gì như nước ứa ra. Ông lại bỏ kính và dụi dụi đôi mắt đã có phần đo đỏ. Rồi ông lại tiếp:

- Ngày hôm sau tớ lên xe điều khiển để huấn luyện kíp chiến đấu. Tao trực tiếp điều khiển tủ giả theo tình huống chiến đấu. Máy nổ suốt ngày. Dạo đó xăng dầu huấn luyện vô tư, hết thì đổ rồi nổ máy tiếp. Sau một ngày huấn luyện cách đánh mới, đêm ấy chúng tớ bắt đầu đánh. Không ngờ mới triển khai xong khí tài thì AC-130 xơi tái luôn đài P-12, vì khí tài này nổ máy trước. Tiểu đoàn đành phải tắt máy rút về nơi trú ẩn. Ngày hôm sau, tớ nhớ là ngày 28 tháng 3 năm 1972, lúc 19 giờ, tiểu đoàn triển khai khí tài sẵn sàng chiến đấu. Thành phần gồm: Tớ chỉ huy tiểu đoàn; Nguyễn Xuân Lập - Chính trị viên; Trần Mai Sự - Đại đội trưởng; Hà Viết Bá - Sĩ quan điều khiển. Ba trắc thủ gồm: Nguyễn Đăng Dương, Ngô Văn Chung và Ngô Văn Bằng. Lúc 2 giờ 5 phút ngày 29 tháng 3 năm 1972 tớ cho đài P-12 mở máy để nghiên cứu địch. 2 giờ 10 phút thì “tóm” được một tốp mục tiêu ở cự ly 28km, phương vị 202 và xác định đây là tốp AC-130. Tớ thông báo cho toàn kíp chiến đấu: “Tiểu đoàn quyết tâm tiêu diệt tốp 01, máy bay AC-130”. Đúng lúc ấy thì tín hiệu từ P-12 sang đài điều khiển bất ngờ bị mất vì đứt cáp. Tình thế cấp bách. Tớ quyết định đánh theo phần tử của tiêu đồ hoả lực. Khi tín hiệu địch cơ động đến cự ly 20km, tớ lệnh cho sĩ quan điều khiển nâng cao thế, chuẩn bị liên tục 2 đạn và đồng bộ, sau đó tắt ngay. Theo dõi trên tiêu đồ, biết địch vào đến cự ly 15km, sĩ quan điều khiển mở công tắc an ten và phát hiện ngay AC-130 ở cự ly 14km, phương vị 192, độ cao 3km. Coi như đúng điểm mình dự kiến. Tớ hô: “Tiểu đoàn quyết tâm tiêu diệt tốp 01, phương vị 192, cự ly 14, cao 3”. Trắc thủ góc tà và trắc thủ phương vị báo cáo có nhiễu râu và nhiễu tiêu cực nhưng vẫn nhìn thấy mục tiêu. Không bỏ lỡ thời cơ đánh địch. Tớ ra lệnh: “Tiêu diệt tốp 01, phương pháp K, ngòi nổ vô tuyến, cự ly phóng 13, phương vị 192, đạn 2 quả, giãn cách 6 giây”. Khi mục tiêu vào đến cự ly 13km, sĩ quan điền khiển ấn nút phóng đồng thời chăm chú quan sát và đọc khoảng cách giữa tên lửa và mục tiêu. Tớ thấy rạo rực cả người khi nghe sĩ quan điều khiển thông báo đạn gặp mục tiêu ở cự ly 11km, phương vị 193, độ cao 3km. Trên màn hiện sóng thấy tín hiệu đạn trùm lên tín hiệu mục tiêu, mất nhiễu và mục tiêu hạ độ cao rất nhanh. Tớ lệnh: “Giữ nguyên tay quay”. Bên ngoài, vọng quan sát mắt của tiểu đoàn báo về máy bay bốc cháy, đang lao vào trận địa. Thời khắc lịch sử này là 3 giờ ngày 29 tháng 3 năm 1972. Mở cửa xe, chúng tớ thấy máy bay cháy sáng trưng cả bầu trời. Cả tiểu đoàn hân hoan, phấn khởi. Cậu biết không, đây là 2 quả đạn cuối cùng của tiểu đoàn đấy. Một AC-130 cùng 13 tên giặc trong tổ lái phải đền tội, thế thì hỏi sao mà chẳng mừng. Mà tớ tin là không chỉ chúng tớ mừng đâu, mà tất cả lính trên dải Trường Sơn này đều mừng. Chúng tớ vừa bước xuống xe thì nhận được điện biểu dương của trung đoàn. Càng vui hơn khi trung đoàn thông báo Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên quyết định tặng chúng tớ cả 1 xe lương khô, mà lương khô 702 hẳn hoi, một cái đài bán dẫn và một con bò. Lương khô và đài thì nhận “ngay và luôn”, còn bò thì về nước mới nhận.

Ông cười sảng khoái. Trận đánh của ông đã kết thúc. Câu chuyện ông kể đã khép lại. Ngồi uống trà một lúc, tôi xin phép ông về. Ông tiễn tôi ra tận ngõ. Trên đường về, tôi cứ thầm cảm ơn ông đã thắp trong tôi ngọn lửa khát vọng cống hiến; khơi dậy trong tôi niềm tự hào về những năm tháng vất vả, gian lao trên dọc dài những cánh rừng Trường Sơn đầy bom đạn. Tôi luôn trân trọng những ngày tháng ấy, trân trọng và ngưỡng mộ sự chịu đựng lớn lao của đồng đội, của những con người đã hy sinh tuổi thanh xuân giữa núi rừng bom đạn Trường Sơn thời hoa lửa.

ĐỖ NGỌC THỨ

(Ghi theo lời kể của Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Lành
- Nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn Phòng không 375).

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website