15 giờ:55 phút Thứ hai, ngày 8 tháng 8 , 2016

Nên duyên nhờ học khiêu vũ

Tốt nghiệp Học viện PK-KQ năm 2009, Thiếu úy Nguyễn Văn Tuấn được biên chế về Trạm Ra đa 12, Trung đoàn 290 (Sư đoàn 375). Ngày đầu mới lên “phố núi” nhận công tác, Tuấn không nghĩ mình sẽ gắn bó lâu dài với mảnh đất này. Ấy vậy mà, qua thời gian, chính mảnh đất này đã mang tình yêu và niềm hạnh phúc đến với anh. Bây giờ, gia đình nhỏ của anh đang định cư ở phường Thống Nhất, thành phố Pleiku.

 Chuyện tình của Tuấn bắt đầu từ những bước chân lạc nhịp trong những ngày đầu đi học khiêu vũ. Bế cậu con trai Nguyễn Thiện Minh Bảo gần một tuổi trên tay, cô giáo Tôn Thị Mỹ Dung - vợ Tuấn nhớ lại: “Nhờ mấy bước chân lạc nhịp của anh ấy trong các buổi đầu học khiêu vũ mà chúng em nên vợ nên chồng đấy anh ạ!”.
Nên duyên nhờ học khiêu vũ

Số là, khi về đơn vị Tuấn được giao nhiệm vụ làm Đài Trưởng Đài Ra đa 18, đồng thời kiêm Phó Bí thư Chi đoàn Trạm Ra đa 12. Đơn vị thường có các hoạt động phối hợp giao lưu văn nghệ, thể thao với Đoàn phường Thống Nhất, thành phố Pleiku. Trong những lần giao lưu văn nghệ, đến phần khiêu vũ, trong khi thanh niên địa phương hào hứng tham gia thì bộ đội lại tỏ ra ngại ngùng, lúng túng vì không biết nhảy. Biết là đoàn viên thanh niên trong đơn vị không biết khiêu vũ nên Tuấn đã đề xuất với chỉ huy cho cán bộ Đoàn đi học lớp khiêu vũ để về phổ biến cho mọi người. Được sự cho phép của cấp trên, Tuấn đã đăng ký học lớp khiêu vũ tại Trung tâm Thanh Thiếu niên của tỉnh Gia Lai, cách đơn vị gần 20 cây số. Tại đây, Tuấn đã gặp gỡ và đem lòng cảm mến Tôn Thị Mỹ Dung - thành viên câu lạc bộ khiêu vũ, đồng thời là người kèm cặp Tuấn trong suốt khóa học.

Cô giáo Dung tâm sự: “Khi mới gặp anh Tuấn, em chưa có ấn tượng gì mấy. Người anh ấy thì đen, động tác tay chân thì khô cứng, lóng ngóng, nhiều lúc em phát cáu vì anh ấy nhảy hay lạc nhịp, đã thế nói chuyện thì như đánh trận, trông đến ghét... Thế mà “ghét của nào trời trao của đấy” anh ạ. Khi “tình trong như đã”, có bận, mãi không thấy anh ấy đến lớp học, em thấy lo lo và liền phóng xe đi tìm. Hóa ra, xe anh ấy bị hỏng dọc đường. Thấy anh ấy mặt mũi lấm lem, mồ hôi nhễ nhại đang ra sức đẩy chiếc xe máy lúc đó lòng em bắt đầu thấy thương thương…”.

Sau khóa học khiêu vũ, Dung thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, còn Tuấn thì khăn gói lên đường ra Bắc học khóa chuyển loại cán bộ chính trị. Những ngày xa nhau, hai người thường xuyên thư từ trao đổi chuyện học hành, chuyện sinh viên, chuyện quân ngũ, động viên nhau trong học tập.  

Theo lời kể của Dung, quyết tâm mãi, đến cuối năm 2012 khi học xong khóa chuyển loại cán bộ chính trị, nhân buổi hẹn đi uống cà phê, Tuấn đã quyết định ngỏ lời yêu thương. Rồi sau đó Tuấn đánh liều đến gặp bố mẹ của Dung để xin phép được qua lại. Bố của Dung bảo: “Hai bác ủng hộ tình cảm của cháu dành cho em, song phải chú ý việc học hành”. Sau này khi đã nhận lời yêu, mỗi lần đi chơi Dung thường nhắc: “Anh liều thế, biết em có ưng không mà anh lại thưa với ba má vậy”. Tuấn hóm hỉnh: “Chiến thuật nhà binh ấy mà, sự hậu thuẫn của phụ huynh góp phần thắng lợi 50% đó!”. Và sau hơn 4 năm kể từ ngày được “cô giáo” kèm dạy khiêu vũ và cũng qua nhiều cung bậc tình yêu, cuối năm 2014 hai người đã tổ chức lễ cưới.

Hiện nay, Tôn Thị Mỹ Dung là giáo viên của Trường THCS Võ Thị Sáu, thành phố Pleiku; còn Nguyễn Văn Tuấn giờ đã là Thượng úy - Chính trị viên của Trạm Ra đa 12. Cuộc sống tuy còn vất vả, khó khăn nhưng có sự giúp đỡ của bố mẹ vợ nên vợ chồng Tuấn yên tâm công tác và xây dựng gia đình hạnh phúc.

LÊ HỮU LỆ

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website