Kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống Không quân nhân dân Việt Nam (3-3-1955 / 3-3-2021):
Bộ đội Không quân trong sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc
Sau khi thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Đảng và Bác Hồ đã chủ trương nhanh chóng đưa Quân đội ta từng bước tiến lên chính quy hiện đại, có đầy đủ các lực lượng chủ chốt là Hải quân, Lục quân, Không quân, Phòng không. Thực hiện chủ trương đó ngày 9 tháng 3 năm 1949, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Ban Nghiên cứu Không quân thuộc Bộ Tổng Tham mưu.
Biên đội đánh thắng trận đầu của Không quân nhân dân Việt Nam (3-4-1965). Ảnh tư liệuBan Nghiên cứu Không quân có nhiệm vụ xây dựng cơ sở nghiên cứu bước đầu về không quân, tìm hiểu hoạt động của Không quân Pháp, tìm biện pháp chống lại chúng, chuẩn bị cơ sở vật chất, tài liệu và huấn luyện cán bộ... để đón thời cơ. Tuy nhiên, để kịp thời làm nhiệm vụ tác chiến phòng không trước sự phát triển và nguy cơ bị khống chế từ trên không của không quân Pháp, đầu năm 1951, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh quyết định chuyển Ban Nghiên cứu Không quân và lớp đào tạo không quân sang làm nhiệm vụ bổ túc cán bộ phòng không.
Năm 1954, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam đã được ký kết, miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Trước tình hình nhiệm vụ cách mạng của cả hai miền, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, đáp ứng với yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày 3 tháng 3 năm 1955, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã ký quyết định thành lập "Ban nghiên cứu sân bay" với nhiệm vụ tiếp quản, chỉ huy và quản lý các sân bay hiện có, đồng thời giúp Bộ Quốc phòng nghiên cứu về tổ chức, xây dựng lực lượng Không quân. Ngày 3 tháng 3 năm 1955 đã ghi dấu mốc quan trọng trong quá trình ra đời, xây dựng, chiến đấu, phát triển và trở thành Ngày truyền thống của Bộ đội Không quân.
Máy bay Su-30MK2 của Trung đoàn 935, Sư đoàn 370 cất cánh thực hiện nhiệm vụ huấn luyện. Ảnh: CTV
Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta, thấm nhuần chân lý "Không có gì quý hơn độc lập tự do", Bộ đội Không quân đã thực hiện phương châm "Lấy ít đánh nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông", "Tiêu diệt địch bảo vệ mục tiêu, giữ gìn và phát triển lực lượng ta", "Đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể", quyết tâm: "Mở mặt trận trên không thắng lợi". Trong trận chiến đấu ngày 3, ngày 4 tháng 4 năm 1965 bảo vệ cầu Hàm Rồng - Thanh Hoá, biên đội Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương và biên đội Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm đã có những trận chiến đấu mưu trí dũng cảm bắn rơi 4 máy bay của Mỹ, trong đó có 2 chiếc F-8U và 2 chiếc F-105. Chiến công của Bộ đội Không quân non trẻ của chúng ta đã làm nức lòng chiến sĩ và đồng bào cả nước, được Bác Hồ và Trung ương Đảng khen ngợi. Chiến công đó đã trở thành truyền thống đánh thắng trận đầu của Không quân nhân dân Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ đội Không quân đã cùng với quân và dân miền Bắc dũng cảm kiên cường, mưu trí, sáng tạo, đánh thắng từng bước leo thang phá hoại của Đế quốc Mỹ với ý chí: “Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, "Đã xuất kích là mang chiến thắng trở về". Các đơn vị của Bộ đội Không quân đã nỗ lực vượt bậc, khắc phục khó khăn, vượt lên mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc và xảo quyệt của kẻ thù. Sáng tạo nhiều cách đánh độc đáo, thông minh, góp phần nâng cao nghệ thuật tác chiến của dân tộc Việt Nam. Từ trận đánh thắng đầu tiên đến các chiến thắng liên tiếp trong suốt cuộc chiến tranh, đơn vị nào của Bộ đội Không quân cũng đánh thắng, lớp cán bộ, chiến sĩ nào cũng lập công, trong tình huống ác liệt nào cũng đảm bảo xuất kích tiêu diệt địch. Chúng ta đã đánh thắng địch cả trên trời, dưới đất và trên biển, cả ban ngày và ban đêm, đánh sâu vào tận hậu cứ địch, bắn rơi nhiều loại máy bay tầm thấp, tầm cao, cả máy bay chiến thuật và chiến lược, bắt sống nhiều giặc lái sừng sỏ từ cấp úy đến cấp đại tá, đánh bị thương tàu chiến Hạm đội 7 Mỹ, càng chiến đấu gian khổ ác liệt, chủ nghĩa anh hùng cách mạng càng được phát huy cao độ, làm ngời sáng lên phẩm chất cao qúy của "Bộ đội Cụ Hồ" trên mặt trận bảo vệ bầu trời Tổ quốc.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mùa Xuân năm 1975, với tinh thần: "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quyết thắng", cùng với Bộ đội Phòng không trong đội hình binh chủng hợp thành tiến vào Sài Gòn, Bộ đội Không quân đã nhanh chóng chớp thời cơ. Chỉ trong 6 ngày luyện tập, Phi đội Quyết thắng đã sử dụng máy bay A-37 thu được của địch bất ngờ cất cánh từ Sân bay Phan Rang tập kích Sân bay Tân Sơn Nhất vào chiều 28 tháng 4 năm 1975, góp phần thúc đẩy nhanh chóng sự di tản của Mỹ và làm sụp đổ tinh thần của Ngụy quyền Sài Gòn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ đội Không quân đã bắn rơi 320 máy bay của Mỹ gồm tất cả các kiểu loại, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng pháo phòng không, tên lửa bắn rơi và bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống nhiều giặc lái, đánh chìm và đánh bị thương nhiều tàu chiến Mỹ.
Trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, Bộ đội Không quân đã sử dụng hiệu quả hàng trăm máy bay chiến lợi phẩm, xuất kích hàng nghìn lần chiếc, đánh hàng trăm trận, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng vũ trang nước bạn Campuchia giải phóng khỏi nạn diệt chủng Pol Pot.
Trong xây dựng hòa bình, Bộ đội Không quân đã chủ động khắc phục khó khăn, tự lực tự cường vươn lên làm chủ các loại vũ khí trang bị. Đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đột xuất được giao như bay chuyên cơ, bay cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai… tham gia xây dựng kinh tế, kết hợp tốt kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Với những chiến công và thành tích xuất sắc, Bộ đội Không quân đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, được tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng rất nhiều phần thưởng cao quý khác.
Trải qua 66 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ đội Không quân đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh; đã phát triển từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ ít hiện đại đến hiện đại; vượt qua mọi gian khổ hi sinh, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng, góp phần tô thêm truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam anh hùng, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
TRUNG THÀNH