Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Tài chính Quân đội (25-3-1946/25-3-2021)
Ngành Tài chính Quân chủng Phòng không - Không quân phát huy truyền thống ngành Tài chính Quân đội, hoàn thành tốt nhiệm vụ
Cách đây tròn 75 năm, ngày 25-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 34/SL thành lập Ty Quản lý, tổ chức tài chính đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam - tiền thân của Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng ngày nay. Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cùng với sự phát triển của Ngành Tài chính Quốc gia, Ngành Tài chính Quân đội đã bền bỉ phấn đấu, phát triển toàn diện, sâu rộng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó, góp phần xây dựng Quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Đến nay, công tác tài chính Quân đội đã có những điều kiện phát huy tốt trong một cơ chế hoàn chỉnh là: “Công tác tài chính Quân đội thực hiện theo Luật, được Đảng ủy các cấp lãnh đạo theo Quy chế, người chỉ huy điều hành theo Điều lệ, cơ quan tài chính làm tham mưu, tổ chức thực hiện dưới sự giám sát của đông đảo cán bộ, chiến sĩ thông qua chế độ công khai tài chính và Phong trào Thi đua xây dựng “Đơn vị quản lý tài chính tốt”.
Phòng Tài chính Quân chủng kiểm tra, thẩm định số liệu quyết toán ngân sách năm 2020 của Bộ Tham mưu. Ảnh: DƯƠNG TOÀN
Ngày 1-4-1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam đã ký quyết định thành lập Trung đoàn pháo cao xạ 367 làm nhiệm vụ tác chiến phòng không. Trong biên chế của Trung đoàn có Tiểu ban Tài lương thuộc Ban Cung cấp, làm nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho Trung đoàn. Đây là tiền thân của ngành Tài chính Quân chủng PK-KQ hiện nay. Phương thức bảo đảm hậu cần, tài chính lúc đó chủ yếu dùng tiền Chính phủ cấp để mua lương thực, thực phẩm cho bộ đội. Ngày 22-10-1963, trước yêu cầu chỉ huy thống nhất, Bộ Quốc phòng quyết định hợp nhất Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân thành Quân chủng PK-KQ. Theo đó, Phòng Tài vụ được thành lập. Nhiệm vụ quan trọng của ngành Tài vụ thời kỳ này là khai thác, tiếp nhận các nguồn tài chính để bảo đảm cho xây dựng và phát triển lực lượng. Ngày 6-5-1977, trước yêu cầu phát triển lực lượng và thực hiện nhiệm vụ trong tác chiến quân, binh chủng hợp thành, Quân chủng PK-KQ được tách ra thành Quân chủng Phòng không và Quân chủng Không quân. Theo đó, Phòng Tài chính Quân chủng Phòng không và Không quân cũng được thành lập. Tuy vậy, ngành Tài chính hai quân chủng vẫn có sự hiệp đồng chặt chẽ. Vì vậy, các đơn vị dù ở vùng sâu, vùng xa vẫn đảm bảo kịp thời tiền lương, phụ cấp tiền ăn và các khoản chi khác.
Ngày 3-3-1999, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Đảng ủy Quân sự Trung ương về chấn chỉnh tổ chức, Quân chủng Phòng không và Quân chủng Không quân hợp nhất thành Quân chủng PK-KQ. Theo đó, hai Phòng Tài chính cũng được hợp nhất thành Phòng Tài chính Quân chủng PK-KQ. Lúc này, công tác tài chính vừa phải đảm bảo cho các đơn vị huấn luyện, SSCĐ, vừa phải đảm bảo cho việc ổn định tổ chức. Sự khác nhau trong phương thức cấp phát và quản lý tài chính ở hai quân chủng trước đây đã tạo ra không ít khó khăn trong triển khai nhiệm vụ. Song cán bộ, nhân viên toàn ngành Tài chính đã cố gắng, ổn định tư tưởng, nhanh chóng thích ứng, đoàn kết, nhất trí trong chỉ đạo và thực hiện nghiệp vụ, nên việc đảm bảo tài chính không bị gián đoạn, các khoản chi tiêu đều được quản lý chặt chẽ, hiệu quả.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Quân chủng PK-KQ được xác định là một trong 5 lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Nhiệm vụ tài chính lúc này ngoài việc đảm bảo tài chính thường xuyên phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, còn phải tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh về sử dụng các nguồn ngân sách nhằm khai thác, sử dụng, nâng cao hệ số kỹ thuật vũ khí, trang bị hiện có và sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách được giao để mua sắm những vũ khí hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, ngành Tài chính Quân chủng luôn bám sát chỉ thị, nghị quyết của Đảng ủy các cấp, mệnh lệnh của người chỉ huy để tham mưu cho Đảng ủy và người chỉ huy sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính. Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp luật, chính sách của Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng về công tác tài chính. Tham mưu cho Tư lệnh Quân chủng ban hành 6 quy chế, quy định trong lĩnh vực quản lý tài chính, tài sản, ban hành chỉ thị về phân cấp, sử dụng ngân sách năm đó. Hằng năm, ngành Tài chính luôn lập dự toán ngân sách đúng thời gian, mẫu biểu, phù hợp với tiêu chuẩn định mức, cơ cấu ngân sách hợp lý; chủ động cân đối ngân sách đáp ứng các nhiệm vụ đột xuất, đối phó với thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh. Cấp phát hàng chục nghìn tỷ đồng qua kho bạc an toàn. Đảm bảo đầy đủ, kịp thời chế độ tiêu chuẩn và nhu cầu tài chính khác, góp phần ổn định đời sống cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm công tác huấn luyện và SSCĐ.
Đi đôi với công tác đảm bảo, ngành Tài chính đã triển khai nhiều biện pháp quản lý tài chính hiệu quả. Hoàn thiện hệ thống sổ sách đăng ký, thống kê vật tư tài sản, duy trì thường xuyên chế độ nhập, xuất, kiểm kê; thường xuyên đẩy mạnh Phong trào Thi đua xây dựng “Đơn vị quản lý tài chính tốt”; phát huy dân chủ trong quản lý tài chính, thực hiện khoán cấp một số khoản kinh phí như: Điện, nước, xăng dầu, công tác phí, cước điện thoại... Mỗi năm tiết kiệm cho công quỹ hàng chục tỷ đồng từ xây dựng cơ bản và giảm chi phí trong kinh doanh. Trong công tác quyết toán ngân sách hằng năm, ngành Tài chính Quân chủng được Bộ Quốc phòng biểu dương, kiểm toán Nhà nước đánh giá cao tính hiệu quả trong sử dụng ngân sách, tiền, tài sản của Quân chủng.
Bên cạnh đó, công tác tổ chức xây dựng lực lượng ngành Tài chính luôn được chú trọng. Đội ngũ cán bộ nằm trong diện quy hoạch được khuyến khích, tạo điều kiện để tự học nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Định kỳ tổ chức Hội thi “Trưởng ban tài chính giỏi” trong toàn Quân chủng để lựa chọn đội tuyển tham gia Hội thi “Trưởng ban tài chính giỏi toàn quân” và đạt giải cao. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cán bộ tài chính đi trước, cán bộ, nhân viên tài chính PK-KQ thời kỳ đổi mới đã không ngừng học tập, tu dưỡng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chỉ tính từ khi hợp nhất Quân chủng đến nay, qua tổng kết thi đua hàng năm, toàn ngành có 1.973 lượt tập thể được tặng bằng khen, giấy khen; có 4.562 lượt cán bộ, nhân viên tài chính được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua, bằng khen, giấy khen. Phòng Tài chính 20 năm liền đạt danh hiệu Đơn vị quyết thắng, Chi bộ đạt trong sạch, vững mạnh. Năm 2008, Phòng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng 3 cờ Thi đua và 4 bằng khen. Từ năm 1970 đến nay, qua 7 lần sơ kết Phong trào Thi đua xây dựng “Đơn vị quản lý tài chính tốt” do Bộ Quốc phòng tổ chức, Quân chủng PK-KQ có 34 đơn vị được tặng Cờ “Đơn vị quản lý tài chính tốt”. Trong Phong trào Thi đua xây dựng “Đơn vị quản lý tài chính tốt” giai đoạn 2010-2020 của Quân chủng và đợt thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành Tài chính Quân đội (25-3-1946/25-3-2021) cũng xuất hiện nhiều tập thể điển hình tiên tiến mà tiêu biểu nhất là: Sư đoàn 365, Sư đoàn 372, Nhà máy A32, Phòng Tài chính Quân chủng...
Trong thời gian tới, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, ngành Tài chính Quân chủng tiếp tục phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, đảm bảo tài chính đầy đủ, kịp thời, quản lý chặt chẽ, phục vụ tốt hơn nữa nhiệm vụ xây dựng Quân chủng PK-KQ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đại tá, PGS. TS PHẠM BÍNH NGỌ - Trưởng Phòng Tài chính Quân chủng PK-KQ