1 giờ:16 phút Thứ năm, ngày 20 tháng 10 , 2016

Vì những chuyến bay an toàn, thắng lợi:

Điều trị phục hồi sau tai nạn bay

Với hoạt động bay quân sự, trong một số tình huống bất khả kháng, phi công phải nhảy dù, thoát ly khỏi máy bay. Mặc dù tính mạng được bảo toàn nhưng trong nhiều trường hợp, phi công phải đối diện với những mối đe dọa về sức khỏe. Làm sao để phục hồi sau tai nạn bay, nhất là để được trở lại vời bầu trời, phi công cần một chế độ chăm sóc và điều trị đặc biệt để phục hồi những tổn thương về thân thể và cả tinh thần từ các bác sĩ, đơn vị, đồng đội, người thân và cả nghị lực của chính mình…

Có lẽ, trong Quân chủng, không ít người đã biết đến Đại tá Trần Mạnh Cường - Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 935, Sư đoàn 370 bởi nghị lực phi thường của một phi công bị tai nạn đã vượt qua những thử thách của chính số phận và nghề nghiệp để trở lại với bầu trời.

Chuyện xảy ra trong ban bay ngày 23-9-1994. Hôm ấy, Trung úy Trần Mạnh Cường thực hiện bài bay công kích mục tiêu trên không trên biển cùng giáo viên, Trung tá Nguyễn Văn Chính. Máy bay mới lấy đà, chuẩn bị cất cánh thì hệ thống càng gặp sự cố. Mặc dù phi công đã tắt máy thả dù hãm song chiếc máy bay vẫn trượt khỏi đường băng lao xuống ruộng lúa. Khi đồng đội đưa được hai thầy trò ra khỏi buồng lái, cả hai đều ở tình trạng nguy kịch. 

Điều trị phục hồi sau tai nạn bay
Điện tim gắng sức giám định sức khỏe phi công tại Viện Y học PK-KQ.

Được đưa về điều trị tại Viện Quân y 175 trong tình trạng cột sống bị chấn thương nặng, chèn ép dây thần kinh, khớp chân và nhiều bộ phận khác trên người cũng bị chấn thương, lúc đầu phi công Trần Mạnh Cường tưởng vĩnh viễn phải rời xa buồng lái. Song, cùng với sự tận tình điều trị của các y, bác sĩ, sự nỗ lực vượt bậc trong luyện tập phục hồi của anh, điều kỳ diệu đã xảy ra. Năm 1995, Hội đồng giám định sức khỏe của Quân chủng đã kết luận, Trung úy, Phi công Trần Mạnh Cường sức khỏe đã phục hồi tốt, đủ điều kiện bay lại trên máy bay phản lực. 

Nhớ lại chuyện xưa, Đại tá Trần Mạnh Cường tâm sự, sau tai nạn, tưởng không được trở lại với bầu trời, tâm trạng anh rất nặng nề. Song khát khao được bay trở lại đã giúp anh có một nghị lực phi thường. Vừa học tiếng Anh, vừa kiên trì rèn luyện thể lực, sau gần hai năm, giấc mơ của anh trở thành hiện thực. Anh rất cảm động khi trong một lần vào thăm đơn vị, Trung tướng Nguyễn Đức Soát đã gặp gỡ và động viên: “Phi công Liên Xô cụt chân còn bay chiến đấu được trong chiến tranh vệ quốc. Tôi cũng bị gãy chân mà vẫn bay Su-27 được. Đồng chí còn trẻ, yêu nghề bay thế tại sao không bay được nhỉ?”. Sự khích lệ đó đã tiếp thêm sức mạnh để anh vượt qua những tháng ngày đau đớn về thể xác và tổn thương về tinh thần, nỗ lực vượt bậc trong hành trình trở lại với bầu trời.

Đem theo câu chuyện về tấm gương có nghị lực phi thường ấy, tôi đi gặp những y, bác sĩ hàng y trong Quân chủng để tìm hiểu về công tác điều trị phục hồi cho phi công sau tai nạn bay. Đại tá Ngô Thanh Quang - Trưởng Phòng Quân y cho biết, trong Quân chủng, hoạt động của các đội trực ban tìm kiếm cấp cứu (TBTKCC) luôn được triển khai song song với hoạt động huấn luyện bay. Cấp trung đoàn được biên chế đội TBTKCC mặt đất và cấp Sư đoàn được biên chế đội TBTKCC trên không. Khi có UHATB hoặc tai nạn bay xảy ra, cùng với các thành phần khác được quy định trong đội tìm kiếm cứu nạn, các đội trực ban tìm kiếm cấp cứu sẽ có mặt, nhanh nhất có thể, xử lý và sơ cứu ban đầu và chuyển người bị nạn về bệnh viện tuyến trên. Cùng với nghiệp vụ đã được huấn luyện kỹ lưỡng và nghiêm túc, trang bị khá đầy đủ gồm túi cấp cứu với 7 nhóm thuốc cơ bản, hộp cấp cứu tiểu phẫu và các loại cáng thương đã giúp các bác sĩ hàng y hoàn thành được nhiệm vụ trong tình huống khẩn cấp. Các trung đoàn trực thăng của Quân chủng đứng chân trên 3 miền đã bảo đảm được công tác TBTKCC trong 5 khu vực trên cả nước.

Trong hoạt động huấn luyện và thực hành bay, bất ngờ gặp hỏng hóc hay bất trắc trên không, tùy theo từng tình huống, phi công có thể hạ cánh bắt buộc cứu máy bay; cũng có thể phải nhảy dù. Theo Đại tá Trần Văn Xuân - Chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu và huấn luyện thực hành, Viện Y học PK-KQ, trong cả hai trường hợp trên, phi công đều gặp những chấn thương do vừa thực hiện những động tác xử lý trong tình huống hoàn toàn đột ngột và do sự tác động mạnh của ngoại lực. Phổ biến nhất là tình trạng chấn thương cột sống. Cùng với đó, có thể có những chấn động ở toàn thân và ở bất kỳ vị trí nào như đầu, chân, tay, thậm chí là tình trạng hôn mê do va đập mạnh. Phi công nhảy dù xuống biển hay mặt đất, nếu không được tìm kiếm và cấp cứu kịp thời còn hay mắc rối loạn tiêu hóa hay nhiễm trùng như viêm họng, viêm mắt, mũi hay dị ứng…

Theo phạm vi quyền hạn đã được phân cấp trong bậc thang điều trị, các bệnh viện đều dành cho bệnh nhân là phi công những ưu tiên đặc biệt, từ phương tiện hiện đại, thuốc men tốt đến các y, bác sĩ giỏi; tất cả đều nhằm cấp cứu, phục hồi nhanh nhất, hiệu quả nhất cho phi công bị chấn thương. Những chấn thương trên cơ thể, có thể kết hợp điều trị cả theo phương pháp tây y, cả bằng phương pháp y học cổ truyền.

Song song với đó là tổn thương về tâm lý. Sau mỗi tình huống xử lý bất trắc hoặc phải nhảy dù đều khiến phi công có thể trải qua quá trình diễn biến tâm lý khá nặng nề. Những chấn động và xáo trộn đó là hệ quả tất yếu của nghề bay do phải đối diện với những tình huống đột ngột và bất thường và do phi công đã mất rất nhiều sức lực, tập trung cao độ để xử lý. Thượng tá Đỗ Thanh Sơn - Bác sĩ, Giám định viên cho biết, để cân bằng những sang chấn tâm lí của phi công, đòi hỏi có một giải pháp tổng thể. Người thầy thuốc, bên cạnh việc điều trị bằng thuốc men thì rất cần liệu pháp về tinh thần. Bác sĩ hàng y với phi công, bình thường đã rất gắn bó với nhau. Khi phi công gặp sự cố, sự gắn bó ấy càng cần thiết. Để phi công chia sẻ được với mình, bác sĩ cần phải tạo niềm tin với phi công, giúp họ bộc bạch và giải tỏa về tinh thần. Tuy nhiên, chỉ từ phía bác sĩ thôi thì chưa đủ, để chữa lành những vết thương tinh thần, trước hết là sự nỗ lực của bản thân phi công. Cùng với đó là sự động viên của anh em, đồng chí, đồng đội, gia đình và người thân. Sau quá trình điều trị, phi công thường được đi an dưỡng để củng cố sức khỏe và ổn định hơn về tâm lý. Phi công chỉ được trở lại bay khi có đủ điều kiện sức khỏe do Hội đồng Giám định Y khoa Quân chủng kết luận.

Kết thúc những chia sẻ về công việc của một bác sĩ thần kinh tâm lí, Thượng tá Đỗ Thanh Sơn còn bổ sung một chi tiết rất hấp dẫn trong câu chuyện về Đại tá Trần Mạnh Cường mà anh đã từng được nghe: Ngày ấy nằm viện, Trung úy, Phi công Trần Mạnh Cường không chỉ được người mẹ từ Hà Nội vào chăm sóc, bên anh còn có cô sinh viên tên Nguyễn Thị Kim Dung. Cô ấy một lúc học hai trường đại học, vẫn dành thời gian ở bên cạnh động viên và tiếp thêm niềm tin cho chàng phi công trẻ. Năm 1995, sau hơn một năm anh Cường bị tai nạn, họ đã tổ chức đám cưới. Và họ đã lặng lẽ song hành cùng nhau hơn hai chục năm trong những chuyến bay đôi.

HỒNG LINH

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website