“Bông hồng” trên ngực áo anh hùng
Đến Bảo tàng PK-KQ hội ngộ cùng đồng đội, cựu chiến binh, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Xuân (xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) có dịp giới thiệu cho vợ là bà Nguyễn Thị Thanh Tú về các loại máy bay Mỹ bị những xạ thủ tên lửa vác vai A-72 như ông hạ gục. Ông Xuân gắn bó cả thời trai trẻ của mình nơi chiến trường ác liệt. Cho đến khi nghỉ công tác, ông mới được ở gần bà, bù đắp những tháng ngày xa cách. Bâng khuâng đi giữa không gian Bảo tàng, ông bà bồi hồi nhớ lại quãng thời gian cách đây hơn 50 năm.
Hai vợ chồng Anh hùng LLVT nhân dân Trần Văn Xuân.Năm 1970, khi tình hình chiến sự diễn ra rất ác liệt, thì chiến sĩ Trần Văn Xuân may mắn được cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị mình là Tiểu đoàn 42, Trung đoàn 263, Sư đoàn 361 đã vượt Trường Sơn vào phía Nam chiến đấu. Được điều động về Tiểu đoàn tên lửa A-72, ông đã chiến đấu dũng cảm lập nhiều chiến công xuất sắc, bắn rơi 8 máy bay Mỹ bằng tên lửa vác vai. Ở ngoài Bắc, cô giáo trẻ Thanh Tú vẫn miệt mài đứng lớp trên bục giảng Trường THPT Phú Xuyên A, Hà Tây (nay là Hà Nội). Ở cạnh trường có bà Trần Thị Mạn là cô ruột của Trần Văn Xuân. Cháu đi chiến đấu xa, bà Mạn quyết tâm “dạm” hỏi cô giáo Tú cho cháu trai. Nhờ sợi dây tơ hồng xe kết của bà cô, hai người có cơ hội liên lạc với nhau. Những lá thư chuyên chở tình cảm cứ thế nối liền hậu phương với chiến trường. Dẫu chưa biết mặt nhưng cả hai đều dành cho nhau những tình cảm trân trọng quý mến. Qua trò chuyện hai người mới nhận ra đã từng lao động cùng nhau trên một cánh đồng thuộc xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Đó là thời điểm trước khi Nam tiến, đơn vị của chiến sĩ trẻ Trần Văn Xuân và lớp sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội của Nguyễn Thị Thanh Tú phối hợp lao động giúp dân. Và cứ thế, tình cảm cứ đầy lên theo thời gian và hứa hẹn đợi chờ nhau.
Chiến tranh ác liệt, thời gian xa cách nhưng hai người vẫn giữ lời hứa hẹn. Mãi đến năm 1978, họ mới nên duyên vợ chồng. Sau khi xây dựng gia đình, Trần Văn Xuân lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ của người lính. Thời gian xa cách đằng đẵng, vợ chồng gặp gỡ nhau chỉ là những lần tranh thủ ngắn ngủi. Bao lo toan vất vả đè nặng lên vai cô giáo trẻ Thanh Tú. Hai cậu con trai lần lượt ra đời là Trần Anh Tuấn (sinh năm 1979) và Trần Hoàng Dũng (sinh năm 1982) cũng do một mình cô giáo Tú ở nhà nuôi nấng, chăm bẵm. Ngoài dạy học ở trường, về nhà bà lại lo toan công việc gia đình, chăm sóc bà cụ Trần Thị Mạn già yếu. 5 năm cuối đời, cụ Mạn nằm liệt giường rồi mất, hưởng thọ 105 tuổi. Bao năm chăm sóc người cô chồng bệnh nặng nhưng cô giáo Tú chẳng nề hà và luôn coi như mẹ đẻ của mình. Bởi có cụ Mạn “nối duyên”, bà Tú mới có được hạnh phúc như ngày nay. Chẳng thế mà bà con lối xóm vẫn hết lời ngợi khen cô cháu dâu hiếu thảo, chu đáo.
Trải lòng về người vợ hiền thục của mình, ông Xuân tâm sự: “Cuộc sống có lúc thăng trầm nhưng lúc nào bà nhà cũng kề vai sát cánh gánh vác mọi công việc. Bà là một người vợ hết lòng vì chồng con, trước thế nào thì nay vẫn vậy. Tôi phải biết ơn bà ấy nhiều lắm!”. Bao năm chiến tranh xa cách, vất vả nhưng bù lại bà vinh dự được làm vợ một người anh hùng, một người chồng tận tụy luôn biết yêu thương và chia sẻ. Với bà Tú đó là niềm hạnh phúc không dễ ai có được. Thế nên trải qua bao gian nan bà càng hiểu hơn giá trị của hạnh phúc, nguyện làm bông hồng thắm cài trên ngực áo người anh hùng tên lửa vác vai A-72. Còn ông Xuân mỗi khi nghĩ đến bà Tú lại cảm thấy ấm lòng vì có một hậu phương vững chắc cả trong thời chiến lẫn thời bình.
VŨ DUY