9 giờ:35 phút Thứ hai, ngày 11 tháng 7 , 2022

Huấn luyện giỏi ở Lữ đoàn Phòng không 210

Với nhiều biện pháp hiệu quả, Lữ đoàn Phòng không 210, Quân khu 1 đã tạo được sự chuyển biến vững chắc trong công tác huấn luyện; chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu không ngừng được nâng cao, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Huấn luyện giỏi ở Lữ đoàn Phòng không 210
 Chiến sĩ Khẩu đội 6, Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 210 huấn luyện bắt mục tiêu.

Đầu giờ buổi sáng, trên trận địa, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 đang huấn luyện Đề mục “Đại đội PPK làm công tác chuẩn bị chiến đấu”. Khi khẩu lệnh của đồng chí Đại đội trưởng phát ra, các khẩu đội nhanh chóng thực hiện các bước chuẩn bị chiến đấu như: Kiểm tra binh khí, lấy thăng bằng, thống nhất điểm ngắm, lấy hướng đánh dấu, đo và làm góc cấm bắn... Ít phút sau, các khẩu pháo 57mm uy nghi hướng nòng di chuyển bám sát mục tiêu dưới sự điều khiển, phối hợp nhịp nhàng của các pháo thủ. Khi mục tiêu vào cự ly bắn, được lệnh pháo thủ số 1 nhanh chóng đạp cò tiêu diệt mục tiêu.

Kết thúc luyện tập, Binh nhất Nguyễn Tuấn Thành - Pháo thủ số 1, Khẩu đội 6, Trung đội 2, Đại đội 1 chia sẻ: “Để có kết quả huấn luyện tốt, mỗi pháo thủ phải rèn tốt các chỉ tiêu cá nhân, quá trình chiến đấu phải hiệp đồng chặt chẽ, nhịp nhàng với nhau. Nhờ sự hướng dẫn, huấn luyện chu đáo của cán bộ, chỉ huy các cấp đến nay tôi hoàn toàn làm chủ vị trí của mình. Đặc biệt tôi phải thường xuyên rèn luyện động tác đạp cò để có thể bắn điểm xạ, bắn loạt ngắn, loạt dài theo lệnh của chỉ huy trong mỗi tình huống”.

Trao đổi về công tác huấn luyện, Thượng tá Phạm Phùng Hồi - Phó Lữ đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Lữ đoàn cho biết: “Hiện nay, Lữ đoàn quản lý, sử dụng VKTBKT chưa được cải tiến. Do đó, đơn vị tập trung thực hiện tốt công tác quán triệt, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ; xây dựng bản lĩnh, niềm tin vào VKTBKT được biên chế. Cùng với đó, làm tốt công tác chuẩn bị huấn luyện về mọi mặt; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ công tác huấn luyện; bám sát phương châm, nguyên tắc, mối kết hợp trong huấn luyện; nâng cao trình độ, nhận thức, khả năng tư duy đổi mới, đột phá, sáng tạo của bộ đội, nâng cao chất lượng kíp chiến đấu là mục tiêu xuyên suốt và thường xuyên, coi trọng đổi mới công tác quản lý, điều hành, tổ chức, phương pháp huấn luyện”.

Cũng theo Thượng tá Phạm Phùng Hồi, để tạo sự chuyển biến tiến bộ trong huấn luyện, hằng năm, Lữ đoàn xây dựng kế hoạch, tiến trình huấn luyện khoa học, hợp lý, sát với từng đối tượng, tình hình thực tế của đơn vị. Quá trình tổ chức huấn luyện, đơn vị coi trọng phát huy dân chủ về quân sự, tiếp thu ý kiến của đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ phân đội, trực tiếp tham gia huấn luyện. Từ đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đề ra chủ trương, giải pháp, hình thức và phương pháp huấn luyện phù hợp với tình hình thực tế đơn vị. Năm 2022, để nâng cao chất lượng huấn luyện, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn xác định cần tập trung vào 2 khâu đột phá (Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và trình độ bộ đội; Nâng cao chất lượng hiệu quả diễn tập phòng không).

Để không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phải huấn luyện toàn diện, chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tế chiến đấu, lấy sẵn sàng đánh địch trong mọi tình huống trên không làm mục tiêu cao nhất. Đối với lý thuyết, phải lựa chọn nội dung cốt lõi để giúp bộ đội dễ nhớ, dễ hiểu, từ đó phát huy tinh thần sáng tạo, chủ động, nghiên cứu, vận dụng của bộ đội. Quá trình thực hành phải chia nhỏ, tập nhiều, xoay vòng đổi tập để từng động tác, thao tác của bộ đội thành kỹ năng, kỹ xảo; yêu cầu bộ đội phải nắm chắc tính năng, kỹ chiến thuật các loại VKTB mới chuyển sang huấn luyện thực hành; huấn luyện từ dễ đến khó, từ cơ bản đến nâng cao; đặc biệt huấn luyện phải thực chất, không nóng vội chủ quan… Mặt khác, Lữ đoàn tập trung bồi dưỡng nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng cho đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là công tác hiệp đồng trong hành quân cơ động, hành quân đêm, rèn luyện nâng cao thể lực cho bộ đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Đối với đội ngũ cán bộ trực tiếp huấn luyện, phải thực hiện thông qua giáo án, bài giảng trước đó ít nhất 3 đến 5 ngày. Đồng thời, đơn vị đặt ra chỉ tiêu cụ thể với từng nội dung, từng đối tượng, từng giai đoạn, bảo đảm chiến sĩ mới sau 2 tháng huấn luyện binh chủng có thể thực hiện nhiệm vụ trực ban SSCĐ được ngay.

Bên cạnh đó, Lữ đoàn chú trọng công tác kiểm tra huấn luyện, rút kinh nghiệm trong từng tháng, từng quý để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế trong công tác huấn luyện. Hằng tháng, chỉ huy Lữ đoàn xây dựng kế hoạch kiểm tra 2 lần vào giữa tháng và cuối tháng; trong ngày cán bộ tiểu đoàn bảo đảm 70%, cán bộ đại đội 80% thời gian trực tiếp bám bộ đội tại trận địa; các buổi sáng trợ lý cơ quan phải xuống bám nắm, giúp đỡ các đơn vị tổ chức huấn luyện.

Nhờ những giải pháp thiết thực, hiệu quả trên nên nhiều năm liền Lữ đoàn phòng không 210 giữ vững danh hiệu “Đơn vị huấn luyện giỏi”; đạt nhiều giải cao trong Diễn tập chiến thuật và Hội thi bắn đạn thật lực lượng PKLQ, phòng không kiêm nhiệm Bộ đội Biên phòng (giải ba năm 2016; giải nhì năm 2018 và giải nhất năm 2021). Những kết quả đó đã khẳng định chất lượng huấn luyện của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 210 trong suốt những năm qua.

Bài, ảnh: ĐÌNH KÝ, THÀNH TRUNG
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website