20 giờ:9 phút Thứ tư, ngày 26 tháng 10 , 2016

Không để bộ đội tham gia vào trào lưu "like là làm"

Trong thời gian gần đây, trào lưu “like là làm” xuất hiện khá nhiều trên mạng xã hội. Từ những hình ảnh, video clip câu like ngỡ như một trò đùa vô bổ lại trở thành trào lưu gây phản cảm và nguy hiểm về lối sống ảo của một bộ phận giới trẻ.

 
Điển hình như ngày 20-9, một clip ghi lại cảnh thanh niên N.T đổ xăng lên người tự thiêu rồi nhảy cầu Tân Hóa (TP.HCM) để giữ lời hứa “nói là làm” trên mạng Facebook. Trước đó, thanh niên này từng tuyên bố trên trang cá nhân: “Bức ảnh này đủ 40k like (40.000 lượt thích), tôi sẽ đổ xăng từ trên người xuống, lấy hộp quẹt tự đốt người rồi nhảy cầu Tân Hóa. Đủ like sẽ làm, tôi nói là làm. Share mạnh để có cái hay, hấp dẫn mà xem”. Lời thách thức được dân mạng chia sẻ điên đảo, chỉ sau một ngày đã hút hơn 93.000 lượt thích. Giữ đúng lời hứa “nói là làm”, tối ngày 20/9, thanh niên này có mặt tại cầu Tân Hóa (TP.HCM) đổ xăng lên người, để lửa bén vào người bốc cháy như ngọn đuốc sống, rồi nhảy xuống dòng kênh thực hiện thử thách. May mắn là N.T bơi được vào bờ và chỉ bị bỏng nhẹ.­Những tưởng, sự việc này sẽ giúp nhiều người nhận ra sự nguy hiểm của trò đùa dại dột trên, nhưng không ngờ, đây là sự khởi đầu cho một trào lưu phản cảm “like là làm” trong giới trẻ.
Không để bộ đội tham gia vào trào lưu
 

Gần đây nhất, vụ việc nữ sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Khánh Hòa) mang túi xăng, châm lửa đốt Phòng Y tế (Trường THCS Phạm Ngũ Lão, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) vào trưa 9/10 để thực hiện lời hứa của mình. Trước đó, nữ sinh này cũng từng đăng lên Facebook rằng nếu đủ 1.000 like (thích) sẽ tới đốt trường. Thông tin trên nhanh chóng được học sinh trong trường chia sẻ. Song khi đã đủ số lượt yêu thích, nữ sinh trên không giữ lời nên bị các bạn khác đòi đánh, ép thực hiện đúng như đã tuyên bố. Và khi nữ sinh trên thực hiện hành động của mình đã bị bỏng hai chân, phải nhập viện.

Rồi còn hàng loạt hành động của giới trẻ đua nhau đăng status (dòng trạng thái) thách thức dân mạng theo cú pháp: “Chỉ cần đủ like tôi sẽ…” và khẳng định chắc rằng “nói là làm”. Một số thanh niên sẵn sàng đổi like lấy những hành động phản cảm như: mặc đồ lót, tự thiêu, tự đâm vào mình, nhảy xuống và uống hết một ca nước sông, mặc quần áo con gái đi vòng quận 8, ăn “vật lạ” được mang ra từ bồn cầu… Nhiều cô gái còn thản nhiên câu like bằng những bức ảnh hoặc clip nóng với nội dung gây sốc…

“Cơn bão like” từ dân mạng cùng sở thích sống ảo của giới trẻ là nguyên nhân dẫn đến hành động thiếu kiểm soát này. Nhiều người tìm mọi cách, bằng mọi giá tạo ra những hành động mới lạ để thực hiện, đồng thời mức độ nguy hiểm, phản cảm càng tăng lên. Điều đáng nói ở đây, ngoài những người phản ứng gay gắt với trào lưu trên, thì vẫn còn rất nhiều người hùa theo, ủng hộ những hành động đó. Thực tế, số lượng người like, share, comment cao gấp nhiều lần số lượng mà chủ nhân yêu cầu.

Có thể nói, những hành động trên cho thấy một bộ phận giới trẻ hiện nay đang chạy theo một trào lưu gây sốc để mong muốn nổi tiếng. Và thực tế, đó là sự lệch lạc trong suy nghĩ của họ. Muốn chơi ngông, nhanh chóng được nổi tiếng, những người câu like sẵn sàng vì mấy ngàn lượt like mà làm liều, làm quẩn, đánh đổi danh dự, lòng tự trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng và vi phạm pháp luật. Trào lưu này không chỉ dừng lại ở mức độ đùa vui mà đang ngày càng biến tướng, tác động tiêu cực đến suy nghĩ, lối sống của giới trẻ và thật sự nguy hiểm nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn không cho bộ đội tham gia vào trào lưu “like là làm”, nhất là số chiến sĩ trẻ, các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú, làm cho bộ đội nhận thức rõ trào lưu “like là làm” là một trào lưu nguy hiểm, phản cảm; tuyệt đối không để cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị mình dưới bất cứ hình thức nào tham gia vào trào lưu trên. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, công tác bảo vệ chính trị nội bộ, quản lý chặt chẽ bộ đội cả trong và ngoài doanh trại, nhất là việc quân nhân ra vào đơn vị trong giờ nghỉ, ngày nghỉ; làm tốt công tác quản lý mạng intenet, máy tính bảng, laptop, điện thoại thông minh... Duy trì nghiêm nền nếp chính quy, xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, chú trọng các hoạt động VHVN, TDTT, giao lưu, tọa đàm, diễn đàn, tạo sân chơi bổ ích để cán bộ, chiến sĩ tham gia có hiệu quả. Thực hiện tốt Ngày chính trị, văn hóa, tinh thần ở đơn vị, tích cực đối thoại giữa cấp trên với cấp dưới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, bức xúc, nhất là về tư tưởng, không để phát sinh tiêu cực; khắc phục những biểu hiện gia trưởng, độc đoán, quân phiệt, vô cảm trước những hoạt động của bộ đội. Phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, tổ tư vấn pháp luật, tổ 3 người, chiến sĩ dân vận, chiến sĩ bảo vệ, tổ (đội) thanh niên xung kích, của gia đình, bè bạn và chính quyền, nhân dân địa phương trong tuyên truyền, giáo dục để bộ đội không tham gia vào các tệ nạn xã hội nói chung, trào lưu “like là làm” nói riêng, góp phần xây dựng đơn vị an toàn, địa bàn an toàn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

VŨ LƯƠNG

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website