Những “bông hồng” ở Nhà máy Z119
Nhà máy Z119 có nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa khí tài ra đa thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý vùng trời của Quân chủng. Đóng góp trong thành tích chung của Nhà máy không thể không kể đến các nữ kỹ thuật viên, nữ công nhân. Họ lặng thầm, từng ngày nỗ lực phấn đấu, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Nhà máy.
Hội viên phụ nữ Phân xưởng 2 tham gia sửa chữa các mảng mạch hệ thống ra đa.Suốt 16 năm qua, Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Lâm và các chị em tại Phân xưởng 2 đã gắn bó với công việc sửa chữa, tăng hạn các bộ khí tài ra đa. Nhiệm vụ của chị là phải nhớ hết từng chi tiết, phát hiện ra bộ phận nào hỏng, xác định rõ và tìm cách khắc phục. Một công việc hoàn toàn không hề đơn giản, bởi trên các mảng mạch hệ thống ra đa có tới hàng nghìn thiết bị điện, đòi hỏi độ tỉ mỉ, chuẩn xác cao trong sửa chữa. Thế nhưng với những người phụ nữ này, không có gì là không thể.
Thượng úy QNCN Nguyễn Thị Lâm tâm sự: “Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tôi cũng như các chị em trong Phân xưởng phải tích cực học hỏi, tìm tòi, đọc các quy trình công nghệ, nghiên cứu kỹ sơ đồ, đáp ứng cho việc sửa chữa các mảng mạch điện tử phức tạp của các bộ khí tài ra đa. Đến nay, các chị em trong Phân xưởng đều tự tin thực hiện tốt công việc được giao”.
Đại tá Đào Ngọc Đại - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Nhà máy cho biết: “Thời gian qua, chị em phụ nữ đã kế thừa truyền thống tốt đẹp của đơn vị, luôn đoàn kết, phát huy tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm trên mọi lĩnh vực công tác. Vai trò của chị em với Nhà máy là hết sức quan trọng, có nhiều đóng góp vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị”.
Là đại diện nữ duy nhất của Nhà máy tham gia Hội thi thợ giỏi ngành cơ khí toàn quân lần thứ V, CNQP Bùi Thị Kim Hằng - Thợ cơ khí Phân xưởng 5 luôn nỗ lực phấn đấu, hòa nhập cũng như bắt kịp tiến độ công việc của Phân xưởng. Công việc hàn, tiện nam giới phù hợp hơn vì môi trường làm việc phải tiếp xúc nhiều với dầu mỡ và áp lực từ những tiếng búa, tiếng máy hàn, máy tiện với tiếng ồn rất lớn. Phải rất bản lĩnh và yêu nghề mới trụ lại được ở môi trường này.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Bùi Thị Kim Hằng cho biết: “Ngày mới về Phân xưởng, công việc không chỉ đòi hỏi sức khỏe mà cần cả sự dẻo dai và lòng yêu nghề, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là điều không hề dễ dàng. Song, tôi luôn cố gắng nỗ lực hết mình, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp đi trước để hoàn thành tốt công việc được giao.”
Cùng với việc đảm đương một cách xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, những “bông hồng” của Nhà máy Z119 vẫn luôn hoàn thành thiên chức người vợ, người mẹ trong gia đình. Theo Đại úy QNCN Lâm Thị Việt Mai - Chủ tịch Hội phụ nữ Nhà máy, Hội có tỷ lệ nữ không nhiều nhưng chị em có mặt ở hầu hết phòng ban, phân xưởng, bao gồm cả phân xưởng chuyên về sửa chữa kỹ thuật, vốn chỉ dành cho nam giới. Hơn nữa, nhiều chị em phải làm việc trong môi trường nặng nhọc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Do đó, phong trào phụ nữ phải đan xen, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị. Cán bộ Hội cũng thường xuyên trao đổi, chia sẻ, kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của hội viên; đề xuất những giải pháp phù hợp đảm bảo quyền lợi, chế độ, chính sách cho chị em; tạo được niềm tin, mối đoàn kết, sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình các hoạt động Hội.
Trong những năm qua, Hội phụ nữ Nhà máy đã tổ chức tốt các phong trào thi đua “Phụ nữ Quân chủng PK-KQ đoàn kết, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; “Phụ nữ Z119 tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; Cuộc vận động “Gia đình 5 có, 3 sạch”... Đồng thời, Hội đã chủ động tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, nâng cao nhận thức về Luật Bình đẳng giới, vai trò của phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và thực hiện Cuộc vận động “5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam phát động.
Đáng chú ý là Hội luôn xây dựng được các mô hình đạt hiệu quả thiết thực, tạo sức lan tỏa rộng rãi như mô hình cho vay vốn từ phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ khó khăn”. Hoạt động này đã góp phần tạo điều kiện để cán bộ, hội viên tiếp cận và tham gia vay vốn, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Trung bình hằng năm, có từ 1 đến 2 phụ nữ được vay từ 50 triệu đồng trở lên để phát triển kinh tế hộ gia đình. Ngoài ra, Hội phụ nữ của Nhà máy còn thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu với phụ nữ các đơn vị bạn và chính quyền địa phương, giúp chị em tiếp cận với nhiều nguồn thông tin bổ ích ngoài xã hội, tự tin vươn lên trong cuộc sống.
Chính nhờ sự quan tâm và cách tổ chức hợp lý, hiệu quả, gắn chặt quyền lợi của phụ nữ với nhiệm vụ của đơn vị, khơi dậy sự tự tin, sáng tạo của chị em nên Hội phụ nữ cơ sở của Nhà máy đã trở thành chỗ dựa tin cậy và là “tổ ấm” thực sự của các hội viên.
Bài, ảnh: ÁNH TUYẾT, DƯƠNG TOÀN