Hạ gục tại chỗ “siêu pháo đài bay” trên bầu trời Hà Nội
Sáng 18-12, Phủ Thủ tướng Chính phủ điện chỉ đạo các bộ, cơ quan và một số địa phương: “Địch có thể ném bom Hà Nội - Hải Phòng, cần thực hiện tốt kế hoạch sơ tán nhân dân của thành phố”. Bộ Tổng Tham mưu điện chỉ đạo các đơn vị: “Đề phòng địch dùng B-52 đánh phá các mục tiêu trọng điểm. Các binh chủng: Pháo cao xạ, Tên lửa, Ra đa, Không quân, Pháo binh sẵn sàng chiến đấu, kịp thời đánh trả máy bay, tàu chiến địch. Tổ chức quan sát, báo động, sơ tán, đào hầm hào, phối hợp với công an và nhân dân làm tốt công tác bảo vệ an ninh, bảo vệ tài sản…”.
Bệ phóng tên lửa của Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 261 đã bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng PK-KQ.16 giờ 30 phút, cuộc tập kích đường không bằng B-52 của Mỹ bắt đầu. Khi tin tình báo cho biết, đã có nhiều tốp B-52 xuất kích từ sân bay Aderson trên đảo Guam; 18 giờ 50 phút, toàn Quân chủng PK-KQ chuyển trạng thái SSCĐ cấp 1, đây cũng là thời điểm bắt đầu Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội tháng 12-1972. Lúc 19 giờ 10 phút, Đại đội Ra đa 16 và tiếp đó, 19 giờ 15 phút, Đại đội Ra đa 45, Trung đoàn 291 phát hiện B-52 đầu tiên bay theo khối nhiễu dày đặc với nhiều máy bay F-4 và kịp thời báo về Sở chỉ huy. Trên cơ sở đó, chỉ huy Trung đoàn 291 báo cáo: “B-52 đang vào miền Bắc”. 19 giờ 15 phút, Bộ Tư lệnh Quân chủng phát lệnh báo động “B-52 đánh Hà Nội”.
19 giờ 25 phút, Không quân ta được lệnh cất cánh từ Sân bay Nội Bài và Hòa Lạc để đón đánh các tốp máy bay chiến thuật của địch. Đồng thời ở Tam Đảo, Việt Trì, các đài quan sát của ta cũng phát hiện máy bay F-111 ném bom Sân bay Nội Bài, Kép… Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội báo động toàn thành phố.
Từ 19 giờ 25 phút đến 20 giờ 18 phút, nhiều tốp máy bay B-52 (mỗi tốp 3 chiếc) liên tiếp dội bom xuống khu vực Sân bay Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm. 19 giờ 44 phút, 2 quả đạn tên lửa đầu tiên của Tiểu đoàn 78, Trung đoàn 257 được phóng lên, mở màn đánh trả của Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội tháng 12-1972. Lực lượng Pháo cao xạ Thủ đô hiệp đồng cùng Bộ đội Tên lửa giăng lưới lửa đánh trả máy bay địch.
20 giờ, B-52 tiếp tục đánh phá, các Tiểu đoàn 57, 59, 94 của Trung đoàn Tên lửa 261 được lệnh đánh tập trung, tiêu diệt tốp máy bay 671 đang từ hướng Tam Đảo lao xuống đánh phá các kho tàng ở Đông Anh, Cổ Loa. 20 giờ 13 phút, kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 59 đã phóng 2 quả đạn ở cự ly thích hợp, bắn rơi tại chỗ 1 máy bay B-52 và bắt sống giặc lái. Xác máy bay B-52 rơi tại cánh đồng Chuôm, Phù Lỗ (nay thuộc huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội). Đây là máy bay đầu tiên bị bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội, cách trận địa chưa đầy 10km. Chiến công nối tiếp chiến công, rạng sáng 19-12, Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257 lại lập công, bắn rơi tại chỗ 1 chiếc B-52. Suốt đêm 18 đến rạng sáng 19-12, quân Mỹ huy động 90 lần chiếc B-52 ném 3 đợt bom xuống Thủ đô Hà Nội. Xen kẽ các đợt đánh phá của B-52 có 8 lần chiếc F-111 và 127 lần chiếc máy bay cường kích, bắn phá các khu vực nội, ngoại thành. Trong đêm đầu tiên, Mỹ đã ném khoảng 6.600 quả bom xuống 135 địa điểm thuộc Thủ đô Hà Nội, 85 khu vực dân cư bị trúng bom, làm chết 300 người. Quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi 6 máy bay các loại, trong đó có 3 máy bay B-52 (2 chiếc rơi tại chỗ).
Trận then chốt mở đầu chiến dịch, các lực lượng phòng không đánh địch hiệu quả. Thắng lợi ngay trong đêm đầu tiên, hạ gục tại chỗ “Siêu pháo đài bay B-52” - Thần tượng của Không lực Hoa Kỳ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về tư tưởng và tác chiến, giải tỏa những lo lắng, băn khoăn của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh và tất cả cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu bảo vệ Hà Nội vì cả 9 trận đánh cấp tiểu đoàn trong đợt đầu tiên đều chưa thành công. Thành tích vang dội này đã được Bộ Chính trị kịp thời biểu dương, khen ngợi. Bộ Quốc phòng đã tổ chức họp báo, thông báo chiến thắng và tố cáo tội ác của tập đoàn hiếu chiến Nixon trước đông đảo phóng viên trong nước và quốc tế. Đây là tiền đề, động lực quan trọng khích lệ, động viên các lực lượng trong Quân chủng PK-KQ và quân dân miền Bắc lập được nhiều chiến công mới, góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
ĐỨC LƯU (tổng hợp)