9 giờ:14 phút Thứ hai, ngày 13 tháng 3 , 2023

Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Trung đoàn Pháo phòng không 228 (21-3-1958 / 21-3-2023)

Phát huy truyền thống Đoàn Hàm Rồng anh hùng

Cùng với sự ra đời của các lực lượng vũ trang trong cả nước, ngày 7-7-1957, tại Trại Rạ, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang) là ngày hội quân để thành lập Trung đoàn mới. Ngày 21-3-1958, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Anh ký Nghị định số 048/NĐ thành lập 4 Trung đoàn pháo cao xạ dã chiến mới với phiên hiệu E218; E224; E214 và E228. Đây là mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời trong quá trình hình thành và phát triển của Trung đoàn PPK 228.

Phát huy truyền thống Đoàn Hàm Rồng anh hùng
Kíp chiến đấu Đại đội 4, Trung đoàn 228 tiêu diệt mục tiêu tại Trường bắn TB-1 năm 2022. Ảnh: DƯƠNG TOÀN

Ngay sau khi thành lập, Trung đoàn đã tích cực củng cố lực lượng, tập trung huấn luyện, tham gia diễn tập bắn đạn thật tại Trường bắn Vĩnh Yên đạt kết quả tốt. Từ năm 1962-1964, Trung đoàn được giao nhiệm vụ phục kích đánh địch ở Sơn Động, Lục Ngạn (Bắc Giang), Đình Lập (Lạng Sơn), bảo vệ Sân bay Nội Bài, bảo vệ Trạm biến thế Đông Anh (Hà Nội). Bằng ý chí, quyết tâm của mình, Trung đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

 Đầu năm 1965, Đế quốc Mỹ leo thang đánh phá ra miền Bắc. Trong đó, chúng tập trung đánh phá Cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) nhằm cắt đứt sự vận chuyển từ Bắc vào Nam. Ngày 6-5-1965, Bộ Tư lệnh Quân chủng giao nhiệm vụ cho Trung đoàn vào Thanh Hóa bảo vệ Cầu Hàm Rồng. Vượt qua mọi khó khăn, thử thách ác liệt, các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn ngày đêm chiến đấu bảo vệ từng tấc đất, từng khoảng trời, từng nhịp cầu và cho những chuyến hàng an toàn ra mặt trận. Nhiều trận đánh của Trung đoàn đã làm cho không quân Mỹ khiếp sợ, tiêu biểu là những trận đánh trong 3 ngày 21, 22 và 23-9-1966, có 37 lần chiếc máy bay địch đánh phá, ném hơn 600 tấn bom vào khu vực cầu Hàm Rồng, nhiều trận địa của đơn vị bị địch bắn phá, vùi lấp nhưng Trung đoàn vẫn phát huy được hỏa lực mạnh mẽ, bắn rơi 8 máy bay, bảo vệ tốt mục tiêu được giao. Trong ngày 14-5-1967, 95 lần chiếc máy bay đến đánh cầu trong 6 đợt, Trung đoàn đã đánh trả quyết liệt, bắn rơi 5 máy bay địch.

Trong 3 năm, từ 1965-1968, Trung đoàn đã cùng với quân và dân Hàm Rồng bắn rơi 99 máy bay Mỹ, góp phần to lớn vào thắng lợi chung của cả nước, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh. Từ 1969 - 1971, cùng với việc SSCĐ củng cố nâng cao chất lượng xây dựng đơn vị, Trung đoàn còn tham gia chiến dịch đường 9 - Nam Lào. Trong đó, Tiểu đoàn 8 của Trung đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cùng Trung đoàn 241, bắn rơi 72 máy bay địch, góp phần vào thắng lợi chung của Chiến dịch đường 9 - Nam Lào.

Ngày 26-12-1971, Trung đoàn đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 100 và 101 của địch tại cầu Hàm Rồng. Đây là trận đánh có hiệu suất chiến đấu cao, 50% số máy bay vào đánh phá bị bắn rơi, được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng khen ngợi.

Từ tháng 4-1972 đến tháng 12-1972, Trung đoàn đã bắn rơi 19 máy bay Mỹ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào Chiến thắng

“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của Đế quốc Mỹ ra miền Bắc, buộc chúng phải ký hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27-1-1973.

Tháng 4-1975, thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Trung đoàn vinh dự được giao nhiệm vụ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên Trung đoàn tổ chức đưa toàn bộ lực lượng và vũ khí trang bị vượt qua hàng nghìn cây số, hành quân thần tốc, bám sát đội hình chiến đấu, bảo vệ các binh đoàn chủ lực, góp phần vào chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Tổng cộng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung đoàn đã chiến đấu hơn 900 trận, bắn rơi 120 máy bay Mỹ gồm nhiều kiểu loại, trong đó có chiếc thứ 100 tại cầu Hàm Rồng, chiếc thứ 300 trên đất Thanh Hóa và chiếc thứ 2000 trên miền Bắc. Với những thành tích trong chiến đấu và xây dựng, Trung đoàn đã được nhận những phần thưởng cao quý đó là: 3 Huân chương Quân công; 328 Huân chương Chiến công cho tập thể và cá nhân; 1 Cờ thưởng luân lưu của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 1 lẵng hoa của Chủ tịch Tôn Đức Thắng và hàng trăm tập thể, hàng nghìn cá nhân được khen thưởng. Đặc biệt, ngày 30-10-1978, Trung đoàn vinh dự được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Đại đội 4 và 1 cá nhân cũng được tặng danh hiệu cao quý này.

Ngày nay, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Quân chủng trong tình hình mới, Trung đoàn đã không ngừng xây dựng theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Các cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ toàn Trung đoàn đã tập trung công sức, trí tuệ, nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Trung đoàn xác định nâng cao chất lượng tổng hợp sức mạnh chiến đấu của Trung đoàn trong tình hình mới, lấy chất lượng chính trị làm cơ sở xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng đội ngũ cán bộ làm trung tâm, để nâng cao chất lượng chiến đấu, quản lý vùng trời, huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, giữ vững và cải thiện đời sống bộ đội; thực hiện tốt nhiệm vụ bảo quản, bảo dưỡng, quản lý tốt cơ sở vật chất, khí tài, trang bị. Quán triệt và thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết; tích cực củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ lên một bước vững chắc, thường xuyên làm tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng chính trị cơ sở, góp phần xây dựng đơn vị và địa bàn an toàn. Nhiều năm liền, Đảng bộ đạt TSVM, Trung đoàn xây dựng thành công đơn vị điểm VMTD “Mẫu mực, tiêu biểu” và được tặng Cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối Trung đoàn pháo phòng không” của Bộ Quốc phòng và Quân chủng. Trung đoàn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trực ban SSCĐ, không để xảy ra bất ngờ, lỡ thời cơ, bảo vệ vững chắc vùng trời được giao. Hàng năm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập bắn đạn thật, liên tục giữ vững danh hiệu đơn vị huấn luyện giỏi, xứng đáng với truyền thống 65 năm Đoàn Hàm Rồng Anh hùng.

Thượng tá NGUYỄN TUẤN SƠN - Chính ủy Trung đoàn 228
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website