9 giờ:27 phút Thứ hai, ngày 11 tháng 4 , 2016

Bác Hồ với Bộ đội Phòng không-Không quân

Trong tình thương yêu bao la của Bác Hồ đối với Quân đội ta, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) vinh dự được Bác Hồ dành cho sự quan tâm chăm sóc đặc biệt. Đó là nguồn sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn, giúp Bộ đội PK-KQ vượt qua muôn ngàn khó khăn, thử thách, gian khổ, ác liệt, từng bước trưởng thành, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

 Năm 1963, Thường trực Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không cùng Cục Không quân nghiên cứu vấn đề hợp nhất quân chủng...”. Trong quá trình nghiên cứu, có nhiều ý kiến khác nhau về tên của quân chủng. Có ý kiến đề nghị đặt tên là Quân chủng “Phòng không quân”, có ý kiến lại đề nghị là Quân chủng “Không quân Phòng không”. Cuối cùng, những đề xuất đó đã được gửi lên xin ý kiến Quân ủy Trung ương và trình Bác Hồ xem xét. Bác đã quyết định lấy tên là Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ). Theo Bác, để tên như vậy đọc sẽ thuận hơn, Bác đã để gạch ngang ở giữa Phòng không và Không quân, như vậy là có ý coi hai lực lượng đều quan trọng như nhau.
Bác Hồ với bộ đội Phòng không - Không quân

Hồ Chủ Tịch thăm đoàn Cao xạ Tam Đảo, ngày 25/9/1966.   (Ảnh Tư liệu)

Ngày 22/10/1963, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh và Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định số 50/QĐ thành lập Quân chủng PK-KQ, trên cơ sở hợp nhất Bộ Tư lệnh Phòng không và Cục Không quân. Sau này, do yêu cầu nhiệm vụ, Quân chủng PK-KQ được tách ra thành Quân chủng Phòng không và Quân chủng Không quân. Đến ngày 03/3/1999, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký Sắc lệnh số 03/L-CT về việc hợp nhất Quân chủng Phòng không và Không quân thành Quân chủng PK-KQ.

Là người sáng lập, rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ đội PK-KQ, Bác Hồ đã tin tưởng trao cho Bộ đội PK-KQ sứ mệnh vẻ vang là giữ vai trò nòng cốt trong quản lý và bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Người chỉ thị cho Bộ đội PK-KQ phải tìm cách trừng trị quân địch bằng được. Theo Người muốn làm được việc ấy thì những chiến sĩ canh giữ bầu trời: “Phải đoàn kết nội bộ, đoàn kết với nhân dân và với các ngành khác” và “Muốn bắn rơi máy bay địch phải học tập tốt, giữ gìn súng đạn cho tốt”. Theo Chỉ thị của Người, ngay từ cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lần lượt các đơn vị phòng không ra đời.

Từ khi Bộ đội PK-KQ mới chỉ có một đại đội Pháo cao xạ 37mm bảo vệ cầu Thủy Khẩu trên biên giới Việt - Trung, Bác Hồ đã đến thăm hỏi động viên. Mỗi lần đến thăm, Bác đều ra từng trận địa cao xạ, tên lửa, ra đa; từng sân bay, kiểm tra, động viên, nhắc nhở, dạy bảo những điều vô cùng quý báu… Bác ân cần thăm hỏi từng cán bộ, chiến sĩ ăn có no, mặc có đủ ấm không, bộ đội trực chiến có đủ nước uống không? Bác chỉ bảo bộ đội từng phương án, cách đánh. Bác căn dặn bộ đội không được lơ là mất cảnh giác, phải bắn rơi nhiều máy bay Mỹ… Bác trìu mến như một người cha đối với các con. Bác thân thương như người ông đối với các cháu. Đến đơn vị nào cũng vậy, Bác đều vào thăm nhà ăn, nhà bếp, nhà ngủ, xem xét nơi ăn, chốn ở, việc giữ gìn trật tự vệ sinh. Thấy ưu điểm Bác biểu dương, thấy thiếu sót Bác nhẹ nhàng phê bình góp ý để sửa chữa với tác phong cụ thể, sâu sát, giản dị vốn có của mình.

Mỗi lần Bác đến thăm, dù có lúc chỉ 15 phút, nhưng đều để lại cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị những bài học sâu sắc và những kỷ niệm không bao giờ quên. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Người đã cho lập đường dây nóng từ Phủ Chủ tịch xuống Quân chủng và thường xuyên theo dõi, chỉ đạo Bộ đội PK-KQ về mọi mặt. Chính những lời dạy bảo ân cần, động viên của Bác là nguồn sức mạnh lớn lao để Bộ đội PK-KQ ra sức rèn đức, luyện tài, vượt qua muôn ngàn khó khăn gian khổ, sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, thử thách, không ngừng trưởng thành lớn mạnh, liên tiếp đánh thắng từ không quân nhà nghề của thực dân Pháp đến “thần tượng không lực Hoa Kỳ” của đế quốc Mỹ mà đỉnh cao là Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Quân chủng Phòng không- Không quân đã bắn rơi 2.635 máy bay trong tổng số 4.181 máy bay Mỹ bị quân và dân ta bắn rơi trên miền Bắc, gồm tất cả các kiểu loại hiện đại nhất của không quân Mỹ trong đó có 64 chiếc B-52, 13 chiếc F-111.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại, Quân chủng Phòng không, Quân chủng Không quân cùng các Binh chủng Cao xạ, Tên lửa, Ra đa và hàng trăm lượt tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Ngày nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu mới. Nhận rõ trọng trách trước Đảng và Nhân dân, Bộ đội PK-KQ khắc ghi những lời dạy bảo ân cần của Bác, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng Quân chủng PK-KQ “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, nâng cao trình độ khả năng sẵn sàng chiến đấu… quyết bảo vệ vững chắc Bầu trời Tổ quốc, không để bị bất ngờ, lỡ thời cơ trong mọi tình huống.

QUỲNH VÂN

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website