Gửi tình yêu người lính vào âm nhạc
Trung tá QNCN Lê Văn Hà - Chủ nhiệm Nhà Văn hóa, Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị Trường Sĩ quan Không quân (SQKQ) sinh ra và lớn lên ở vùng quê phía Tây của tỉnh Nghệ An. Từ nhỏ Lê Văn Hà đã rất đam mê với âm nhạc. Tự mày mò cộng với năng khiếu, anh đã tự học và chơi được nhạc cụ guitar và trống. Tháng 2-1998, Lê Văn Hà nhập ngũ tại Tiểu đoàn Huấn luyện chiến sĩ mới, Sư đoàn 371. Trong thời gian huấn luyện, với niềm đam mê âm nhạc, anh đã tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ của đơn vị. Đến tháng 4-1998, chuyển về thực hiện nhiệm vụ tại Đại đội Cảnh vệ, Bộ Tham mưu, anh tiếp tục phát huy sở trường chơi nhạc cụ của mình và được lựa chọn tham gia Đội văn nghệ của Bộ Tham mưu trong Hội diễn Nghệ thuật quần chúng Quân chủng Không quân. Đến tháng 9-1999, anh thi đỗ và theo học chuyên ngành Kỹ thuật hàng không tại Trường SQKQ. Sau khi tốt nghiệp ra trường, anh nhận công tác tại Tiểu đoàn Kỹ thuật hàng không, Trung đoàn 910.
Trung tá QNCN Lê Văn Hà.Trong quá trình công tác, anh thường xuyên tham gia các chương trình văn nghệ, liên hoan nghệ thuật quần chúng cấp Nhà trường và cấp Quân chủng; cá nhân anh được tặng thưởng nhiều Huy chương Vàng về độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc như: Đàn đá, Sáo Răgley, Đàn Đinh Goong, Đàn Kơní, Đàn Chapi… Được cấp trên tạo điều kiện, tháng 9-2007 anh thi đỗ chuyên ngành Quản lý Văn hóa của Trường Đại học VHNT Quân đội. Ở tuổi 30, anh chính thức được học nhạc, học đàn một cách cơ bản. Tháng 12-2010 tốt nghiệp loại xuất sắc, anh trở về công tác tại Phòng Chính trị, Trường SQKQ. Quá trình công tác, anh đã tích cực đem những kiến thức học được đóng góp nhiều hơn cho phong trào văn hóa, văn nghệ ở đơn vị. Năm 2014, anh tiếp tục đi học hoàn thiện đại học chuyên ngành Quản lý Văn hoá, Trường Đại học VHNT Quân đội. Trong thời gian 2 năm học ở đây, anh đã được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chỉ dạy cho nhiều kiến thức, kinh nghiệm sáng tác âm nhạc. Bên cạnh đó, Lê Văn Hà đã 3 lần được tham gia trại sáng tác âm nhạc toàn quân, qua đó anh học hỏi được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm sáng tác từ các thầy, giúp anh có động lực lớn hơn trên con đường sáng tác âm nhạc.
Trong thời gian được học tập, công tác tại Trường SQKQ, Lê Văn Hà đã cho ra mắt nhiều sáng tác ý nghĩa về tình thầy trò nơi “giảng đường mây”. Tiêu biểu như các ca khúc: Khoảng trời anh bay (Huy chương vàng trong Liên hoan NTQC Quân chủng năm 2010); Ước mơ của em (Giải ba toàn quốc trong Cuộc thi Sáng tác ca khúc cho tuổi trẻ năm 2017-2018); Bài ca người chiến sĩ canh trời (Giải C, in sách 101 ca khúc của Quân chủng PK-KQ); Hành quân theo chân Bác (Giải thưởng TCCT về ca khúc thể hiện xuất sắc chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách, Hồ Chí Minh); Con về thăm lán Nà Nưa (Giải B, Ban Tuyên giáo Trung ương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách, Hồ Chí Minh); Không can chi mô (Giải A, Hội Nhạc sĩ Việt Nam trong Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2022); Nghĩ về Bác (Giải thưởng TCCT về ca khúc thể hiện xuất sắc chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách, Hồ Chí Minh; Giải Khuyến khích - Giải thưởng âm nhạc Hội NSVN năm 2022); Tình ta theo cánh bay (được Quân chủng chọn in đĩa các ca khúc chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày Truyền thống Quân chủng PK-KQ)… Ngoài những ca khúc kể trên anh còn ấp ủ nhiều sáng tác về đề tài người lính, tình thầy trò và tình yêu bầu trời để giới thiệu tới khán giả. Với những đóng góp bằng các tác phẩm nổi bật trong phong trào sáng tác, năm 2021 anh vinh dự được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Năm 2023, bên cạnh tham gia Liên hoan Nghệ thuật quần chúng Quân chủng lần thứ VII, anh còn tham gia trại sáng tác âm nhạc chuyên nghiệp toàn quân đề tài “Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” do Tổng cục Chính trị tổ chức và sáng tác 2 ca khúc: “Lính canh trời” và “Hát giữa trùng khơi”; 1 hợp xướng acapela “Hành quân theo chân Bác”; đồng thời, phát hành 2 MV ca nhạc “Nghĩ về Bác” và “Tiến lên Việt Nam”, được công chúng đón nhận và đánh giá cao.
Đề tài người lính nói chung, đề tài về người lính canh trời nói riêng luôn là mạch nguồn cảm xúc trong những sáng tác của anh và tình yêu của người lính Lê Văn Hà đã được gửi vào những nốt nhạc, những ca từ đầy ý nghĩa trong mỗi sáng tác.
BÍCH PHƯỢNG