13 giờ:5 phút Thứ sáu, ngày 24 tháng 2 , 2017

Đổi mới chương trình, quy trình đào tạo phi công quân sự:

Cần đổi mới một cách khoa học và quyết liệt

Ngày 16-2, tại Hà Nội, Quân chủng đã tổ chức Hội thảo “Đổi mới chương trình, quy trình đào tạo phi công quân sự”. Tham dự Hội thảo có Trung tướng Lê Huy Vịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng; đại biểu Cục Cán bộ, Cục Chính sách, Cục Quân huấn, Cục Tác chiến, Tổng Công ty Vaxuco; đại biểu Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Binh đoàn 18… cùng Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, đại diện các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong toàn Quân chủng.

Cần đổi mới một cách khoa học và quyết liệt
Học viên bay tập huấn phương pháp sử dụng thiết bị hàng không
tại Trung đoàn 920 (Trường Sĩ quan Không quân).
Ảnh: MAI ĐÔNG

Báo cáo đề dẫn của Hội thảo, Trung tướng Lê Huy Vịnh, khẳng định: “Trong những năm gần đây, lực lượng Không quân đã được trang  bị nhiều loại khí tài mới, hiện đại như: Máy bay Su- 30MK2, máy bay Mi-171, Casa-295… Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng lực lượng Không quân hiện đại, bên cạnh việc đầu tư trang bị vũ khí khí tài, chúng ta cũng cần phải tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Một điều bất cập hiện nay là trong khi các đơn vị của Quân chủng cũng như toàn quân được trang bị nhiều loại máy bay hiện đại thì trong biên chế, trang bị của Trường Sĩ quan Không quân chỉ có IaK-52 và L-39. Những loại máy bay này chưa tiệm cận được với máy bay thế hệ mới hiện có. Vì vậy, khi học viên phi công tốt nghiệp ra trường lại phải về đơn vị để tiếp tục đào tạo, huấn luyện chuyển loại. Quy trình này gây ra rất nhiều khó khăn, áp lực cho các đơn vị chiến đấu”.

Từ những bất cập trên, tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến, đi sâu vào thực trạng đào tạo phi công quân sự của chúng ta trong thời gian qua. Theo Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó Tư lệnh Quân chủng, việc đổi mới cần làm đầu tiên chính ở khâu tuyển sinh, nâng cao chất lượng đầu vào. Hiện nay, số lượng thí sinh dự thi đào tạo phi công quân sự gấp từ 3 - 3,5 lần so với chỉ tiêu đào tạo. Do vậy điểm chuẩn đầu vào của phi công quân sự thấp nhất trong khối các trường Quân đội. Đây là điểm bất cập và cần phải đổi mới khắc phục ngay. Phấn đấu điểm chuẩn của phi công quân sự phải tương đương với tốp trung bình của các trường Quân đội. Bên cạnh đó, việc đánh giá, chọn lọc để phân hướng, phân nhánh đào tạo phi công phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, triệt để. Thực hiện đánh giá, sàng lọc phải toàn diện về mọi mặt, như: Phẩm chất chính trị, kiến thức, khả năng tiếp thu kỹ thuật bay, kỹ năng sử dụng trang thiết bị trên máy bay, trình độ ngoại ngữ, thể lực… Việc đánh giá, phân hướng, phân nhánh cần được tiến hành đối với phi công cả sau khi tốt nghiệp.

Đại tá Ngô Vĩnh Phúc - Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân mạnh dạn đề xuất ý kiến có thể tuyển phi công quân sự từ những thanh niên đã tốt nghiệp đại học. Những đối tượng này đã chín muồi từ nhân cách sống, ý thức nghề nghiệp, nền tảng kiến thức, lại có thể giảm được 2 năm đào tạo. Bên cạnh đó, cũng cần giảm thời gian học lý thuyết, tăng thời gian thực hành bay, nên thay vào đó bằng các môn học tích hợp hoặc các hoạt động ngoại khóa. Ngoài ra, cần thường xuyên tổ chức các hoạt động tham quan, học tập, trao đổi chuyên môn giữa nhà trường với các đơn vị chiến đấu. Tăng cường huấn luyện kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng sinh tồn cho học viên phi công quân sự. Đổi mới phương pháp học tập của học viên, phát huy cao độ tính tích cực, chủ động của học viên trong sử dụng mô hình trực quan, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng, đặc biệt là các buồng tập lái để nâng cao chất lượng học tập. Cần xây dựng thêm trung tâm đào tạo ngoại ngữ có uy tín, trung tâm huấn luyện thể thao hàng không. Đồng thời, cần thiết thành lập trung tâm huấn luyện trên loại máy bay chiến đấu siêu âm.

Đại tá Nguyễn Xuân Tuyến - Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 370 ý kiến sâu về quy trình đưa học viên phi công bay L-39 lên thẳng đào tạo Su- 30MK2. Do tính năng kỹ chiến thuật trên máy bay Su-30MK2 là loại tiêm kích đa năng, do vậy vốn kiến thức hiểu biết và làm chủ máy bay này phải đa dạng và phong phú. Chính vì vậy, các học viên phi công được lựa chọn đào tạo từ L-39 sang Su-30 phải đạt kết quả từ khá, giỏi trở lên. Phải đọc thông, nghe thạo tiếng Nga, về đơn vị tiếp tục được đào tạo lý thuyết và ngoại ngữ trên loại máy bay Su-30, huấn luyện mặt đất và thực hành bay phải được thực hiện liên tục. Từ năm thứ 3 trở đi có điều kiện bay nâng cao tại Nga hoặc mời chuyên gia nước ngoài sang bay đề cao thì phi công mới tiếp thu kiến thức cao hơn được.

Đối với không quân vận tải, hiện nay Lữ đoàn 918 không có đủ điều kiện để đào tạo, huấn luyện học viên máy bay Casa-212 và Casa-295. Vì vậy, Đại tá Vũ Tiến Dũng - Phó Lữ đoàn trưởng, kiêm Tham mưu trưởng Lữ đoàn 918 đề nghị các cấp nghiên cứu gửi học viên đi đào tại nước ngoài sau đó về Lữ đoàn chỉ đào tạo nâng cao. Đặc biệt, ngoại ngữ tiếng Anh phải là yêu cầu mang tính cần và đủ. Muốn chuyển loại, đào tạo máy bay mới, học viên nhất định phải đạt 500 điểm cho phần thi Toeic và ICAO phải đạt mức 4. Ngoài ra, các kiến thức tổng hợp về dẫn đường, khí tượng, luật hàng không… phải nắm rất vững bởi tổ bay họ Casa chỉ có 2 thành viên (An- 26 là 5 thành viên) nên phi công phải có khả năng độc lập tác chiến cao…

Hơn 30 ý kiến tham luận tại Hội thảo đã tập trung đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu và thẳng thắn chỉ ra những điểm còn hạn chế trong quy trình đào tạo phi công quân sự hiện nay tại Trường Sĩ quan Không quân cũng như ở các đơn vị không quân. Có tham luận còn giới thiệu về chương trình, quy trình tổ chức huấn luyện ở các nước tiên tiến có nền quân sự mạnh để chúng ta có thể học hỏi, tham khảo. Nhiều ý kiến đưa ra những vấn đề không còn phù hợp, bất cập, cần thiết phải đổi mới ngay, đồng thời đề xuất những định hướng về đổi mới quy trình, chương trình tổ chức huấn luyện, đào tạo phi công quân sự của Quân chủng… Đa phần các ý kiến đều nhất trí với phương án đề nghị kéo dài thời gian đào tạo phi công quân sự lên 5 năm (thay vì 4 năm như hiện nay), đồng thời đề nghị trên cho thành lập Trung tâm đào tạo phi công quân sự trên máy bay phản lực chiến đấu siêu âm tại Trường Sĩ quan Không quân…

 Hội thảo đã giúp các cơ quan, đơn vị chức năng có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn về quy trình đào tạo phi công quân sự của Quân chủng, cũng như đưa ra được những định hướng, những giải pháp thực hiện có tính khoa học cao, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng lực lượng Không quân nói riêng, Quân chủng nói chung tiến lên “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

BÍCH PHƯỢNG (ghi)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website