13 giờ:22 phút Thứ sáu, ngày 21 tháng 4 , 2017

Đọc sách thời công nghệ số

Đọc sách có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, khả năng tư duy và xây dựng nhân cách cho mỗi người. Cùng với việc đọc sách giấy theo phương thức truyền thống, trong thời đại công nghệ số, chúng ta có thêm nhiều phương tiện để hỗ trợ cho cách đọc online. Cùng với đó, sự tương tác giữa các loại hình nghe, nhìn cũng là cơ hội để sách được biết đến nhiều hơn. Nhân dịp kỷ niệm ngày Sách Việt Nam (21-4), chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, hiện đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội về các nội dung trên, xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Đọc sách thời công nghệ số
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy.
Ảnh: CTV

- Phóng viên (P.V): Có nhiều ý kiến cho rằng những năm gần đây văn hóa nghe nhìn đã và đang chiếm ưu thế, thậm chí có thể thay thế văn hóa đọc, ý kiến của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

- Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Đúng là nhìn vào thực tế những gì đang diễn ra trong đời sống hôm nay thì chúng ta đều nhận ra một điều rằng, văn hóa nghe nhìn đang có phần lấn lướt văn hóa đọc. Cảm giác như cuốn sách đang dần bị thay thế bởi chiếc điện thoại. Lấn lướt bởi những tiện ích cũng như tính cập nhật của nó. Tuy nhiên, tôi không cho rằng văn hóa nghe nhìn có thể thay thế văn hóa đọc kể cả hiện tại và trong tương lai. Phần lớn mọi người tìm đến văn hóa nghe nhìn là để thỏa mãn những cái tức thời, những thông tin bề nổi, còn cần một sự đọc sâu, tìm hiểu cặn kẽ một vấn đề, chúng ta vẫn cần đến những trang sách.

-P.V: Trong thời đại công nghệ số, rất nhiều người đã chọn cách đọc online, song với bộ đội, nhất là chiến sĩ thì hầu hết vẫn tìm đến thư viện để đọc trên sách giấy. Loại sách truyền thống này mang lại những giá trị gì, thưa nhà văn?

- Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Tôi nghĩ rằng, chúng ta không nên và không thể quay lưng với thời đại. Đọc sách online, đọc sách qua các thiết bị điện tử là một xu thế đáng hoan nghênh và sự siêu tiện lợi. Tuy nhiên, với đại đa số cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội, do đặc thù của môi trường công tác, chúng ta vẫn thiên về cách đọc truyền thống nhiều hơn. Nếu phải kể ra một vài ưu thế của sách giấy thì tôi có thể kể ra như là: Tính tập trung cao hơn, ít bị quấy rầy hơn, hạn chế việc bị phân tán hơn, bạn gần như được sống với thế giới của sách. Và nếu bạn lật giở các trang sách, bạn có thể ngửi thấy mùi thơm của giấy mới hay nghe thấy mùi thời gian, mùi năm tháng phả trên những trang sách cũ.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, việc đọc bằng hình thức nào không quá quan trọng bằng việc chúng ta chịu đọc hay không. Nếu chúng ta đam mê sách, có nhu cầu đọc thực sự thì ta sẽ không quá quan trọng việc đọc sách giấy thích hơn hay trên màn hình máy tính, điện thoại tiện hơn. Quan trọng là bạn tìm được đúng cuốn sách bạn yêu thích, đúng cuốn sách bạn cần.

Đọc sách thời công nghệ số
Cán bộ, nhân viên Lữ đoàn 918 (Quân chủng PK-KQ)
đọc sách, báo tại Thư viện.
Ảnh: HẢI AN

-P.V: Vâng, so với việc đọc sách trên mạng thì phương thức đọc truyền thống vẫn có những thú vị riêng. Tuy nhiên không thể phủ nhận thực trạng văn hóa đọc có giảm sút. Và trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thì có lẽ cũng có nguyên nhân thuộc về người viết. Như chúng ta biết là những cuốn sách như: “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, “Mãi mãi tuổi 20”, “Tài hoa ra trận” và nhiều cuốn sách khác nữa vẫn có sức sống, vẫn thu hút sự quan tâm của độc giả. Vậy viết như thế nào để người đọc tìm đến sách?

- Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Sách cũng như các loại hàng hóa khác, có sản phẩm bán chạy thì cũng có những sản phẩm kém chạy hơn hoặc có những sản phẩm chất lượng không cao. Giữa người viết và người đọc luôn tồn tại một mong muốn, một khát khao một mối giao cảm. Người viết chỉ có một nhưng người đọc thì có đến hàng nghìn, hàng vạn. Sự đồng cảm càng lớn thì cuốn sách viết ra càng được quan tâm. Tôi có thể nói ngay rằng, hiện nay ở lĩnh vực nào cũng có những cuốn sách hấp dẫn. Và tôi cũng tin rằng, mỗi cuốn sách có số phận của nó. Sách xuất bản, ít người quan tâm phần nhiều là do chưa chạm tới được số đông, không hẳn là chất lượng của nó kém.

Thị trường sách của chúng ta hiện nay, thống lĩnh phần lớn là sách ngoại, sách dịch chứ không phải sách của tác giả trong nước. Và tôi cho rằng, ngành xuất bản những năm gần đây đã có một bước đột phá trong việc rút ngắn khoảng cách về sách và nhu cầu đọc giữa Việt Nam và thế giới. Tất cả những sách nằm trên bảng best seller (tạm dịch: cuốn sách bán chạy nhất), những sách vừa được tôn vinh tại các giải thưởng uy tín và danh giá thì ngay lập tức đã có bản Tiếng Việt. Người đọc hôm nay vô cùng sung sướng vì có thể nói là được phục vụ đến từng chân tơ kẽ tóc. Tuy nhiên, điều đó lại đẩy đến một thái cực khác, dẫn đến tình trạng đứng trước quá nhiều lựa chọn đôi khi khiến người đọc... không biết chọn gì.

Có nhiều lý do để một cuốn sách gây được sự chú ý. Với vệt những cuốn nhật ký thời chiến như: “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”,  “Mãi mãi tuổi 20” , “Tài hoa ra trận”, những cuốn sách đó đã chạm vào tâm thế, tâm tư tình cảm của một thế hệ quên mình vì đất nước, làm sống dậy một phần ký ức của đất nước, của dân tộc. Tuy nhiên, nếu lấy đó làm hình mẫu để ví dụ viết như thế nào cho hay thì tôi lại có thể phản biện ngay rằng, anh Nguyễn Văn Thạc, chị Đặng Thùy Trâm, anh Hoàng Thượng Lân - tác giả của những cuốn sách trên - những gì họ viết ra không phải là sự chủ động viết để in, để bán, các anh hùng - liệt sĩ ấy không có ý thức viết cho người khác đọc mà là viết cho chính mình, là những người lính, họ là những bạn đọc. Tôi chỉ muốn nói là mỗi dòng sách có ý nghĩa riêng, có sức sống riêng, mỗi bạn đọc cũng có mối quan tâm riêng. Vậy nên, bàn về văn hóa đọc, một điều nên tránh chính là sự áp đặt lên sự viết và sự đọc. Bởi đọc, vốn dĩ là một việc tuy chúng ta mong muốn nó thành phong trào nhưng khởi thủy nó lại là một việc rất riêng tư. Chúng ta làm sao cổ vũ được những riêng tư ấy cũng đã là thành công.

-P.V: Có một thực trạng hiện nay là sách thì bị lãng quên trong khi phim lại lên ngôi. Việc yêu thích văn hóa đọc, hay văn hóa xem và nghe còn phụ thuộc vào tính cách của từng người. Cùng một tác phẩm, nếu chuyển thành phim, thành kịch thì xem, hoặc nghe thấy rất nhẹ nhàng, thư thái; nhưng nếu đọc trên sách thì thấy mất nhiều công sức hơn, mệt mỏi hơn, nhưng ngược lại, chúng ta lại hiểu tác phẩm sâu hơn… Dường như có một cái gì đó đang khúc mắc ở đây, nó ảnh hưởng rất lớn tới văn hóa đọc. Cảm nhận của đồng chí về việc này như thế nào?

- Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Chúng ta đừng mải mê tôn vinh sách mà coi nhẹ vai trò của các loại hình nghệ thuật khác. Nên nhìn nhận chúng bình đẳng theo hướng tích cực. Xưa nay luôn có sự cộng hưởng từ các loại hình. Một bài thơ trở nên nổi tiếng khi nó được phổ nhạc, một cuốn sách được biết đến nhiều hơn khi được dựng thành phim truyền hình hay phim điện ảnh, đó là chuyện bình thường. Ngược lại, cũng có những bộ phim “ăn theo” những cuốn sách nổi tiếng trước đó, ở thế có thể kể đến “Harry potter” từ tiểu thuyết cùng tên của J. K. Rowling, trong nước có thể kể đến bộ phim “Mẹ vắng nhà” chuyển thể từ các tác phẩm “Chị Út Tịch” và “Người mẹ cầm súng” của nhà văn Nguyễn Thi hay bộ phim truyền hình dài tập “Đất và người” chuyển thể từ tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường hay gần đây là bộ phim “Cánh đồng bất tận” chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Nếu chúng ta nhìn vào những nền công nghiệp điện ảnh thì sẽ thấy, các nhà làm phim, các nhà biên kịch cũng tìm cách săn các cuốn sách ăn khách để mua bản quyền, chuyển thể thành siêu phẩm điện ảnh. Những tác phẩm phái sinh tạo được sự cộng hưởng là đáng mừng và đáng hoan nghênh. Người ta có thể đọc sách trước rồi muốn được xem bộ phim chuyển thể từ nội dung cuốn sách đó, ngược lại, người ta cũng có thể xem phim trước rồi muốn đọc cuốn sách gốc làm nên bộ phim đó. Đấy là một nhu cầu bình thường và sẽ rất tốt nếu như chúng ta biết khai thác triệt để hơn nhu cầu này. Còn gì lí tưởng hơn khi cùng một tác phẩm lại được thể hiện dưới ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ điện ảnh, và cả 2 ngôn ngữ đều có hấp lực khiến công chúng muốn khám phá.

- P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

                                                         HỒNG LINH (Thực hiện)

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website