Trận đánh bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên trên bầu trời Hà Nội
Từ cuối tháng 9 năm 1972, Tiểu đoàn 59 (Trung đoàn 261) được lệnh đón lõng máy bay B-52 tại trận địa Cổ Loa, Đông Anh để bảo vệ Hà Nội. Mãi đến ngày 16/12/1972, đơn vị vẫn nghiêm túc tập luyện đánh B-52 theo hướng dẫn ghi trong “Sách đỏ”. Rất nhiều các tình huống được đặt ra đối với kíp chiến đấu, tình huống nào cũng được bộ đội luyện tập rất thành thạo. Nếu B-52 xuất hiện, bộ đội hoàn toàn có thể đưa ra các thông số nhanh, chính xác để hạ mục tiêu.
18 giờ ngày 18/12/1972, sau một ngày hoàn toàn yên tĩnh, các đài ra đa cảnh giới của ta bỗng đồng loạt thông báo có hiện tượng nhiễu với cường độ ngày càng tăng. Hiện tượng này cho biết sắp có một đợt hoạt động lớn của không quân địch. 15 phút sau, Tổng trạm ra đa nhận được thông báo vượt cấp của Đại đội 37: Có những tốp F-111 xuất hiện trên vùng trời Sầm Nưa.
Nhưng cũng chỉ 15 phút sau, từ hai hướng Tây Bắc và Đông Bắc bắt đầu có nhiễu ngoài đội hình của máy bay EB-66. 18 giờ 50 phút, đơn vị được lệnh chuyển vào cấp 1, cấp sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Đúng 19 giờ, Đại đội Ra đa 16 phát hiện có nhiễu B-52. Kíp trắc thủ đã kịp thời thông báo những toạ độ đầu tiên của chúng. Vài phút sau, từ Sở chỉ huy Quân chủng, tín hiệu báo động B-52 cho toàn thể lực lượng PK-KQ được bàn tay các báo vụ viên phát đi trên làn sóng điện.
19 giờ 15 phút, ở Đại đội Ra đa 45, bằng một sự khẳng định hết sức dũng cảm, dứt khoát và đầy trách nhiệm, Đài trưởng Nghiêm Đình Tích báo cáo với Đại đội trưởng của mình: “B-52 đang bay vào Hà Nội”. Các đơn vị chủ động vào trận đánh với một quyết tâm rất cao. Tất cả các bệ phóng, các nòng pháo đã quay về hướng địch.
Trên bầu trời, hàng đàn pháo đài bay B-52 của địch đã xé màn đêm bay vào Hà Nội. 19 giờ 44 phút, quả đạn tên lửa đầu tiên của Tiểu đoàn 78 (Trung đoàn 257) đã rời bệ phóng, mở đầu cuộc nghênh tiếp dữ dội với lũ cướp nước. Tiếp đó là hàng loạt những con rồng lửa của các Tiểu đoàn 57, 59, 73, 94 bay vút lên trời cùng những chiếc MiG-21 lao vào đội hình pháo đài bay của địch.
Bệ phóng tên lửa của Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 261 đã bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên
(đêm 1-12-1972), hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng PK-KQ.
B-52 bắn phá mục tiêu ở Đông Anh, đất trời rung chuyển, tiếng máy bay gầm rú ghê rợn. Trận địa Yên Viên cũng chìm trong khói lửa. Tại trận địa Cổ Loa, bom rơi cạnh Tiểu đoàn 59, đất đá rơi rào rào, bụi và khói bom mù mịt nhưng bộ đội vẫn không rời vị trí. Pháo 100 của ta từ 4 đại đội cũng cấp tập bắn lên tạo thành lưới lửa dày đặc vây bủa tứ bề.
Chỉ mấy phút sau, sở chỉ huy thông báo có 1 tốp B-52 đang bay vào hướng Bắc - Đông Bắc vùng trời Tiểu đoàn 59 đang quản lý. Kíp chiến đấu lập tức phát hiện giải nhiễu có cường độ lớn, đậm đặc, ổn định. Kíp chiến đấu gồm: Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng, Chính trị viên Vũ Văn Dương, Sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận, Trắc thủ góc tà Lê Xuân Linh, Trắc thủ cự ly Ngô Đức Tứ và Trắc thủ phương vị Ngô Xuân Đoàn.
20 giờ 13 phút, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng hạ lệnh: “Tập trung đánh tốp B-52”. Lập tức cả kíp chiến đấu căng mình vào cuộc. Quả đạn tên lửa mang số hiệu C202A vạch trời đêm lao trúng đích, hạ tại chỗ 1 chiếc B-52G rơi xuống cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh. Cả trận địa vỡ òa trong niềm vui khôn xiết. Đây là chiếc B-52 đầu tiên bị bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội, cách trận địa chưa đầy 10km.
Thắng lợi ngay trong đêm đầu tiên, hạ gục tại chỗ “Siêu pháo đài bay B-52” - thần tượng của không lực Hoa Kỳ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về tư tưởng và tác chiến, giải tỏa những lo lắng, băn khoăn của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh và tất cả cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu bảo vệ Hà Nội vì cả 9 trận đánh cấp tiểu đoàn trong đợt đầu tiên đều chưa thành công.
Tin Tiểu đoàn Tên lửa 59 bắn rơi chiếc máy bay B-52 đầu tiên ở Phù Lỗ và quân dân huyện Đông Anh bắt được giặc lái B-52 bỗng chốc lan nhanh. Theo lệnh của thủ trưởng Đoàn Phòng không Hà Nội, đích thân đồng chí Võ Công Lạng - Trung đoàn phó Trung đoàn 261 đã đến tận cánh đồng Chuôm nhặt xác máy bay. Tấm kim loại in rõ chữ “B-52G” khiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp vô cùng xúc động. Qua “đường dây nóng”, Đại tướng đã biểu dương cán bộ, chiến sĩ Đoàn Phòng không Hà Nội, đặc biệt là bộ đội Tiểu đoàn 59 (Trung đoàn 261) đã đánh giỏi, lập công đầu xuất sắc, mở màn cho những chiến thắng giòn giã của quân và dân ta trong Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội tháng 12 năm 1972.
Bài, ảnh: NGUYỄN HUY THUẬT
(Theo cuốn Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không - Ký ức một thời)