7 giờ:19 phút Thứ năm, ngày 10 tháng 8 , 2017

Hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Bộ đội Tên lửa bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên trên chiến trường Việt Nam (17-9-1967/17-9-2017):

Kỳ 2: Vượt mọi gian nan, sẵn sàng bước vào trận đánh

Tiếp tục hành quân tiến về phía Nam, Trung đoàn 238 được chia làm hai bộ phận: Phía trước là Tiểu đoàn 81 và Tiểu đoàn 83. Phía sau là Tiểu đoàn 82 và Tiểu đoàn 84 đang sửa chữa khí tài. Bộ phận phía trước do các anh Hội, Quang và Huy phụ trách, tổ chức cho Tiểu đoàn 81 và 83 vượt qua Quảng Bình vào thẳng Vĩnh Linh phục đánh B-52. Vì lúc này B-52 của Mỹ đã mon men ra đến Nam giới tuyến 17, có lúc sang cả phía Bắc sông Bến Hải vào Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy, Bãi Hà.

Kỳ 2:  Vượt mọi gian nan, sẵn sàng bước vào trận đánh
Tiểu đoàn 85, Trung đoàn 238 bảo đảm kỹ thuật trên chiến trường Vĩnh Linh (Quảng Trị).

Sau một số trận đánh lập công trên quê Bác, Tiểu đoàn 81 và 83 đều đã có “Giấy chứng nhận” để vượt sông Lam. Mấy tháng sau, Tiểu đoàn 81 và 83 triển khai chiến đấu ở Nông trường Quyết Thắng để đánh B-52 nhưng chưa thành công. Tiếp đó, Tiểu đoàn 81 đánh được một số trận, bắn rơi 1 chiếc L-19 ở Quảng Bình và hợp đồng với đơn vị bạn đánh địch ở Do An, bắn rơi 1 chiếc B-57 ngay trên cồn Tiên và 1 chiếc F-4 ở Vĩnh Linh, bắt sống 2 giặc lái. Trong trận đó, Tiểu đoàn 81 và 83 đều bị tổn thất do địch đánh Sơ rai vào trận địa.

Mùa Hè 1967, toàn Trung đoàn được lệnh vào hết Nam Khu 4. Chúng tôi tổ chức cho đơn vị đi theo đường 15 Đồng Lộc - Thạch Ngọc - ngã 3 Thình Thình - Cà Tang - Khe Ve - Khe Rinh - Đèo Đá Đẽo - Troóc - Phú Quý - Long Đại - Nông trường Lệ Ninh và Vĩnh Linh. Qua Cà Tang, một cái ngầm khá lớn, ở đây địch đánh phá ngầm  quyết liệt suốt ngày đêm, bom đạn khiến cây cối xung quanh trơ trụi hết. Ban đêm thì pháo sáng treo lơ lửng suốt dọc đường. Rồi đến Khe Rinh, có thể nói đây túi bom tọa độ, cứ 10-15 phút lại một đợt tọa độ. Anh em ở đây có câu nói vui “Qua Khe Rinh mới biết mình còn sống”. Đến đoạn vượt Xuân Sơn - Ngầm Bùng, đây là nơi địch kiểm soát khá gay gắt vì là đầu đường 20 đi về phía Phu La Nhích, vào phía Nam và một ngả vào đường 15, Long Đại và vào chiến trường B5 Trị Thiên. Ở khu vực này là nơi đối đầu kịch liệt giữa Không quân Mỹ và lực lượng Phòng không giao thông vận tải của ta. Cứ 5-10 phút là một loạt bom nã vào bến phà. Ngầm Bùng cũng chẳng kém gì, ngầm đã cong lại bị đánh rát rạt. Chúng tôi lo nhất là làm sao có được lộ tiêu chỉ đường cho lái xe để khỏi rơi tõm xuống sông. Chuẩn bị cho hành quân, tôi đến đội thanh niên xung phong của Binh trạm 14, được các đồng chí giới thiệu cháu Phương - một cô gái nhỏ xinh có cặp mắt sáng đầy vẻ tự tin. Phương cười hồn nhiên: “Chú đừng lo, chúng cháu sẽ có lộ tiêu tốt nhất cho các chú hành quân qua Ngầm Bùng này thôi”. Tôi hỏi bằng cách nào? Phương cười nhẹ, hãy cứ tin ở chúng cháu. Chập tối tôi ra đầu Bắc Ngầm quan sát, lòng rộn âu lo vì đã đến giờ hợp đồng rồi mà sao im ắng quá. Thế này làm sao qua Ngầm đây? Mấy phút sau thấy 12 cô gái đi ra, ăn mặc toàn đồ trắng tinh. Đọc được thắc mắc trong mắt tôi, cháu Phương đến trước mặt tôi nghiêm trang: “Báo cáo chú, đây là 12 lộ tiêu sống đêm nay sẽ làm chuẩn cho các chú vượt Ngầm đấy ạ”. Rồi cô ra lệnh “Các đồng chí về vị trí!”. Thế là 12 cô gái dàn thành lộ tiêu sống trên Ngầm Bùng giúp chúng tôi vượt qua Ngầm...

Qua được 1-2 xe lại một loạt bom tọa độ và pháo sáng treo lơ lửng trên không, tôi lo cho các cô gái quá chừng. Nhưng trên các gương mặt trẻ măng, chẳng ai lộ chút gì hoảng sợ. Rồi cứ thế, hết tốp này đến tốp khác, tất cả đều vượt qua Ngầm dưới sự điều khiển của Phương ở Barie cách Ngầm 200m. Sau khi vượt Ngầm Bùng - Long Đại, hai Tiểu đoàn 81 và 84 vào náu mình ở Nông trường Quyết Thắng, chuẩn bị cho những trận đánh B-52 sắp tới.

Trận địa Tên lửa muốn trụ được ở Vĩnh Linh phải đào hầm đưa tất cả các xe chỉ huy xuống dưới mặt đất, làm nắp chống bom bi và đạn pháo, mảnh bom. Chỉ trừ xe thu-phát và các bệ phóng là để trên mặt đất, hàng ngày được ngụy trang kín đáo. Nhưng đó là để bảo đảm đánh ban đêm, còn ban ngày thì khói máy nổ quá nhiều, máy bay trinh sát địch sẽ phát hiện ra trận địa và sẽ đánh trước khi ta phóng đạn tên lửa đi. Cuối cùng, bộ đội ta có sáng kiến khắc phục là làm cho khói máy nổ chui vào lòng đất như kiểu bếp “Hoàng Cầm”. Một vấn đề nữa nảy sinh, đánh được địch nhưng phải bảo vệ được dân và các hệ thống kho tàng khác. Vì phía Tây Vĩnh Linh lúc này là hậu phương của mặt trận B5 và Đường 9; ở giữa là những đồi sim lúp xúp không thể bố trí trận địa tên lửa được. Phía Đông Vĩnh Linh là vùng đông dân cư, nếu địch đánh tên lửa thì cũng là đánh vào dân. Do vậy, trận địa Tên lửa chỉ còn thu hẹp lại phía Tây mà thôi. Ngoài trận địa ra còn khu vực bố trí cất giấu đạn Tên lửa để trên xe kéo nữa. Có thể nói công việc đào, đắp, xây dựng công sự đã ngốn hết khá nhiều công sức của bộ đội.

                        QUỲNH VÂN (lược trích)

>>>Kỳ 3: Hạ gục chiếc B-52 đầu tiên trên vùng trời Việt Nam 
 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website