9 giờ:27 phút Thứ sáu, ngày 8 tháng 4 , 2016

Quân chủng Phòng không-Không quân chuẩn bị mọi mặt cho Tổng tiến công chiến lược Mùa Xuân 1975

Quân chủng Phòng không-Không quân chuẩn bị mọi mặt cho Tổng tiến công chiến lược Mùa Xuân 1975

Đầu năm 1973, quán triệt và chấp hành các chủ trương, quyết tâm chiến lược của Đảng và Quân ủy Trung ương, đồng thời với việc tổ chức lực lượng SSCĐ bảo vệ miền Bắc, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn Quân chủng khẩn trương chuẩn bị chiến đấu, trong đó tập trung đẩy mạnh việc xây dựng các lực lượng phòng không, không quân cho chiến trường miền Nam.

Toàn Quân chủng đã tiến hành đợt sinh hoạt chính trị, làm cho bộ đội thấy rõ ý nghĩa thắng lợi to lớn của cách mạng nước ta, trên cơ sở đó quán triệt quyết tâm chiến lược của Đảng, nhận rõ tình hình nhiệm vụ của Quân đội, Quân chủng, nâng cao niềm tự hào, ý chí quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Cuối năm 1974, trên cơ sở hưởng ứng đợt thi đua “Phất cao cờ đại thắng, chiếm lĩnh 5 đỉnh cao”, một lần nữa Quân chủng tiếp tục động viên bộ đội phát huy tinh thần tiến công, đoàn kết nhất trí, quyết tâm hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Tháng 3 năm 1975, Đảng ủy Quân chủng họp quán triệt quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, ra Nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ Quý 2 năm 1975, động viên toàn Quân chủng xông lên phía trước, đón thời cơ lớn. 

Quân chủng Phòng không-Không quân chuẩn bị mọi mặt cho Tổng tiến công chiến lược Mùa Xuân 1975

Chú thích ảnh:  (Ảnh Tư liệu)

Về lực lượng và trang bị, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã lần lượt xây dựng và điều chỉnh lực lượng chi viện cho chiến trường miền Nam: Tổ chức thành lập Lữ đoàn không quân 919; xây dựng Sư đoàn phòng không 673 và bàn giao cho Quân khu Trị-Thiên; bàn giao Sư đoàn phòng không 367 cho Quân khu 1; Sư đoàn phòng không 377 và 2 trung đoàn pháo cao xạ (227, 232) cho Bộ Tư lệnh 559; Trung đoàn pháo cao xạ 234 cho Bộ Tư lệnh B3; Trung đoàn pháo cao xạ 262 cho Bộ Tư lệnh Miền... Đến đầu năm 1975, tổng số lực lượng phòng không ở miền Nam được nâng lên 3 sư đoàn, 23 trung đoàn và 111 tiểu đoàn pháo, súng máy cao xạ các loại. Cũng trong thời gian này, Quân chủng đã tổ chức tiếp nhận và bàn giao một khối lượng lớn vũ khí, khí tài pháo cao xạ, đạn tên lửa A-72 và xe các loại cho mặt trận B2, B3; vận chuyển vũ khí trang bị cho Quân đội Lào...

Về tổ chức chỉ huy, Bộ Tư lệnh Quân chủng đã đề nghị với Bộ Tổng Tham mưu một số vấn đề, được trên chấp thuận và triển khai thực hiện có hiệu quả, nhất là đối với các đơn vị trên chiến trường miền Nam như: Quân khu Trị-Thiên, Bộ Tư lệnh 559 và Quân đoàn 1 tổ chức Bộ Tư lệnh phòng không để chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng phòng không và làm tham mưu cho Bộ Tư lệnh quân khu, quân đoàn; Quân khu 4 tổ chức cơ quan tham mưu và sở chỉ huy phòng không; các quân khu khác và Quân đoàn 2 có Phòng Cao xạ... Đặc biệt, đầu tháng 11 năm 1973, Quân chủng tổ chức Đoàn cán bộ chỉ huy tham mưu có nhiều kinh nghiệm do các đồng chí Nguyễn Quang Bích - Phó Tư lệnh, Nguyễn Văn Loan - Tham mưu trưởng Quân chủng dẫn đầu vào miền Nam để chuẩn bị cho tác chiến phòng không.

Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị về kỹ thuật, hậu cần được Quân chủng chủ động triển khai có hiệu quả: tổ chức tốt việc cấp phát vật tư, khí tài cho các đơn vị; tổ chức các đội sữa chữa phục vụ các đơn vị cơ động chiến đấu; đảm bảo các phương tiện cơ động bằng đường sắt, đường bộ, đường không; hiệp đồng với các quân khu, quân đoàn, các mặt trận để đảm bảo hậu cần cho các đơn vị ở tuyến trước.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, lực lượng phòng không cả nước, Quân chủng PK-KQ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho, đã lập được nhiều thành tích, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Có được thành tích đó là do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến sự chuẩn bị về mọi mặt một cách chủ động, tích cực của Quân chủng.

HOÀNG LÂU

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc

code

Có thể bạn quan tâm

Tin khác

Đọc báo in

Thời tiết

loading...

Tỉ giá

Liên kết website